Trong tháng 1-2024, nhiều chính sách mới có hiệu lực như: quy định về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam, khung tiêu chuẩn xét Gia đình văn hóa, hay quy định mới về khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự…
Công an quận 12, TPHCM làm thủ tục cấp CCCD gắn chip cho người dân.
Áp dụng chính sách mới nhất về đăng ký thường trú, tạm trú
Thông tư 66/2023/TT-BCA (có hiệu lực từ ngày 1-1-2024) sửa đổi hồ sơ phải nộp khi giải quyết các thủ tục về cư trú, trong đó có đăng ký thường trú. Với trường hợp tiếp nhận hồ sơ đăng ký trực tiếp, người dân có thể nộp bản sao giấy tờ được chứng thực từ bản chính hoặc được cấp từ sổ gốc hoặc bản chụp, bản quét kèm theo bản chính để đối chiếu. Ngoài ra, người dân có thể khai báo thông tin theo biểu mẫu điện tử được cung cấp sẵn, đăng tải bản quét/bản chụp giấy tờ hợp lệ (không yêu cầu công chứng/chứng thực)/dẫn nguồn tài liệu từ kho quản lý dữ liệu điện tử) và nộp lệ phí.
Thông tư 66/2023/TT-BCA cũng đưa ra yêu cầu cụ thể với giấy tờ đính kèm khi đăng ký cư trú online, đó là bản quét/bản chụp giấy tờ được cấp hợp lệ, còn giá trị sử dụng bằng điện thoại, máy ảnh… phải rõ nét, đầy đủ, toàn vẹn về nội dung. Nếu là giấy tờ do cơ quan nước ngoài cấp thì phải được hợp pháp hóa lãnh sự, dịch sang tiếng Việt theo quy định trừ trường hợp được miễn.
Chỉ tuyển lao động nước ngoài khi không tuyển được lao động Việt Nam
Chính phủ ban hành Nghị định số 70/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 152/2020/NĐ-CP ngày 30-12-2020 của Chính phủ quy định về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam và tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam.
Đáng chú ý, tại khoản 2, Điều 1, Nghị định 70/2023/NĐ-CP nêu rõ, từ ngày 1-1-2024, sau khi không tuyển được người lao động Việt Nam vào các vị trí tuyển dụng người lao động nước ngoài, người sử dụng lao động có trách nhiệm xác định nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài. Việc thông báo tuyển dụng người lao động Việt Nam vào các vị trí dự kiến tuyển dụng người lao động nước ngoài được thực hiện trên Cổng thông tin điện tử của Bộ LĐTB-XH (Cục Việc làm) hoặc Cổng thông tin điện tử của Trung tâm dịch vụ việc làm do chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định thành lập.
Thay đổi phương thức cấp giấy phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh
Ngày 1-1, Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), gồm 12 chương và 121 điều chính thức có hiệu lực thi hành. Điểm mới quan trọng trong luật này là sửa đổi thay thế tên gọi của “Chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh” thành “Giấy phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh”.
Đồng thời phương thức cấp giấy phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh sẽ chuyển từ quy định xét duyệt hồ sơ sang quy định phải kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề trước khi cấp giấy phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh. Việc tổ chức thi đánh giá năng lực người hành nghề được thực hiện trước khi cấp giấy phép hành nghề do Hội đồng Y khoa quốc gia thực hiện.
Không gọi nhập ngũ đối với công dân nghiện các chất ma túy
Ngày 6-12-2023, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành Thông tư 105/2023/TT-BQP quy định tiêu chuẩn sức khỏe, khám sức khỏe cho các đối tượng thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng, có hiệu lực từ ngày 1-1-2024. Cụ thể gồm: tiêu chuẩn và phân loại khám sức khỏe; khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự; quản lý và kiểm tra sức khỏe quân nhân dự bị; khám sức khỏe tuyển sinh quân sự.
Bên cạnh đó là quy định về khám sức khỏe tuyển dụng vào đội ngũ cán bộ; đào tạo sĩ quan dự bị gọi vào phục vụ tại ngũ; tuyển dụng quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức và cá nhân trong khám sức khỏe cho các đối tượng thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng.
Về tiêu chuẩn sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự, Điều 4, Thông tư 105/2023/TT-BQP nêu rõ, tiêu chuẩn chung là phải đạt sức khỏe loại 1, loại 2, loại 3 theo quy định tại Điều 5, Điều 6, Thông tư 105/2023/TT-BQP. Đặc biệt, theo thông tư này, không gọi nhập ngũ đối với công dân nghiện các chất ma túy, tiền chất ma túy được quy định tại Nghị định 57/2022/NĐ-CP quy định các danh mục chất ma túy và tiền chất. Ngoài ra, công dân phải đáp ứng một số tiêu chuẩn sức khỏe riêng trong tuyển chọn thực hiện nghĩa vụ quân sự do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định.
Vi phạm pháp luật không được xét tặng Gia đình văn hóa
Nghị định số 86/2023/NĐ-CP ngày 7-12-2023 (có hiệu lực từ 30-1-2024) quy định khung tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu Gia đình văn hóa. Nghị định nêu rõ, để được xét tặng danh hiệu Gia đình văn hóa thì gia đình phải đáp ứng những tiêu chuẩn sau: gương mẫu chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tích cực tham gia các phong trào thi đua lao động, sản xuất, học tập, bảo vệ an ninh, trật tự, an toàn xã hội của địa phương: gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh; thường xuyên gắn bó, đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ trong cộng đồng. Nghị định cũng quy định một số trường hợp vi phạm về pháp luật là căn cứ không xét tặng danh hiệu Gia đình văn hóa.
BAN CTBĐ-CTXH (theo SGGP)
Bình luận (0)