Thực hiện Quyết định số 20/2008/QĐ-TTg ngày 01-02-2008 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Kiên cố hoá trường, lớp học và nhà công vụ giáo viên giai đoạn 2008-2012, đến nay nhiều địa phương đã thực hiện tốt công việc được giao, tuy nhiên cũng còn nhiều nơi tiến độ thực hiện công việc còn chậm. Có nhiều nguyên nhân cả khách quan lẫn chủ quan, nhưng thực tế cho thấy nơi nào các cấp chính quyền quyết tâm vào việc thì sẽ chủ động tháo gỡ được những khó khăn. Báo GD&TĐ đã phỏng vấn ông Trần Duy Tạo – Cục trưởng Cục Cơ sở vật chất và Thiết bị Trường học, đồ chơi trẻ em, về những vấn đề liên quan.
Xin ông cho biết tình hình triển khai Chương trình kiên cố hoá trường lớp và nhà công vụ giáo viên giai đoạn 2008-2012, đến thời điểm này đã có những kết quả gì?
Theo báo cáo của các tỉnh, tính đến ngày 31-11-2008, số công trình đã triển khai là 29.685 phòng học và 10.531 phòng công vụ giáo viên. Trong đó: Số công trình đã hoàn thành là 1.431 phòng học và 212 phòng công vụ giáo viên; Số công trình đang xây dựng là 8.012 phòng học và 1.767 phòng công vụ giáo viên (29.255 m2); Số công trình đã hoàn thành thủ tục đang chuẩn bị khởi công xây dựng là hơn 3.468 phòng học và 2.966 phòng công vụ giáo viên; Số công trình đang làm thủ tục phê duyệt đầu tư và đấu thầu là hơn 16.891 phòng học và 5.586 phòng công vụ giáo viên.
Việc giải ngân các nguồn vốn được thực hiện như thế nào, thưa ông?
Theo Quyết định 68/2008/QĐ-TTg ngày 28-5-2008 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án phân bổ vốn trái phiếu Chính phủ hỗ trợ các địa phương thực hiện Đề án năm 2008 là 3.775,6 tỷ đồng; Các địa phương đã phân bổ 3.677 tỷ đồng (đạt tỷ lệ 97,4 %) cho các chủ đầu tư, các dự án.
Báo cáo của các tỉnh cho biết đến ngày 31-11-2008, số vốn các địa phương đã huy động để thực hiện Đề án là 4.445 tỷ đồng. Trong đó: Số vốn trái phiếu Chính phủ hỗ trợ là: 3.539 tỷ đồng /3775,6 tỷ đồng, đạt 94 %; Số vốn ngân sách địa phương (tỉnh, huyện) là: 624 tỷ đồng; Số vốn huy động khác là: 281 tỷ đồng.
Theo báo cáo của Kho bạc Nhà nước đến tháng 11 – 2008 các tỉnh đã giải ngân được 648 tỷ đồng. Trong đó: Số vốn trái phiếu Chính phủ hỗ trợ là:486 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 13 % so với kế hoạch; Số vốn ngân sách địa phương là: 157 tỷ đồng; Số vốn huy động khác là: 4,7 tỷ đồng.
Tính đến nay Chương trình đã thực hiện được gần 1 năm, vậy theo ông việc thực hiện chương trình có gặp phải khó khăn gì không?
Từ sau hội nghị giao ban trực tuyến ngày 08-10-2008 do Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân chủ trì đến nay, để thực hiệnlời cam kết nhiều địa phương đã có cố gắng đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện Đề án (từ việc chuẩn bị thủ tục đến việc khởi công xây dựng và tạm ứng, thanh toán vốn đầu tư) các tỉnh có tiến độ tương đối nhanh là: Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nam, Quảng Trị, Ninh Thuận, Bình Thuận, Tiền Giang, Kiên Giang, Hậu Giang. Tuy nhiên còn một số tỉnh, thành phố việc triển khai vẫn còn chậm, chưa có sự chuyển biến tích cực, gồm các tỉnh, thành phố: Hải Dương, Hưng Yên, Ninh Bình, Thái Bình, Bắc Kạn, Yên Bái, Cao Bằng, Tuyên Quang, Lai Châu, Sơn La, Hoà Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Tây Ninh, Trà Vinh, Vĩnh Long, Bạc Liêu, Cà Mau.
Thực tế cho thấy nguyên nhân của việc triển khai chậm là do công tác chỉ đạo, theo dõi tiến độ thực hiện Đề án trên địa bàn ở một số địa phương còn thiếu thường xuyên nên việc cập nhật thông tin về tình hình và kết quả thực hiện để báo cáo với Ban Chỉ đạo Trung ương chậm, không kịp thời, thiếu chính xác, không theo những tiêu chí đã hướng dẫn, gây khó khăn cho việc tổng hợp và phục vụ công tác chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương; Một số địa phương chưa thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo định kỳ theo quy định tại Quyết định số 20/2008/QĐ-TTg ngày 01-02-2008 của Thủ tướng Chính phủ và công văn hướng dẫn của Bộ GD-ĐT. Cụ thể là, sau hơn một tháng Bộ GD-ĐT gửi công văn tới các địa phương cùng với việc nhắc nhở nhiều lần bằng điện thoại, đến nay mới chỉ có 48 tỉnh/ 59 tỉnh, thành phố có báo cáo gửi về.
