Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Phụ nữ thời @: Bài 2: Sợ… đẻ

Tạp Chí Giáo Dục

(Ảnh chỉ mang tính minh họa).  Ảnh: I.T

Khác với phụ nữ ngày xưa, đẻ liên tục từ 5 – 7 người con, phụ nữ thời @ rất sợ đẻ, mặc dù việc sinh đẻ bây giờ không còn đau đớn và nguy hiểm như trước đây. Có 1.001 lý do để họ sợ… đẻ.
Sợ đẻ thêm… con gái
Bé Ti đã vào lớp 1 nhưng chị Cúc (giảng viên một trường đại học) vẫn chưa có ý định sinh đứa thứ 2. Mỗi lần có ai nhắc tới chuyện sinh nở, chị Cúc chỉ nói một câu: “Sợ đẻ lắm!”.
Nhớ lại cái ngày mang bầu bé Ti, chị Cúc lắc đầu: “Thật kinh khủng. Hồi đó, tôi chẳng ăn uống được. Mang bầu đến tháng thứ 7 mà vẫn còn nghén, ăn vào là ói ra. Bởi vậy, bé Ti khi sinh ra chỉ nặng 2,8 kg. Bây giờ mang bầu thêm lần nữa, tôi không biết có chịu nổi không?”.
Tuy vậy, nguyên nhân chính khiến chị Cúc sợ… “đẻ” là sợ sinh con gái như lần đầu. Tuyến – chồng chị Cúc, vốn là cháu đích tôn nên chị không thể không sinh cho chồng một đứa con trai để nối dõi tông đường. Mỗi khi gặp ông nội của chồng, chị Cúc lại được nghe ông nói: “Cháu dâu cố sinh cho ông một thằng chắt nội rồi ông sẽ thưởng”. Bố, mẹ chồng chị Cúc vốn là người trí thức nên không khắt khe với con dâu trong việc phải sinh con trai nhưng thỉnh thoảng họ cũng nhắc khéo: “Bé Ti đã lớn rồi, vợ chồng các con cũng nên sinh thêm một đứa nữa. Trai, gái gì cũng được”. Nói thì nói vậy, chứ chị Cúc biết bố mẹ chồng luôn mong mỏi một đứa cháu trai.
“Trước đây, phụ nữ không bị giới hạn về số lượng con nên cứ đẻ đến khi có con trai mới chịu thôi. Nhưng nay thì khác, mỗi phụ nữ chỉ được đẻ từ 1 đến 2 con. Nếu đứa thứ 2 cũng con gái, tôi không biết ăn nói làm sao với gia đình chồng. Mà đẻ đứa thứ 3, thứ 4 thì coi như sự nghiệp của tôi và cả chồng nữa tiêu tan. Thôi thì… cứ từ từ rồi đẻ”, chị Cúc tâm sự.
“Né” đẻ để… thăng chức
Lấy chồng đã gần 5 năm và cũng đã bước vào cái tuổi “băm”, song Huệ (cô giáo mầm non) vẫn chưa muốn có con. Ngày nào cũng thấy cô con dâu đi từ sáng sớm đến tối mịt mới về, thứ 7, chủ nhật cũng đi cả ngày khiến bà mẹ chồng tỏ ra rất khó chịu. Thỉnh thoảng bà lại chửi khéo: “Con cái thì không đẻ, tối ngày chỉ có đi…”. “Dạo này con bận lắm, ở trường có bao nhiêu là việc”, chị Huệ trả lời cho qua chuyện.
Mà đúng là chị Huệ bận thật. Kết hôn xong, chưa kịp có thai thì nhà trường đã cử chị đi học đại học vì trước đây chị mới tốt nghiệp cao đẳng. Có bằng đại học, chị sẽ được kết nạp Đảng và là cán bộ nguồn của trường. Từ đấy, ngoài việc lên lớp, chị Huệ còn phải họp hành, học thêm cái này, cái nọ…
Đôi lúc, Đức – chồng chị Huệ, cũng nhắc vợ chuyện có em bé. Chị không ngần ngại thú thật với chồng: “Em chuẩn bị lên hiệu phó, nếu bây giờ mà mang thai thì coi như dâng cái ghế này cho người khác rồi. Bao nhiêu năm qua, em đã phấn đấu rất nhiều, bây giờ gần về đến đích, anh lại bảo em ngưng. Không được”.
Không chỉ có vậy, chị Huệ còn muốn có một ngôi nhà riêng và một số tiền kha khá để khi sinh ra, đứa trẻ sẽ không thiếu bất kỳ thứ gì.
Cả chị Cúc và Huệ đều đã bước sang cái tuổi “băm”, thậm chí chị Cúc còn “băm tới ba nhát” nên việc… cứ từ từ rồi đẻ e rằng đến lúc muốn đẻ thì không thể đẻ được.
GIA LINH

Theo bác sĩ Phạm Tri Phương (Bệnh viện Phụ sản Hùng Vương): Phụ nữ tuổi từ 30, nhất là từ 35 tuổi trở lên, khả năng có thai giảm đi rất nhiều, và các tai biến khi mang thai, sinh nở cũng cao hơn. Đặc biệt, đứa con sinh ra từ bà mẹ lớn tuổi, trên 35 tuổi, có tỉ lệ dị tật, tỉ lệ bất thường về phát triển tâm sinh lý cao hơn trẻ bình thường. Điều này bắt nguồn từ chuyện suy giảm chức năng của buồng trứng theo thời gian.

Nếu vì một lý do nào đó mà nhiều phụ nữ không chịu có con sớm, đợi đến lứa tuổi quá 35 thì lúc này cho dù có áp dụng các kỹ thuật điều trị hiếm muộn cũng khó có kết quả như mong muốn.
 

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)