Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Nghề hấp dẫn nhưng làm… không dễ

Tạp Chí Giáo Dục

Học sinh tìm hiểu ngành nghề trong một buổi tư vấn hướng nghiệp, tuyển sinh do Báo Giáo Dục TP.HCM tổ chức

Những năm gần đây, các ngành nghề như họa viên kiến trúc, tiếp viên hàng không, quan hệ công chúng… luôn hấp dẫn giới trẻ. Tuy nhiên, nếu không hiểu rõ tính chất những ngành nghề này, các bạn trẻ rất dễ bỏ cuộc giữa chừng vì áp lực công việc cao.
Họa viên kiến trúc: Cần học hỏi không ngừng
Nhiều bạn trẻ có hoa tay, khiếu thẩm mỹ tốt nhưng chưa đủ sức thi đỗ vào Trường ĐH kiến trúc để trở thành kiến trúc sư thì có thể học họa viên kiến trúc ở một số trung tâm tin học. Họa viên là người diễn đạt các ý tưởng thiết kế của kiến trúc sư bằng hình ảnh 2D và 3D. Những bản thiết kế sẽ được họ dựng lên bằng bản vẽ có đầy đủ nội thất bên trong, được bố trí ánh sáng phù hợp… giúp chủ đầu tư có cái nhìn cụ thể hơn về công trình. Vì vậy, họa viên kiến trúc đang là một nghề hấp dẫn, nhiều cơ hội việc làm đối với giới trẻ. Để trở thành họa viên kiến trúc, người học mất khoảng 1 năm. Tuy nhiên, muốn làm một họa viên giỏi, các bạn cần phải bổ sung thêm nhiều kiến thức thông qua thực hành thực tế. Thao tác thực hành của các họa viên kiến trúc sẽ được nhà tuyển dụng đánh giá từ vòng kiểm tra năng lực thiết kế. Qua bản vẽ, nhà tuyển dụng sẽ đánh giá được kiến thức ngành nghề và khả năng sử dụng phần mềm chuyên dụng của ứng cử viên. Vì vậy, để trở thành họa viên kiến trúc giỏi, họ phải thiết kế nhiều công trình với thể loại và cấp độ khác nhau.
Tiếp viên hàng không: Áp lực công việc cao
Hình ảnh trẻ trung, xinh xắn, lại được khám phá nhiều vùng đất mới của các tiếp viên hàng không đã làm không ít bạn trẻ khao khát được làm công việc này. Thực tế, làm nghề tiếp viên hàng không không dễ. Cụ thể, đằng sau vẻ hào nhoáng thì các tiếp viên hàng không phải chịu áp lực công việc cao, lại còn chịu thử thách khắc nghiệt đối với sức khỏe. Lên máy bay, hành khách có thể ngủ, đọc báo… nhưng tiếp viên thì phải kiểm tra các thiết bị an ninh, an toàn, phục vụ đồ ăn nước uống… cho các “thượng đế”. Ngoài ra, họ phải thường xuyên làm việc ở nhiệt độ, áp suất thay đổi liên tục, ăn uống không đúng giờ khiến họ thường mắc một số bệnh nghề nghiệp như viêm xoang, đau đầu, đau dạ dày… Theo ThS. tâm lý Biện Chương Dương (giảng viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM): “Để trở thành tiếp viên hàng không, các bạn trẻ cần có nhiều yếu tố như chiều cao, sức khỏe tốt, chịu đựng áp lực công việc…”.
Quan hệ công chúng: Đòi hỏi nhiều kỹ năng
PR – quan hệ công chúng là một nghề mới và ở TP.HCM chỉ có một trường đào tạo với một chuyên ngành riêng là ĐH Văn Lang, nhưng nó đã trở thành nghề được nhiều bạn trẻ quan tâm. Công việc chính của một nhân viên PR là lập kế hoạch, chương trình hoạt động cho một tổ chức, cá nhân, đó có thể là một chiến lược thông tin nội bộ trong tổ chức, một chiến dịch truyền thông, quảng bá hình ảnh… Ngoài ra, họ còn phải soạn thảo thông cáo báo chí, báo cáo dành cho cổ đông, thiết kế và sản xuất các cuốn niên giám, các bản báo cáo, tổ chức các sự kiện, quan hệ với truyền thông, cung cấp thông tin cho báo chí… Với khối lượng công việc nhiều như vậy, đòi hỏi nhân viên PR cần hội tụ rất nhiều kỹ năng, phẩm chất như khả năng giao tiếp tốt, khéo léo, nhanh nhẹn trong mọi tình huống, có khả năng chịu đựng áp lực công việc cao, có khả năng phân tích tổng hợp tốt, có ngoại ngữ và tin học… Ngoài ra, PR đòi hỏi nhiều kiến thức của các chuyên ngành khác nhau như báo chí, marketing, quản trị kinh doanh, tâm lý học, xã hội học…
Bài, ảnh: Minh Châu

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)