Cô và trò Trường TH Tô Vĩnh Diện (Q.Bình Thạnh) trong một chuyến đi thực tế ở Bình Dương
|
Muốn được nghỉ ngơi, thư giãn, vui chơi là tâm lý chung của học sinh (HS) mỗi khi đến hè. Đây cũng là quãng thời gian quan trọng để HS trải nghiệm cuộc sống qua những hoạt động khác nhau.
Nếu phụ huynh có kế hoạch quản lý con em hợp lý, có chương trình hè thú vị, chắc chắn các em HS sẽ hấp thụ tốt vốn sống và có những ký ức đẹp.
Để mắt tới con cái
ThS. tâm lý Đào Lê Hòa An, Phó giám đốc Trung tâm Đào tạo kỹ năng sống Ý tưởng Việt, cho biết: “Thực tế cho thấy, sau một năm học căng thẳng vào mỗi dịp nghỉ hè, HS thường được phụ huynh cho vui chơi thỏa thích, bởi sau một năm học cho các em xả hơi là hợp lý nhất. Suy nghĩ đó mới chỉ là điều kiện cần chứ chưa là điều kiện đủ. Bởi ở độ tuổi này, các em chưa có khả năng định hướng, khả năng kiềm chế cảm xúc một cách tốt nhất, nếu bị buông lỏng thiếu hẳn sự kiểm soát, thích chơi đâu thì chơi, thích làm gì thì làm như “ngồi đồng” trước máy tính chơi game… là một điều hết sức đáng lo ngại. Cách quản lý, giáo dục con như vậy vô hình trung đã làm hỏng con. Phụ huynh thì vậy, còn nhiều em HS tự chọn cho mình cách nghỉ hè đơn giản nhất: Ngủ… ngủ, và đến khi hết hè, các em có thêm “bệnh”… thích ngủ”.
Chị Thu Thủy (Q.Bình Thạnh) than thở: “Nhà có hai anh em, đứa lớn học lớp 8 Trường THCS Lê Văn Tám, đứa nhỏ học lớp 4 Trường TH Chu Văn An, vợ chồng tôi tối mắt tối mũi với công việc nên trong mấy tháng hè của năm học trước gần như buông lỏng, để các con tự lên kế hoạch vui chơi hoặc về quê thăm ông bà. Nhưng rồi tôi phát hiện, đứa nhỏ mê chơi game còn đứa lớn hay lấy lý do đi chơi với bạn cùng lớp hoặc học nhóm… Hậu quả, bước vào năm học 2012-2013 trong học kỳ I, học lực của hai đứa sụt giảm một cách kinh ngạc với lý do rất đơn giản: Không còn hứng thú học và thích ngủ”.
Trái ngược với gia đình chị Thu Thủy, gia đình anh Tuấn Phong (Q.1) cũng có hai con, con trai lớn học lớp 10 Trường THPT Trưng Vương, con gái út học Trường THCS Võ Trường Toản thì lại khác. Dù bận việc cơ quan nhưng anh chị vẫn không hề xao nhãng trong việc quản lý giáo dục các con mình. Trong năm học, hai đứa con thực hiện nghiêm túc thời khóa biểu, vào dịp hè, anh chị rèn các con vào khuôn khổ hơn. Sáng, dậy tập thể dục, ăn sáng và xem ti vi, đọc truyện… Ăn trưa xong, hai anh em ngủ trưa gần hai giờ, từ chiều tới tối thì ôn bài hoặc đi công viên để vui chơi, thư giãn… Anh chị cho hai con đi học môn năng khiếu theo sở thích (3 buổi/tuần). Cuối tuần, cả gia đình đi dã ngoại hoặc về quê thăm họ hàng. Giao lưu với bạn bè hay chơi game, lướt web đọc báo, xem phim ảnh… anh chị cũng không cấm nhưng chỉ cho phép ở mức vừa phải. Sự nghiêm khắc của anh chị đã giúp con sống, học tập, sinh hoạt, vui chơi luôn có nền nếp, biết tự chủ bản thân và đặc biệt là tự giác, biết nghe lời mà cha mẹ không phải giám sát hoặc quản lý chặt.
