Phòng học tiếng Anh của Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, Q.4
|
Những năm học gần đây, ngành GD-ĐT TP.HCM đã mạnh dạn ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào hoạt động dạy và học. Tất cả các trường học đều được nối mạng internet, hầu hết đều có website riêng. Từ tiểu học đến THPT, trường nào cũng có ít nhất một phòng vi tính với vài chục máy…
“Xóa mù” tin học cho giáo viên
Bằng nhiều hình thức, ngành GD-ĐT TP.HCM đã phổ cập tin học cho tất cả giáo viên đứng lớp. Phần lớn giáo viên, nhất là những giáo viên trẻ đã hoàn thành chương trình Microsoft Peer Coaching (gồm tập huấn về hồ sơ bài giảng, cách sử dụng CNTT trong giảng dạy). Bên cạnh đó, Sở GD-ĐT còn mở nhiều lớp tập huấn CNTT như soạn bài giảng trực tuyến (E-Learning), Intel Teach Essential, Intel Teach Element PBA (là chương trình nhằm hướng dẫn giáo viên dạy học theo dự án). Tham gia khóa học, giáo viên được cung cấp các kiến thức về dạy học, các kỹ năng xây dựng hồ sơ dạy học theo dự án. Ngoài ra, khóa học cũng cung cấp cho các nhà giáo những nội dung phát triển về kỹ năng mềm, từ đó người thầy sẽ cung cấp lại cho học trò bí quyết nâng cao khả năng học tập, nghiên cứu khoa học…
Không chỉ nâng cao khả năng sử dụng cũng như ứng dụng CNTT cho đội ngũ nhà giáo, Sở GD-ĐT TP và các phòng GD-ĐT quận, huyện đã tích cực đầu tư trang thiết bị giảng dạy cho các trường. Theo đó, hầu hết các trường đều có từ 1 đến 2, 3 phòng máy vi tính với vài chục máy/phòng. Trước đây, do thiếu máy vi tính nên mỗi tuần học sinh chỉ được thực hành trên máy 1-2 tiết nhưng nay đã tăng lên 2-4 buổi/tuần. Học sinh không chỉ học tin học mà ngay cả tiếng Anh và nhiều môn học khác cũng học ở phòng máy vi tính.
Bên cạnh đó, bằng nhiều nguồn kinh phí, không ít trường còn được đầu tư màn hình LCD, máy chiếu, bảng tương tác Activboard…
Giáo viên được tập huấn và cập nhật CNTT thường xuyên, nhà trường được trang bị thiết bị đầy đủ và hiện đại, theo đó chất lượng dạy và học của các trường đã được nâng cao. Nhiều hiệu trưởng thừa nhận, hầu hết giáo viên trong trường đều thành thạo trong việc soạn giáo án điện tử, giảng dạy bằng công nghệ cao. Tiết học giờ đây tại các trường không chỉ đơn điệu là bảng đen phấn trắng, cô đọc trò chép mà có sự tương tác giữa thầy và trò, có sự tham gia của CNTT. Không khí lớp học theo đó mà sôi nổi hẳn lên…
Ứng dụng công nghệ 3D
Một tiết học tại phòng học 3D ở Trường THPT Lương Thế Vinh (Q.1) |
Thuật ngữ “công nghệ 3D” hiện ngày càng được sử dụng nhiều, bởi nó được ứng dụng ở rất nhiều lĩnh vực trong cuộc sống. Từ phim 3D cho đến thêu, in bằng công nghệ 3D. Thậm chí làm tóc, làm móng cũng ứng dụng công nghệ 3D…
Thời gian gần đây, công nghệ 3D cũng được ứng dụng vào giáo dục. Nhiều chuyên gia CNTT và nhà giáo thừa nhận, việc ứng dụng công nghệ 3D vào giáo dục mở ra nhiều điều thú vị.
Công nghệ 3D sử dụng hai hình ảnh riêng biệt – một hình ảnh cho mắt trái và một hình ảnh cho mắt phải. Hai hình ảnh chồng lên nhau để tăng nhận thức của người nhìn về độ sâu hình ảnh và tạo ra hiệu ứng “hình ảnh nhảy ra khỏi màn hình”.
Từ hiệu ứng “hình ảnh nhảy ra khỏi màn hình”, học sinh sẽ học tốt hơn khi được trải nghiệm cảm giác như thật thay vì cứ phải hình dung qua mô tả bằng lời của thầy, cô giáo. Đặc biệt là khi các em học môn sinh học với những nội dung liên quan đến giải phẫu cơ thể người, đến các loại vi sinh vật…
Tại TP.HCM, việc ứng dụng công nghệ 3D vào giảng dạy có thể thông qua việc lắp đặt hệ thống thiết bị chiếu phim 3D cho trường học, trình chiếc các phim 3D giáo dục chọn lọc cho học sinh, nguồn giáo trình 3D cho giảng dạy tiếng Anh.
Riêng Trường THPT Lương Thế Vinh (Q.1) đã ứng dụng công nghệ 3D vào giảng dạy các môn như sinh học, địa lý, hóa học, công nghệ…
Có thể khẳng định, nhờ mạnh dạn ứng dụng CNTT mà ngành GD-ĐT TP.HCM luôn gặt hái được những kết quả cao trong công tác giảng dạy và học tập…
Bài, ảnh: Kim Anh
Bình luận (0)