Bất kể nền kinh tế gặp nhìu khó khăn, nghề lập trình vẫn thu hút HS-SV |
Tuy nhiên, những người đã thành danh ở nghề này đều cho rằng, nếu tìm được niềm đam mê sẽ thấy nghề lập trình cũng thú vị như nhiều nghề khác.
Cơ hội luôn rộng mở
Với một góc nhìn thẳng về nghề lập trình, lãnh đạo của hai công ty phần mềm FSoft và Luvina đều rất lạc quan về thị trường xuất khẩu phần mềm hiện nay của Việt Nam. Bất kể thị trường kinh tế trong nước và thế giới đang gặp nhiều khó khăn, việc kinh doanh của ngành vẫn phát triển. Như Công ty Phần mềm FSoft trong năm qua đã tăng trưởng hơn 30% doanh số, lượng nhân viên tăng từ 4.000 lên 5.000 người. Năm nay, công ty quyết tâm đạt mức doanh số 100 triệu đô la.
Ông Bùi Trần Lượng – Phó tổng giám đốc Công ty Phần mềm Luvina – chia sẻ: “Trong khi công nghệ và tiêu chuẩn chất lượng của phía đối tác không ngừng nâng cao, việc chúng ta có đáp ứng được hay không không phải là vấn đề quan trọng đối với họ. Nếu chúng ta không đủ sức đáp ứng, họ luôn có sự lựa chọn mới ở những thị trường khác. Chỉ bằng cách tạo ra những sản phẩm có chất lượng, ngành phần mềm Việt Nam mới có chỗ đứng tại các thị trường công nghệ rộng lớn ở nước ngoài. Muốn làm được điều này, Việt Nam phải có định hướng đối với sự phát triển của nguồn nhân lực trong ngành CNTT. Hiện nay, các bạn trẻ chịu nhiều tác động từ gia đình và xã hội. Những lựa chọn công việc của các bạn không hẳn xuất phát từ sự yêu thích mà đôi khi là vì định hướng của cha mẹ hoặc những làn sóng nghề nghiệp “hot” trong xã hội”. Ông Lượng cũng lấy ví dụ, ngay tại gia đình ông, con cháu cứ nói ĐH là phải ngân hàng. Còn theo ông Phan Phương Đạt, Phó tổng giám đốc Công ty Phần mềm FSoft thì 5 năm tới, những làn sóng mới sẽ nổi lên, rồi những làn sóng khác sẽ “chìm xuống”, giống như tài chính, ngân hàng một thời nhưng với nghề lập trình thì luôn luôn ổn định.
Cả ông Đạt và ông Lượng đều khẳng định thời gian tới Việt Nam cần một nguồn nhân lực lớn cho nghề lập trình. Cái khó khăn của ngành đó là có thể lúc mới ra trường, lương không cao nhưng cũng không đến mức “tệ”. Nguyễn Mạnh Linh, cựu học viên khóa 7 của trường đào tạo lập trình viên quốc tế Aptech, cho biết đã ra trường được 2 năm và lương hiện tại đã gấp 3,5 lần lúc đầu. Không những thế, Linh còn cho biết, học lập trình ngay từ những ngày còn ngồi trên ghế nhà trường, sinh viên đã có thể làm thêm “đúng nghề” bằng cách nhận làm các website cho khách hàng và việc kiếm từ 3-5 triệu đồng/web là điều hoàn toàn có thể làm được.
Vẫn phải đào tạo lại
Theo ông Lê Hồng Hải, Giám đốc Hệ thống đào tạo lập trình viên quốc tế Aptech, hiện nay trong các chương trình học của hệ thống có khoảng 60% sinh viên đến từ các trường ĐH, CĐ trong cả nước. Các sinh viên này đang theo học CNTT. Lý giải về vấn đề này, ông Hải cho rằng các trường ĐH, CĐ hiện nay đào tạo CNTT giống như đang đào tạo kỹ sư xây dựng. Sinh viên ĐH được đào tạo rất cơ bản nhưng những kiến thức chuyên sâu thì chưa được đào tạo nhiều do khung chương trình đã được quy định cứng, những công nghệ mới chưa được cập nhật nhiều. Nên sau khi ra trường, sinh viên chưa thực sự tự tin và còn hoang mang. Ông Hải cũng cho hay điểm yếu của sinh viên CNTT Việt Nam hiện nay là đại đa số chỉ được trang bị kiến thức nền tảng, thiếu kỹ năng mềm và thiếu tính thực tiễn. Các chuyên gia Việt Nam và nước ngoài đều quan ngại một vấn đề: Nhân lực. Hai tồn tại chính của nhân lực ngành phần mềm là chất và lượng vẫn còn nguyên sau nhiều năm. Nhân lực trong ngành đã thiếu và yếu, nay lại không có người tham gia. Theo ông Phan Phương Đạt, vấn đề doanh nghiệp đào tạo lại phải được hiểu theo nhiều khía cạnh. Có thể là bổ sung thêm kiến thức nhưng cũng có thể là phải đào tạo quy trình làm việc trong mỗi công ty cho nhân viên mới. Điều này trường ĐH, CĐ không làm được vì mỗi công ty có một quy trình làm việc khác nhau. Cũng theo ông Đạt, các trường ĐH, CĐ chỉ cần làm tốt vai trò đào tạo của mình.
Giải thích về hiện tượng người học “chê” ngành lập trình khô, khó, khổ, ông Bùi Trần Lượng cho rằng áp lực của ngành CNTT đối với một bộ phận lao động Việt Nam là quá tải bởi họ sinh hoạt không có kỷ luật cao, cách làm việc chưa chuyên nghiệp, chưa khoa học. Giá trị cạnh tranh trong ngành phần mềm là tốt – nhanh – rẻ, hay nói cách khác yếu tố chất lượng, thời gian và giá thành chính là những điều kiện quyết định để khách hàng tìm tới với công ty. Việc phải làm thêm giờ và đôi khi làm việc ban đêm để kịp tiến độ “giao hàng” là một đặc tính của ngành. Theo các chuyên gia, đối với nghề lập trình, chỉ cần những người trẻ có niềm tin và niềm đam mê thì sẽ thành công. Bởi thị trường lập trình phần mềm của Việt Nam còn rất lớn.
Nghiêm Huê
Bình luận (0)