Hiểu tâm lý trẻ là quan trọng nhất
Với các bậc phụ huynh, mùa hè là thời gian “điên đầu” với những câu hỏi muôn thuở: “Cho con học gì, ở đâu?…”. Chị Thúy Nga (Q.4) cho biết: “Cầm trên tay tờ rơi giới thiệu các môn năng khiếu của Trung tâm TDTT Q.4, tôi thấy đa số các môn đều có thời gian dạy tối đa là 60 phút. Nếu cho con học một môn thì thời gian ngắn không làm được việc gì, còn cho con học một lúc 2-3 môn, với mức học phí 150.000 đồng/môn, thì một tháng mất gần 1 triệu đồng (cho hai đứa con), tôi lấy đâu ra tiền để đóng? Mà để con ở nhà thì lại thua thiệt với bạn bè. Kinh tế khá hơn chị Thúy Nga, chị Phương Trinh (Q.3) đã cùng con tới Nhà Văn hóa Thanh niên để lựa chọn môn học năng khiếu. Hỏi con thích môn gì con cũng lắc đầu kêu chán, mệt mỏi nhưng sau khi được mẹ thuyết phục, cậu bé gật đầu… tới 6 môn, chỉ để duy nhất ngày chủ nhật được nghỉ ngơi. Khi được hỏi, sao cho con học nhiều thế, chị Phương Trinh thẳng thắn cho biết: “Ngày xưa mình không có điều kiện nên mới không được học, bây giờ có điều kiện thì cho con học. Học, trước là để biết, sau là để thể hiện tài lẻ của cháu”. Trong khi đó, anh Hoàng Khải (Q.Bình Thạnh) lại có quan điểm khác. Anh tâm sự: “Những năm trước, hè đến là tôi đôn đáo khắp nơi tìm các trung tâm, khóa học hè cho con nhưng sau đó tôi mới nhận ra: Người dạy con tốt nhất là ba mẹ và phải làm hằng ngày. Do đó tôi đã dành thời gian tìm hiểu tâm lý của các con, theo sát chương trình học của từng đứa ở trường rồi từ đó tổ chức nhiều hình thức giúp con tìm hiểu về những nội dung liên quan. Chưa đầy một năm, tôi đã thấy các con tiến bộ hẳn. Lý giải cho cách thay đổi này, anh Hoàng Khải chia sẻ: “Hè là để con thoải mái, vui chơi, không bị áp lực học hành, kể cả các môn năng khiếu nên tôi hay tổ chức cho các cháu cùng gia đình đi dã ngoại ngay ở các công viên lớn trong thành phố hoặc về quê vui chơi với ông bà. Kết quả rất tuyệt vời, đứa nào cũng hào hứng và luôn giục cha mẹ về quê hoài”.
Bà Lê Khanh, Chuyên viên tâm lý (Phòng Tư vấn tâm lý gia đình – trẻ em),lưu ý: “Trong thời gian nghỉ hè, các bậc phụ huynh nên tranh thủ đưa trẻ đi chơi, đi du lịch hoặc về quê. Đó cũng là một cách học. Chẳng hạn, đến những khu di tích trẻ sẽ học được nhiều về lịch sử, đến các khu du lịch trẻ học được những điều về thiên nhiên, thêm vào đó việc tiếp xúc với thiên nhiên sẽ giúp trẻ thư giãn đầu óc, quên đi những mệt mỏi để bước vào năm học mới với tâm lý thoải mái hơn. Qua đó, các em còn phát triển được tình yêu quê hương, đất nước của mình”.
Bài, ảnh: Lê Quang Huy
ThS. Đào Lê Hòa An nhấn mạnh: Phụ huynh hãy tạo cho trẻ một khoảng không gian vừa đủ để có thể vẫy vùng nhằm hoàn thiện chính mình nhưng vẫn nằm trong tầm kiểm soát của cha mẹ. Ngoài ra, phụ huynh cho trẻ tham gia các lớp học rèn luyện kỹ năng sống để biết quý trọng bản thân, quý trọng cuộc sống, quý trọng sức lao động, từ đó trẻ có thể tự mình vạch ra chiến lược quản lý bản thân một cách tốt nhất. Hãy trao cho con cơ hội, niềm tin để tự quyết định lấy tương lai với sự hướng dẫn, soi đường của cha mẹ. |
Bình luận (0)