Từ Kỳ Sơn trở về đã hơn một tuần, nhưng hình ảnh các em nhỏ người Mông trọ học trong những căn lều dựng tạm bên triền núi nơi miền biên ải giá lạnh cứ ám ảnh mãi trong tôi. Có tận mắt chứng kiến cuộc sống còn khó khăn vất vả của đồng bào và các em nhỏ nơi đây, mới thực sự hiểu rằng hành trình tìm cái chữ của các em còn gian nan biết nhường nào.
Đó là một chiều mưa cuối năm, chúng tôi dừng chân bên mấy cái lều dựng tạm bợ, chênh vênh trên triền dốc Huồi Đun, thuộc xã Huồi Tụ, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An. Trước dãy lều, một tốp gần chục em nhỏ vừa đi lấy củi về, quần áo em nào cũng lấm lem, ướt sũng.
Trong cái lều đầu tiên chúng tôi vào, cậu bé Hờ Bá Tu, học lớp 8A, Trường Trung học Cơ sở Huồi Tụ đang hí húi nấu bữa ăn chiều. 13 tuổi mà trông em như chưa đến 10 tuổi. Chiếc áo bông Tu mặc trên người cũ sờn và ẩm ướt. Căn lều chưa đến 6 mét vuông được thưng bằng vách nứa trống trơ. Chiếc giường nhỏ cũng được ghép bằng nứa và cây rừng. Một cái hòm nhỏ, ba chiếc gùi, mấy can nhựa đựng nước ở góc lều, chăn màn và mấy bộ quần áo treo trên vách đã không thể cũ hơn; đó là tất cả hành trang trên hành trình đi tìm con chữ của Hờ Bá Tu và 2 bạn học cùng bản là Hờ Bá Chểnh và Hờ Bá Dìa. Bên bếp lửa cháy leo lét vì củi ướt, Tu vừa dốc nước trong cái can nhựa ra rửa rau, vừa ngập ngừng trả lời chúng tôi. Nhà em ở bản Phà Xắc, cách 10 cây số. Mỗi tuần, cứ đến chiều thứ 7, các em cuốc bộ về bản, chiều chủ nhật lại ra. Mỗi lần về, mẹ chuẩn bị cho 3 cân gạo và ít muối. Mùa giáp hạt, nhà hết gạo thì phải mang ngô, sắn. Rau thì các em tự kiếm lấy ở mấy ngọn núi quanh đây. Tôi hỏi em: có nhớ nhà không, ăn có đủ no không? Hờ Bá Tu vừa thổi lửa vừa nói: trước nhớ lắm, giờ thì cũng đã quen rồi mà.
Căn lều kề bên là nơi trọ của các em gái Hờ Y Chờ, Hờ Y Xìa, Hờ Y Dờ và Hờ Y Mè. Lều rộng hơn một chút, nhưng cũng là vách nứa, giường nứa và quần áo, chăn màn cũng không thể cũ sờn hơn. Ngồi quanh các em bên bếp lửa, mở hai chiếc nồi nhỏ, một nồi cơm, một nồi rau rừng vừa nấu. Tôi hỏi: trong mấy bạn, ai học giỏi nhất, tất cả đều chỉ tay về cô bé Hờ Y Chờ. Được biết Chờ vừa ốm dậy, phải nghỉ học mất mấy hôm. Hỏi sau này Chờ ước làm nghề gì? đôi mắt sáng trên gương mặt khá thanh tú, cô bé người Mông nhỏ nhẹ nói: "Muốn được làm cô giáo để về dạy cái chữ cho các em nhỏ trong bản". Còn cô bé Hờ Y Dờ có giọng hát hay nhất trường lại ước được trở thành ca sĩ.
Trò chuyện một lúc, Y Chờ và Y Mè lẳng lặng lên giường kê hòm làm bài tập, để tránh cái lạnh về đêm. Ở Huồi Tụ, ngoài mấy tháng giữa hè, bầu trời lúc nào cũng âm u. Mùa đông sương mù xuống như mưa, đêm thường lạnh tới 4-5 độ. Sáng ngủ dậy, nửa chăn phía trên đã ướt đẫm vì sương. Quần áo giặt cả tuần cũng chẳng thể khô được. Nhưng dạo này củi khó kiếm hơn, nên các em phải tiết kiệm, không đốt nhiều để sưởi và hong quần áo như trước được nữa.
