Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Học nghề giúp tìm thấy giá trị bản thân

Tạp Chí Giáo Dục

Nghề bếp hiện đang rất “khát” nhân lực nhưng lượng người học chưa đủ cung ứng

Một ngành nghề dù là giản đơn, bình dị nhất cũng có thể giúp con người nuôi dưỡng ước mơ, tìm thấy giá trị bản thân…
Thời lượng thực hành nhiều giúp học viên thạo tay nghề, khi bước vào doanh nghiệp, đây sẽ là lợi thế lớn để ghi điểm và thích ứng nhanh.
Thành công thông qua trải nghiệm
Tại diễn đàn “ĐH không phải con đường duy nhất” trong khuôn khổ Ngày hội hướng nghiệp mới diễn ra tại TP.HCM, câu chuyện về cậu bé bán bánh tiêu nuôi dưỡng ước mơ trở thành giảng viên đã lay động rất nhiều học sinh. Cậu học trò bán bánh tiêu thuở ấy hiện là ThS. Hà Trung Thành, đang giảng dạy tại Trường Cán bộ TP.HCM.
ThS. Thành cho biết, cuộc sống đặt ông vào một hoàn cảnh đòi hỏi phải nỗ lực hết mình. Cha mất sớm, ông cùng mẹ gánh vác trọng trách nuôi dưỡng đến 7 người em. Nghề giáo có lẽ cũng vô tình đến từ những bài giảng đầu tiên cho “học trò” là các em như thế. Rồi sự động viên từ một giáo sinh thực tập vào năm cậu bé Thành học lớp 7 đã giúp ước mơ cầm phấn đứng trên bục giảng ngày càng rõ nét. Theo ThS. Thành, mọi người đừng bỏ qua trải nghiệm từ những công việc nhỏ nhặt, giản đơn, bình dị nhất trong cuộc sống bởi chúng luôn là “chất liệu” quý để xây dựng nên thành công.
Dẫn chứng chính bản thân mình, “bài học xương máu” mà ông rút ra được từ công việc bán bánh tiêu, bánh ít chính là xử lý tình huống trong những lần bị khách mua “quỵt” tiền. “Phải ngậm ngùi nén hết bực dọc để tiếp tục bán bởi không có khách hàng nào chịu mua bánh của một người với gương mặt… bí xị, mặc dù trưa đó không có tiền để ăn cơm” – ThS. Thành bày tỏ. Theo ông, khả năng xử lý tình huống nhanh nhạy chính là một trong những yếu tố nhà tuyển dụng cần đối với sinh viên tốt nghiệp, thế nhưng không phải em nào cũng đáp ứng được, lý do nằm ở việc thiếu trải nghiệm, cọ xát thực tế. “Chỉ có làm mới nhớ, nghe thì sẽ quên. Thậm chí phải làm, phải thất bại mới càng khắc sâu kinh nghiệm”  – ThS. Thành nhấn mạnh.
Có nghề “lận lưng”
Liên tưởng tới việc học nghề, ThS. Thành cho rằng, lợi thế đối với người học là được thực hành nhiều. Khi tốt nghiệp bất kỳ một ngành nghề nào, việc thành thạo tay nghề là lợi thế để ghi điểm với doanh nghiệp. Người học nghề vì thế không có lý do gì phải thấy mình “lép vế” với những bậc học khác. Trong khi đối với những bậc học khác, khâu thực hành có được chú trọng nhưng chưa nhiều, đa số “học” xong mới “hành” và thực hành thời lượng ngắn trong khi hiệu quả hơn cả vẫn là vừa học vừa hành.
Việc chuyên sâu cho một ngành nghề còn giúp người học thỏa sức sáng tạo và… thăng hoa. Tuy nhiên, gần gũi và dễ thấy nhất, việc học nghề giúp tạo ra ngay sản phẩm, điều này sẽ khơi dậy hứng thú đối với người học. Đồng thời, một nghề còn nuôi sống bản thân người gắn bó với nó. Chính vì những lẽ đó, người học nghề cũng dễ nhìn thấy giá trị của việc học, giá trị sức lao động và giá trị bản thân. Tuy nhiên, đối với bất kỳ ngành nghề nào, để lành nghề, thăng hoa luôn cần nỗ lực không ngừng nghỉ.
Hiện nay, trong tâm lý của nhiều học sinh và phụ huynh, học nghề gần như là phương án “bất đắc dĩ” phải lựa chọn, phương án cuối cùng sau khi không vào được ĐH, CĐ. Xuất phát này phần nào khiến người học ít mặn mà và thiếu tự tin. Tuy nhiên, theo nhận định của ThS. Thành, việc học nghề cũng sẽ hướng học viên vào những suy nghĩ thực tế, bớt… viển vông. Và hẳn nhiên, một chế độ đãi ngộ hợp lý để người học nghề có thể sống được và theo đuổi ngành nghề lâu dài là một trong những điều cần được lưu ý, theo ông Thành, cũng nhằm “vực dậy” mảng đào tạo chưa thực sự có chỗ đứng trong xã hội bấy lâu nay.
Bài, ảnh: Mê tâm
 
Không đủ sức, cứ đi từng bậc
ThS. Hà Trung Thành nhấn mạnh, học sinh nào tốt nghiệp phổ thông cũng đều có thể thi vào những trường “điểm” như ĐH Bách khoa, ĐH Kinh tế, ĐH Ngoại thương… Tuy nhiên vấn đề đậu, rớt tùy thuộc vào khả năng. Chính vì vậy, các em cần biết lượng sức, không nhất thiết tốt nghiệp THPT là ôm sách vở đi thi ĐH. Nếu thấy mình không đủ sức, có thể học bậc thấp hơn hay học nghề. Sau này, nếu vẫn có nhu cầu hoàn thiện thêm kiến thức, trình độ, có thể học liên thông lên bậc cao hơn.

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)