Nhà trường và gia đình cần tạo thói quen tự lập cho học sinh. Ảnh: N.Trinh
|
Các chuyên gia giáo dục đã chỉ ra rằng, khó khăn của trẻ khi vào lớp 1 không phải là học chữ, học tính, học đọc, học viết… mà là học cách hòa nhập với môi trường mới, hoạt động mới.
Chuyển môi trường học tập cũng đồng thời trẻ phải đối mặt với hàng loạt những thói quen sinh hoạt mới. Ngoài những quy định về nề nếp ở lớp, trẻ còn phải học bài và sinh hoạt trong một khung cảnh của trường học. Vì vậy, việc giao tiếp với học sinh mới vào lớp 1 thật sự rất quan trọng, nó quyết định sự hòa nhập và kết quả học tập của các em suốt quãng đời tiểu học.
1. Nếu không chuẩn bị cho trẻ thích ứng, không chỉ việc học tập không đạt kết quả mà cuộc sống của trẻ sẽ trở nên nặng nề, trong nhiều trường hợp trẻ bị rơi vào tình trạng khủng hoảng, gây nên nhiều bất lợi trong những chặng đường phát triển tiếp theo. Với các em nhỏ, ấn tượng của “ngày đầu tiên đi học” là vô cùng quan trọng. Và giáo viên, bảo mẫu – những người phụ trách lớp – luôn có vai trò quan trọng trong buổi đầu trẻ vào lớp 1. Trẻ có ấn tượng tốt đẹp, tâm lý thoải mái, hòa nhập… hay không, tất cả là do phương pháp sư phạm, giáo dục của chúng ta. Bảo mẫu không gây áp lực đối với trẻ, mà phải có thái độ nhẹ nhàng, ân cần. Với trẻ, đôi khi chỉ một lời khen, khuyến khích đúng lúc cũng có tác dụng rất tích cực, giúp trẻ tự tin hơn và hứng thú đến trường.
Nếu như giáo viên chủ nhiệm (GVCN) chịu trách nhiệm về chất lượng học tập của học sinh thì bảo mẫu chịu trách nhiệm về sức khỏe, tác phong sinh hoạt của các em. Vì vậy, bản thân tôi cố gắng nắm tâm lý từng em một để có phương pháp hướng dẫn phù hợp. Phải giáo dục các em biết cái đúng, cái sai trong từng cử chỉ, từng lời nói.
Lớp 1 được xem là bước ngoặt trong cuộc đời của trẻ. Vì vậy, bảo mẫu cũng cần tạo cho trẻ thói quen tự lập, tự phục vụ bằng cách khuyến khích trẻ thực hiện trọn vẹn vài việc lớp đơn giản, tự thực hiện thời gian biểu học tập, vui chơi và nghiêm túc làm theo thời gian biểu ấy. Hướng dẫn trẻ biết các nơi có liên quan như phòng vệ sinh, khu vực đánh răng, rửa mặt… Giáo dục trẻ từ những điều căn bản nhất như di chuyển xuống sân, lên phòng học năng khiếu một cách trật tự, không chen lấn, xô đẩy nhau, đi nhẹ – nói khẽ và theo hướng bên phải, khi đi vệ sinh xong cần giội nước cho sạch và rửa tay sát khuẩn bằng xà phòng…
2. Những ngày đầu, khi trẻ đến lớp, trước giờ về, bảo mẫu nên hỏi trẻ những câu như: Hôm nay con có gì vui nào, kể cô nghe được không? Bạn nào hôm nay được cô khen?… Bảo mẫu cần dành thời gian hướng dẫn trẻ cách sắp xếp sách vở, đồ dùng học tập cho buổi học chiều, hướng dẫn trẻ cách tự phục vụ để từng bước xây dựng kỹ năng sống, đặc biệt là biết cách tự phục vụ.
Bảo mẫu cũng như GVCN, thường xuyên tiếp xúc và có ảnh hưởng nhất định đến việc phát triển nhân cách của học sinh. Khi giao tiếp với học sinh, bảo mẫu phải luôn vui vẻ, nhẹ nhàng, biết kiềm chế hành động và cảm xúc của mình. Phải thật kiên nhẫn trong bất cứ hoàn cảnh nào, không được có những lời lẽ xúc phạm làm tổn thương nhân cách của trẻ.
Tôi đã kết hợp với GVCN để giáo dục học trò của mình lễ phép, kính trọng người lớn, chào hỏi khi đi học hoặc khi về nhà, biết chào hỏi thầy cô, các bác bảo vệ… Ngoài ra, giáo dục trẻ những kỹ năng trong giao tiếp như biết cầm và đưa bất cứ vật gì cho người lớn bằng hai tay. Biết vâng dạ khi nói chuyện với người lớn, biết nói lời cảm ơn khi nhận được sự giúp đỡ, nói lời xin lỗi khi mắc phải lỗi lầm… Muốn được như vậy, bản thân tôi phải luôn là tấm gương cho các em noi theo, nhất là khi giao tiếp với đồng nghiệp trong trường, hay với phụ huynh.
Tôi thường giáo dục trẻ nhận ra lỗi và sửa lỗi của mình thông qua các câu chuyện kể trước giờ ngủ trưa để những câu chuyện đó giúp các em học điều ứng xử hay từ những nhân vật trong truyện và nó nhẹ nhàng theo các em vào giấc ngủ. Giờ chơi các em thường tìm đến tôi để kể về những chuyện của chính mình. Đây là cơ hội để bảo mẫu và học sinh giao tiếp với nhau. Những lúc như thế này, tôi thường tranh thủ không làm việc của mình để lắng nghe các em chia sẻ.
Tôi thường trao đổi xem các em ăn có ngon miệng không, có hợp khẩu vị không? Buổi trưa các em ngủ như thế nào, giấc ngủ có sâu không, có em nào không ngủ, tại sao… Điều này đòi hỏi tôi phải luôn nhạy cảm trước mỗi sự thay đổi sức khỏe hay tâm sinh lý của học sinh để có sự ghi nhận quá trình theo dõi hằng ngày có bao nhiêu em ăn hết khẩu phần, bao nhiêu em cần thay đổi món giúp các em tăng cân ở từng tháng…
“Làm sao để trẻ nhanh biết tên cô?”, “Làm sao để trẻ chịu ăn đúng bữa?”… Những “bí quyết” tưởng chừng ai cũng biết được nhưng với tôi kiến thức lớn nhất chính là kinh nghiệm “lăn lộn” với nghề. Nghề bảo mẫu cũng có những áp lực vô hình, phải chăm sóc học sinh tận tụy trong từng miếng ăn, giấc ngủ như người mẹ thứ hai. Hơn nữa, học sinh tiểu học, đặc biệt là các em lớp 1 bày tỏ tình cảm rất hồn nhiên và dễ thương lắm. Vì vậy, với tôi nghề bảo mẫu xem như một công việc nuôi dạy trẻ được xuất phát từ tình thương với trẻ chứ không chỉ là công việc mưu sinh.
Trương Thục Đoan Trinh
(Bảo mẫu lớp 1/3, Trường Tiểu học Kết Đoàn, Q.1, TP.HCM)
Nghề bảo mẫu cũng có những áp lực vô hình, phải chăm sóc học sinh tận tụy trong từng miếng ăn, giấc ngủ như người mẹ thứ hai. |
Bình luận (0)