Trường Trung học Cơ sở Huồi Tụ chỉ cách lán của các em chừng cây số. Thầy Nguyễn Quốc Tâm – Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Trường có 400 học sinh, chỉ một số ít nhà ở gần. Phòng bán trú của trường chỉ đủ chỗ ở cho gần 50 em. Số còn lại, gia đình phải làm lán tạm cho các em ở dưới mấy chân núi quanh trường. Khó khăn, thiếu thốn đủ bề, nhưng các em ham học lắm. Từ năm học trước, nhà trường vận động mỗi phụ huynh đóng 2000 đồng/tháng để mua dầu chạy máy nổ cho các em học bài về đêm. Vậy mà nhiều em cũng không có tiền để góp.
Với huyện Kỳ Sơn, Huồi Tụ còn được xem là một trong những xã thuộc vùng ngoài. Hiện tại, các xã như Mỹ Lý, Bảo Thắng vẫn chưa có đường ô tô. Số bản phải đi bộ cả ngày đường mới tới được trung tâm xã còn khá nhiều. Trong khó khăn của một huyện vào loại nghèo nhất cả nước, có lẽ giáo dục Kỳ Sơn là ngành phải gánh nhiều khó khăn hơn cả.
Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Kỳ Sơn Trần Văn Khánh cho biết: riêng cấp trung học cơ sở, Kỳ Sơn có 20 trường với 6543 học sinh. Mỗi xã chỉ có 1 trường THCS, phần lớn các bản lại nằm rải rác, xa trung tâm xã. Số bản phải đi bộ cả ngày đường mới tới được trung tâm xã còn khá nhiều. Vậy nên nhu cầu được ở bán trú của các em học sinh từ lớp 6 trở lên chiếm tới hơn 70%. Nhiều năm qua, được sự đầu tư của các chương trình, cơ sở vật chất trường lớp học và nhà ở nội trú cho giáo viên đã được cải thiện đáng kể. Nhưng nhà ở bán trú cho học sinh thì hầu như trường nào cũng chỉ đáp ứng được 5-7%. Như vậy, ngoài số học sinh nhà gần và số được ở nhà bán trú, thì trên các triền núi heo hút của huyện Kỳ Sơn phải có đến cả một ngàn cái lều tạm, với trên dưới 3000 học sinh đang ngày đêm vất vả, thiếu thốn để theo hành trình đi tìm cái chữ, như các em Hờ Bá Tu, Hờ Y Chờ, Hờ Y Mè,…
Mang nỗi niềm với giáo dục Kỳ Sơn, chúng tôi tìm gặp Chủ tịch UBND huyện Bùi Trầm. Ông Trầm cho biết: toàn huyện thu ngân sách mỗi năm chỉ được hơn 3 tỷ đồng, chưa bằng một xã ở vùng xuôi; tỉ lệ hộ nghèo đang vào loại cao nhất nước. Cũng như nhiều lĩnh vực khác, giáo dục Kỳ Sơn đã được Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư rất lớn. Hệ thống trường lớp học, nhà nội trú cho giáo viên đã khang trang hơn trước rất nhiều. Thực trạng con em của đồng bào theo học còn quá vất vả, huyện biết vậy, nhưng chẳng thể làm được gì hơn. Theo Quyết định số 112/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, mỗi học sinh con hộ nghèo thuộc chương trình 135 đang theo học tại các trường phổ thông được Nhà nước hỗ trợ về tiền ăn, dụng cụ sinh hoạt và học tập với mức 140 ngàn đồng/tháng x 9 tháng/năm. Năm nay, ngân sách trên đã cấp về hơn 32 tỷ đồng, nhưng vẫn còn 24 tỷ không thể chi được, vì hàng ngàn học sinh đang trú tại các lều tạm lại không thuộc diện học sinh bán trú – diện được cấp theo Quyết định số 112/2007/QĐ-TTg?!
Là một trong 58 huyện nghèo nhất của cả nước, đồng bào các dân tộc ở Kỳ Sơn vẫn còn lắm khó khăn, vất vả. Con đường phấn đấu thoát nghèo đối với Kỳ Sơn chắc còn khá xa. Chỉ mong sao tuổi thơ của các em nhỏ sớm bớt đi nỗi nhọc nhằn, lam lũ trên hành trình đi tìm cái chữ. Bởi chính các em rồi đây sẽ là những chủ nhân của đất nước, nơi miền biên viễn bao la và nhiều tiềm năng này.
Nguyễn Mai Linh (GD&TĐ)
Bình luận (0)