Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Bệnh nghiện game online ở thanh thiếu niên

Tạp Chí Giáo Dục

Ở thanh thiếu niên, nghiện game online là do những xung đột tâm lý trong tuổi dậy thì. Đây là căn bệnh mà lứa tuổi này rất dễ mắc phải, trong khi đó nhiều bậc cha mẹ không sớm nhận ra…

Hai trường hợp điển hình

T.N (nam 14 tuổi, ngụ TP Biên Hòa, Đồng Nai), là học sinh lớp 8 được cha mẹ đưa đến điều trị tâm lý vì em giảm chú ý, hay lơ đễnh, thờ ơ, cáu gắt, có hung tính và giảm sút việc học tập. Em được chẩn đoán rối loạn ứng xử ở thanh thiếu niên. Tuy nhiên, khi khai thác sâu hơn về bệnh sử, thì biết một năm nay em chơi game online. Mức độ chơi game online của em ngày càng gia tăng và ảnh hưởng nặng nề đến các sinh hoạt hằng ngày. Hiện mỗi ngày em chơi game online 3 – 4 tiếng. Nhiều hôm em nói dối ba mẹ là đi học nhưng thực ra để chơi game.

Còn H.A được gia đình quá bảo bọc, ít tự lập và không có xu hướng phát triển các kỹ năng cá nhân. Do công việc làm ăn, cha mẹ em rất ít có thời gian quan tâm, chăm sóc, trò chuyện cùng em. H.A luôn sống trong cảm giác cô đơn và thiếu sự chia sẻ cảm xúc. Lúc đầu em lên mạng chỉ để giao lưu, chia sẻ tình cảm. Sau đó em tiếp cận trò chơi trực tuyến rồi bị cuốn hút. H.A cho rằng, trong trò chơi tạo cho em cảm giác hưng phấn và tự tin, em được nể trọng và làm những điều mình thích. Bố mẹ em khi thấy em lên mạng, ít giao du với bạn xấu thì lại mừng và càng ít quan tâm đến em hơn. Vì thế tình trạng nghiện game online ở em ngày càng nặng nề.

 

Nhu cầu hoạt động, vui chơi của các em rất lớn. Tuy nhiên, hiện nay các hình thức hoặc địa điểm vui chơi cho các em còn thiếu, nhất là những ngày hè thì nhu cầu lại càng cao hơn. Vì thế, nhiều em không biết phải tham gia hoạt động gì ngoài việc lên mạng…

Nguyên nhân từ đâu?

Ở trò chơi trực tuyến, người chơi có thể trò chuyện, biểu đạt hành động của cá nhân một cách tương tác với người khác làm những người tham gia cảm thấy hứng thú, có thể chia sẻ thông tin, tình cảm và được tôn trọng. Bên cạnh đó, những phần thưởng trong trò chơi cũng tạo sự hứng thú kỳ lạ, người chơi được tưởng thưởng những phần thưởng ảo làm họ cảm thấy say mê, thậm chí được tôn vinh. Việc chơi game online tạo cho người chơi, nhất là giới trẻ nhiều cảm xúc rõ rệt. Nhiều ý tưởng, suy nghĩ ở hiện thực rất khó khăn thì người chơi có thể làm được trong trò chơi, vì thế nó tạo cho họ cảm xúc vui sướng, thoải mái, dễ chịu ngay tức thời… và càng ngày càng bị cuốn hút.

Qua tiếp xúc với người bệnh tại bệnh viện, chúng tôi nhận thấy, nhiều người nghiện game online là bởi sự cô độc trong đời sống thực. Họ ít được người thân, gia đình và bạn bè chia sẻ, vì thế họ tham gia trò chơi như một cách để tương tác và sẻ chia. Một số trường hợp cho thấy, họ chơi game online quá mức vì có những thất bại trong cuộc sống hiện thực. Số khác thì nghiện do không được tôn trọng trong cuộc sống, họ mất tự tin, lo lắng và sử dụng trò chơi trực tuyến như một cách khảng định bản thân mình. Những biến cố trong cuộc sống cũng tạo cho người chơi rất dễ bị cuốn hút bởi trò chơi.

Những xung đột tâm lý trong tuổi dậy thì ở thanh thiếu niên dẫn đến việc nghiện game online. Do sự phát triển của tâm sinh lý, các em mong muốn trở thành người lớn, muốn người lớn phải tôn trọng mình. Tuy nhiên, nhiều bố mẹ không quan tâm đến điều đó, cách giáo dục bằng roi vọt hoặc tình yêu thương thể hiện bằng sự áp đặt, khiến các em cảm thấy cô đơn, bất mãn và tham gia trò chơi như một cách thể hiện bản thân, chia sẻ cảm xúc, dẫn đến những hành vi tai hại và ảnh hưởng trầm trọng đến thể chất, tinh thần.

Lê Minh Công (TNO)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)