Tôi cao gần một mét bảy, chính xác là mét bảy thiếu một phân. Khi làm phiếu khám sức khoẻ ở bệnh viện, ông bác sĩ đã tủm tỉm khi ghi hàng tá số đo và hỏi: Cô vào làm ở viện mẫu à? Khi tiếp nhận hồ sơ và ngó người, các ông bà đại diện đều hỏi tôi: Cô định làm thư ký hay văn thư?
Hình minh họa. Ảnh: styleweddings.sg |
1. Tôi không thành người mẫu cũng không được dành phần việc thư ký hay văn thư, tôi ở phòng kinh doanh của công ty dịch vụ.
Ngày tiếp nhận nhân viên mới, ông trưởng phòng đã nắn gân: “Nên nhớ rằng đây là doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ chứ không phải sân khấu thời trang, các cô nhớ nhá!”.
Tôi nhớ khi rón rén gõ cửa phòng buổi đầu. Em chào các chị các anh ạ, em tên là… Có người ngẩng lên, có người vờ như không biết không nghe không thấy. Chỉ đám đàn ông là nhấp nhổm (họ vốn hay thiếu bình tĩnh).
Trưởng phòng chỉ cho tôi chỗ ngồi. Thật tuyệt vời, một chỗ gần cửa sổ. Tôi ghìm được một tiếng reo như con trẻ khi được chỗ ngồi ưng ý. Trưởng phòng bảo: “Chỗ này thoáng nhưng hơi nóng về mùa hạ và mát về mùa đông”.
Tôi thấy ông cũng không đến nỗi nào nếu chỉ nhớ mỗi lời nắn gân buổi đầu gặp mặt.
2. Ở công ty chưa tròn một tuần tôi có bạn thân, đó là Duy. Duy là người đầu tiên bắt chuyện và sánh vai tôi đi ở sân công ty.
Duy cao chưa đầy một mét sáu, da ngăm ngăm, hay hút thuốc lá vặt. Thỉnh thoảng “giải lao giữa giờ”, Duy mời tôi đi uống cà phê. Một bữa Duy bảo: “Cậu là người hồng nhan…”. Tôi giãy nảy: “Tôi đâu có xinh đẹp gì”. Duy thủng thẳng: “Nhưng cậu chân dài!”.
Lại chân dài, hẳn là trước đây ông bà mình ít dùng “chân dài” để nói về người cao, nhất là phụ nữ. Ở nhà, mẹ vẫn gọi tôi là “dài lưng tốn vải” mỗi khi tôi dậy trễ, còn bố mắng yêu là “cao như cái sào chọc…”.
Duy bảo, cơ quan nào có chân dài là cánh đàn ông tay sẽ dài ra, dài ra để vô tình đụng chạm, dài ra để “nâng khăn sửa áo” và cuộc hỗn chiến sẽ xảy ra giữa những cánh tay muốn dài.
Tôi làm bộ không hiểu, Duy giảng giải: “Ở công ty có cô chân dài vừa phải nghỉ việc đấy!”. Tôi hỏi vì sao, Duy lại thủng thẳng: “Vì lúc nào cô ta cũng nghĩ là mình chân dài”.
3. Được Duy cảnh báo, tôi hạ bớt đế giày, tăng cường áo chùng và cao cổ.
Được vài bữa, các chị em trong phòng tư vấn: Em mặc váy thì tuyệt! Chị mặc quần cạp trễ thì nhất đấy. Nhất dáng nhì da, tại sao em không theo mốt?
Một buổi ngồi nói chuyện phiếm với chị em, ông trưởng phòng bảo: “Phải tự tin chứ đừng tự cao”.
Tôi hỏi thêm Duy về ý kiến của trưởng phòng, Duy bảo tức là phải có bản lĩnh. Tôi thêm phần kính trọng trưởng phòng về sự nghiêm túc và bài “thuốc đắng dã tật”.
Tôi có thêm những người bạn ngoài Duy. Thỉnh thoảng, các chị vẫn đùa: Cao cẳng ơi, chị bảo này, bộ này cao cẳng mặc đẹp phải biết… Tôi được mọi người rủ đi mua sắm ở các hiệu thời trang, nhiều bộ các chị xuýt xoa bảo tôi mặc thử, trầm trồ và góp tiền mua tặng tôi.
Bỗng dưng tôi được yêu chiều, được làm MC của đội văn nghệ công ty ở hội diễn toàn ngành, được cử cầm hoa mỗi khi công ty có việc ngoại giao.
Duy bảo tôi, cậu có bản lĩnh đấy. Tôi hỏi là sao cơ. Duy bảo là cậu không bận tâm lắm với cặp chân dài của mình. Thế dài chân có lợi hay có hại. Có cả lợi và hại, Duy lại thủng thẳng.
Tôi êm đềm sống như thế, bố mẹ cũng bớt đùa “dài lưng tốn vải” chắc là do tôi đã trưởng thành. Ông trưởng phòng đã vài lần sánh vai tôi đi một đoạn dài từ ngoài cổng vào sân công ty, rồi bốn tầng cầu thang vào đến phòng.
Có lần đột nhiên ông bảo: “Tổng kết toàn ngành năm nay, cô tham gia mục người mẫu thời trang công sở nhé, thế nào cũng đoạt giải”.
Tôi ghìm được tiếng reo: Ôi! Chân dài.
Theo Gia đình và Trẻ em
Bình luận (0)