Cũng còn những nguyên nhân khách quan do thủ tục đầu tư, các công trình xây dựng trường, lớp học, nhà công vụ giáo viên thuộc Đề án phải thực hiện theo những quy định hiện hành của Nhà nước về quản lý đầu tư xây dựng. Thủ tục đầu tư xây dựng còn nhiều và phải tuân thủ theo trình tự quy định, mất nhiều thời gian chuẩn bị (thời gian chuẩn bị thủ tục đối với 1 dự án khoảng 60 ngày); Giá cả nguyên vật liệu xây dựng biến động liên tục, gây nhiều khó khăn trong việc lập dự toán, xác định giá dự thầu và quyết định giá trúng thầu, khi thực hiện phải bổ sung, điều chỉnh với nhiều thủ tục phức tạp; Đề án triển khai đồng thời trên phạm vị rộng, với quy mô lớn (hàng chục nghìn công trình trong một năm, nhiều địa phương thiếu đơn vị tư vấn làm các thủ tục đầu tư, thiếu những đơn vị thi công có đủ năng lực về tài chính và cán bộ kỹ thuật (đặc biệt là cán bộ kỹ thuật làm nhiệm vụ giám sát thi công), các đơn vị thi công không tích cực tham gia dự thầu các công trình ở các xã vùng sâu, vùng xa, điều kiện thi công khó khăn; Trong năm qua, thời tiết diễn biến bất thường, mưa lũ xay ra liên tiếp (đặc biệt là các tỉnh miền núi và miền Trung) gây nhiều thiệt hại (trong đó có thiệt hại về nguyên vật liệu và thiết bị thi công của nhà thầu), việc thi công các công trình trường học càng thêm khó khăn, nhiều công trình phải tạm dừng thi công.
Những nguyên nhân khách quan và chủ quan trên đây chính là những khó khăn, vướng mắc đã ảnh hưởng lớn đến tiến độ triển khai thực hiện Đề án của các địa phương. Bên cạnh đó, việc ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Trung ương và các Bộ, ngành TW còn chậm, một phần do việc tổ chức, chỉ đạo triển khai thực hiện Đề án của UBND các tỉnh, thành phố còn thiếu chủ động và chưa quyết liệt.
Vậy cần phải có những giải pháp gì để khắc phục những khó khăn, vướng mắc trên, thưa ông?
Tại phiên họp Chinh phủ thường kỳ tháng 11 năm 2008, Chính phủ nghe Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo báo cáo về cơ chế chỉ định thầu đối với các dự án xây dựng thuộc Đề án kiên cố hoá trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2008 – 2012, và để đẩy nhanh tiến độ thực hiện của Đề án Chính phủ yêu cầu “các Bộ, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo kiên quyết, chủ động tháo gỡ khó khăn về thủ tục đầu tư, mua sắm; giao Chủ tịch Uỷ UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm quyết định thực hiện chỉ định thầu hoặc các hình thức chọn thầu khác đối với các dự án đầu tư sử dụng vốn ngân sách nhà nước có tổng mức vốn dưới 05 tỷ đồng ở những vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn theo đúng quy định của pháp luật”.
Bên cạnh đó, tôi cho rằng Ban chỉ đạo Trung ương và UBND các tỉnh, thành phố cần có những giải pháp cụ thể như sau:
Đối với ban chỉ đạo Trung ương cần thực hiện chế độ giao ban hàng tháng, hàng quý để nắm tình hình và kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện Đề án của các địa phương. Tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành kiểm tra tình hình thực hiện Đề án của các địa phương khó khăn, tiến độ thực hiện chậm.
Về phía UBND các tỉnh, thành phố cần thực hiện các công việc đúng kế hoạch như kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân tại cuộc họp giao ban ngày 8-10-2008. Cụ thể là: Chỉ đạo các chủ đầu tư, đơn vị tư vấn khẩn trương làm các thủ tục đầu tư, lựa chọn nhà thầu đối với các dự án thực hiện trong năm 2008 đã được Hội đồng nhân dân thông qua và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố phê duyệt; Chỉ đạo các chủ đầu tư phối hợp chặt chẽ với các nhà thầu, đơn vị tư vấn, cơ quan quản lý cấp phát vốn, kịp thời làm các thủ tục nghiệm thu, tạm ứng, thanh toán vốn; Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát cộng đồng về tiến độ, chất lượng công trình, quản lý và sử dụng các nguồn vốn thực hiện Đề án (đặc biệt là nguồn vốn trái phiếu Chính phủ hỗ trợ các địa phương); Báo cáo kịp thời, đầy đủ và chính xác về tình hình và kết quả thực hiện Đề án với Ban Chỉ đạo TW, Bộ GD-ĐT.
Đồng thời, sự giám sát trực tiếp của các tổ chức đoàn thể địa phương, các cơ quan thông tin đại chúng cũng là một trong những yếu tố quan trọng để Chương trình đạt được mục đích đề ra một cách chất lượng và hiệu quả.
Xin cám ơn ông!
Bạch Ngọc Dư (GD&TĐ)
Bình luận (0)