Học sinh trên đảo Bé nhận giấy khen trong buổi lễ tổng kết năm học 2008-2009 |
Ngôi trường nằm trên đảo Bé (xã An Bình, huyện đảo Lý Sơn) đang hoạt động với “bốn không” mà khó ai có thể ngờ: Không tên, không điện, không công nghệ thông tin và không có nước. Đó là những thiếu thốn tối thiểu trong xã hội hiện đại hóa ngày hôm nay.
Hành trình tìm về đảo Bé
Tháng 6, với cái nắng chói chang của tiết trời miền Trung, chúng tôi đã có mặt tại cảng Sa Kỳ, để chuẩn bị mua vé (70.000đ/vé) và vật phẩm cho chuyến đi. Đúng 8h, tàu cao tốc sẽ khởi hành đến đảo Lý Sơn (mỗi ngày có 1 chuyến vào lúc 8h sáng). Từ đất liền đến huyện đảo, chúng tôi phải trải qua cuộc hành trình trên biển dài đến 24 km trên chiếc tàu cao tốc.
Con tàu đưa chúng tôi đến đảo Lớn, mất khoảng 45 phút. Và từ đây chúng tôi tiếp tục đi tàu khoảng hơn 2 km nữa mới đến được đảo Bé. Người dân nơi đây rất mến khách. Khi nghe tiếng tàu cập bến, hai bên đường có sự hiện diện của những người dân ốc đảo, với thân hình hao gầy, làn da ngăm đen, đôi mắt mệt mỏi và giọng nói đặc trưng Lý Sơn. Họ tò mò xem những vị khách nào ghé thăm đảo, ngồi thẳng hàng như đoàn diễu binh đón khách quý. Và cuối cùng, lặn lội đoạn đường xa vượt qua 26km, tản bộ hơn 2km trên đảo Bé, chúng tôi đã đến được ngôi trường “bốn không”.
Ươm mầm trong cái khắc khổ
Tháng 6, những ngày hè thật im lặng, không tiếng ve kêu inh ỏi, không hoa phượng đỏ, mà chỉ có tiếng gió liêu xiêu và sóng xô bờ. Khi chúng tôi đến thăm ngôi trường dưới cái nắng gắt, kèm theo đó là những cơn gió biển, tạo nên cảm giác rất lạ so với đất liền. Trước mặt tôi là ngôi trường khá cũ kĩ, không có bảng hiệu tên trường. Hỏi ra, mới hay biết tên trường là “Trường Tiểu học xã An Bình”, trong trường có 7 lớp gồm 1 lớp mầm non (23 em), 1 lớp 6 (13 em) và 5 lớp từ lớp 1 đến lớp 5, tổng số học sinh nơi đây là 74 em.
Ngôi trường đã “không tên”, lại không có điện. Nhìn quanh phòng học, chúng tôi không thấy một bóng điện nào, hỏi ra mới biết đảo Bé không hề có điện. Khi trời nắng thì lấy ánh sáng của mặt trời để học. Còn những lúc mưa, tất cả phải đóng cửa phòng học và dùng đèn dầu, bởi lẽ mưa ở ốc đảo luôn kèm theo gió lốc, có lúc mưa đến nỗi không thể đi ra ngoài được. Cuộc sống nơi đây là thế! Muốn nhìn thấy mặt nước biển, thì chỉ cần đứng trên tầng 1 là đã quan sát biển cả mênh mông đến nhường nào. Không điện, kéo theo tất cả thông tin cũng bị bỏ quên. Khi hỏi về chiếc máy tính đang trùm mền và đầy bụi, anh hiệu phó nhà trường thổ lộ: “Đây là cái máy tính do Sở GD-ĐT cấp cho trường, nhưng không có điện nên chúng tôi trùm mền khoảng 2 năm rồi. Để tìm kiếm thông tin, chúng tôi phải về đảo Lớn nghiên cứu”.
Cuộc sống cư dân trên đảo Bé thật khắc khổ. Có khi không cần đến nơi đây, mà chỉ nhìn khuôn mặt đầy gió, nắng và sương thì cũng đủ lột tả về cuộc sống của người dân ở đảo Bé. Không có nguồn nước ngọt từ lòng đất, mà phải hứng nước mưa, cho nước vào bể rồi sử dụng dần dần. Có lẽ, thiên nhiên không ưu ái cho họ nguồn nước mát từ giếng đào hay giếng khoan. Riêng ngôi trường này, chúng tôi thật ái ngại khi cách dùng nước mưa để cho các cháu sinh hoạt. Trên mái trường, họ dùng loại tôn xi măng và hứng nước mưa xuống cái máng trên nóc trường, sau đó cho nước chảy vào trong bể đóng đầy rong rêu và muỗi. Thấy tôi lo lắng, một thầy giáo giãi bày: “Chúng tôi chỉ có một cách này để lấy nước, sau đó cho vào bể và sử dụng cách lọc nước rất xưa, tức là cho nước vào cái chum, trong chum có nhiều đá để chúng lọc nước và chúng tôi sử dụng nước này trong thời gian qua. Và các em học sinh ở đây vẫn uống nguồn nước này nhưng chẳng hề hấn gì”.
Ngoài thực trạng “bốn không”, thì đội ngũ giáo viên cũng là bài toán nan giải. Toàn xã An Bình, có 3 giáo viên địa phương, còn lại phải luân chuyển giáo viên từng năm từ đảo Lớn sang dạy học, trung bình mỗi năm cần thêm khoảng 4 giáo viên. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất của trường rất nghèo nàn, các em học sinh chỉ có bàn ghế ngồi học, còn lại không có bất kỳ vật dụng nào phục vụ việc dạy và học. Ốc đảo An Bình có diện tích khá khiêm tốn, bốn phía là biển, có môi trường trong lành và thoáng mát, thế nhưng ngôi trường không có nhà vệ sinh, điều này chẳng bao lâu nữa môi trường sinh thái ở đây tất sẽ bị ảnh hưởng.
Ông Phan Đình Phương, Chủ tịch UBND xã An Bình tâm sự: “Xã An Bình nằm trong địa thế rất phức tạp, khó khăn. Nhân dân nơi đây sinh sống chính bằng nghề đánh bắt cá, trồng đậu phụng, trồng hành và bắt ốc. Mọi hoạt động sinh hoạt rất biệt lập; không điện, không nước, không cơ sở vật chất. Chúng tôi rất mong sự đầu tư, hỗ trợ và tạo điều kiện cho ốc đảo nghèo chúng tôi phát triển. Đặc biệt, đầu tư vào sự nghiệp giáo dục, để con em địa phương có cơ hội vượt biển vào đất liền, có trình độ và kiến thức xây dựng quê hương, tất cả nhằm bảo vệ chủ quyền biển đảo vững vàng”.
Hồng Vương
Bình luận (0)