Thí sinh thi vào Trường ĐH Bách khoa TP.HCM năm 2012
|
Năm nay, số lượng hồ sơ đăng ký vào ngành giáo dục mầm non và tiểu học rất đông, do đó, tỷ lệ “chọi” cũng tăng lên đáng kể. Tại nhiều trường, ngành này hiện dẫn đầu tỷ lệ “chọi” về lượng hồ sơ.
Có những ngành chỉ lấy vài chục chỉ tiêu nhưng lượng đăng ký đến vài ngàn hồ sơ.
Trên 4.000 hồ sơ chỉ lấy… 170
Tại Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, tỷ lệ “chọi” vào ngành giáo dục tiểu học đông nhất (1/24). Cụ thể, toàn trường chỉ lấy 170 chỉ tiêu ngành này nhưng có trên 4.000 hồ sơ đăng ký. Đông thứ hai là ngành giáo dục mầm non với tỷ lệ “chọi” 1/12,7. Ngành này cũng có hơn 2.150 hồ sơ đăng ký trong khi chỉ tiêu là 170. Bất ngờ không kém, ngành vật lý học có tỷ lệ “chọi” chỉ 1/0,8; ngành văn học có tỷ lệ “chọi” 1/1,4. Các ngành ngôn ngữ Trung Quốc, ngôn ngữ Nga – Anh, sư phạm tiếng Pháp và giáo dục quốc phòng – an ninh có cùng tỷ lệ “chọi” là 1/1,7.
Các ngành còn lại lần lượt có tỷ lệ “chọi” như sau: Quản lý giáo dục (1/4,8), giáo dục đặc biệt (1/3,4), giáo dục chính trị (1/2,1), giáo dục thể chất (1/3,4), sư phạm toán học (1/9,7), sư phạm tin học (1/2,5), sư phạm hóa học (1/9,2), sư phạm sinh (1/11), sư phạm ngữ văn (1/10), sư phạm lịch sử (1/6,3), sư phạm địa lý (1/9,7), sư phạm tiếng Anh (1/5,5), sư phạm song ngữ Nga – Anh (1/3,5), sư phạm tiếng Trung Quốc (1/1,8), Việt Nam học (1/3,9), ngôn ngữ Anh (1/7,1), ngôn ngữ Nhật (1/6,5), quốc tế học (1/2,5), tâm lý học (1/10,3), hóa học (1/10,4), công nghệ thông tin (1/2).
Tại Trường ĐH Cần Thơ, ngành giáo dục tiểu học cũng có tỷ lệ “chọi” rất cao với 1/32. Ngành này chỉ lấy 60 chỉ tiêu nhưng có đến gần 2.000 hồ sơ đăng ký. Cao nhất là ngành khoa học môi trường với tỷ lệ “chọi” 1/47. Ngành này chỉ lấy 80 chỉ tiêu nhưng có đến 3.730 hồ sơ đăng ký. Ngành quản lý đất đai có tỷ lệ “chọi” 1/29. Ngành quản trị kinh doanh chỉ lấy 120 chỉ tiêu nhưng có đến 2.500 hồ sơ, tỷ lệ “chọi” là 1/21. Ngành sư phạm toán (1/13), Việt Nam học (1/11), giáo dục thể chất (1/10), sư phạm hóa (1/9), các ngành sư phạm ngữ văn, sư phạm tiếng Anh, ngôn ngữ Anh, văn học và thú y cùng 1/7. Các ngành quản lý tài nguyên môi trường và luật (1/19), kinh tế tài nguyên thiên nhiên, kỹ thuật điện – điện tử, công nghệ thông tin và công nghệ thực phẩm (1/16). Thấp nhất là các ngành khoa học máy tính, kỹ thuật máy tính, bệnh học thủy sản và sư phạm tiếng Pháp (1/1). Cũng thuộc diện “chọi” thấp là các ngành sư phạm lịch sử (1/4), sư phạm địa lý, sư phạm vật lý, kinh tế và sư phạm sinh học (1/5).
Đừng quá quan tâm tỷ lệ “chọi”
Bất ngờ nhất là sự tụt giảm đáng kể số lượng hồ sơ đăng ký dự thi vào Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM. Năm nay, chỉ có gần 2.000 hồ sơ đăng ký vào trường, giảm đến 9.000 bộ so với năm ngoái. Tỷ lệ “chọi” hầu như tất cả các ngành chỉ ở mức trên 1/1. Cao nhất là ngành hệ thống thông tin quản lý (1/1,7), thấp nhất là ngành ngôn ngữ Anh (1/0,7).
Tại Trường ĐH Tài chính – Marketing, ngành quản trị khách sạn chỉ lấy có 200 chỉ tiêu nhưng có đến gần 5.000 hồ sơ đăng ký, tỷ lệ “chọi” cao nhất 1/24. Kế đến là hai ngành quản trị kinh doanh và marketing có cùng tỷ lệ 1/7. Còn lại, ngành bất động sản (1/2,3), kinh doanh quốc tế (1/6,8), tài chính – ngân hàng (1/2,6), kế toán (1/2,1), hệ thống thông tin quản lý (1/1,5), ngôn ngữ Anh (1/3,4), quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành (1/1,8), quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống (1/1,3)…
Tại Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM, hai ngành kiến trúc và thiết kế nội thất dẫn đầu tỷ lệ chọi với 1/15. Kế đến, ngành thiết kế đồ họa (1/11). Ngược lại, một số ngành có tỷ lệ “chọi” rất thấp như kiến trúc cảnh quan (1/0,7); kỹ thuật đô thị (1/1,36). Các ngành còn lại, kỹ thuật xây dựng (1/7,4), thiết kế công nghiệp (1/3), thiết kế thời trang (1/6,9)… Năm nay, trường có gần 900 thí sinh mượn trường thi. Trong đó, khối A ít nhất, chỉ 22 em, khối H hơn 300 em và khối V 573 em.
Đại diện nhiều trường ĐH khuyến cáo, mặc dù lượng hồ sơ đăng ký dự thi vào các ngành và tỷ lệ “chọi” năm nay có nhiều biến động nhưng thí sinh đừng quá quan tâm đến tỷ lệ “chọi” mà tập trung ôn tập, làm bài cho tốt. Việc lo lắng quá nhiều vào ngành có tỷ lệ “chọi” đông hoặc vội… nản lòng trước ngành “chọi” ít cũng sẽ ảnh hưởng không tốt đến thí sinh, khiến các em dao động, phân tâm trước ngành nghề mình lựa chọn.
Bài, ảnh: Thục Trân
Hai ngành giáo dục tiểu học và mầm non gần đây hút thí sinh dẫn đến lượng đăng ký đông và đẩy tỷ lệ “chọi” lên cao một phần vì nhu cầu nhân lực ở mảng này hiện đang rất lớn. |
Bình luận (0)