Tại hội nghị giao ban triển khai nhiệm vụ công tác giáo dục đào tạo thành phố Hà Nội lần 1 năm học 2009-2010 vừa tổ chức tuần qua, có một thực trạng đáng buồn được nêu ra: việc thực hiện Kế hoạch 86/KH-UBND của UBND thành phố về xóa 5.523 phòng học tạm, phòng học bán kiên cố xuống cấp giai đoạn 2009-2010 chậm so với tiến độ, chỉ đạt 58% khối lượng thực hiện và 62% giá trị giải ngân.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Thị Thanh Hằng cho rằng, Kế hoạch 86 của thành phố là một cơ hội để các nhà trường xây dựng cơ sở vật chất, bởi thành phố đã lo 80% kinh phí, quận, huyện chỉ cần 20% vốn đối ứng. Thế nhưng, cơ hội ấy vì sao chưa được tận dụng triệt để?
Khi người sử dụng không phải chủ đầu tư
Phòng học tạm cho học sinh khuyết tật được đặt tại một ngôi chùa ở huyện Chương Mỹ.
|
Trước khi mở rộng địa giới hành chính, Hà Nội đã gần như hoàn thành việc xóa phòng học cấp 4 trong các trường tiểu học (TH), trung học cơ sở (THCS) và chỉ còn một số lượng không lớn phòng học loại này trong trường mầm non (MN). Nhưng khi sáp nhập cùng Hà Tây, Mê Linh (Vĩnh Phúc) và một số xã của Hòa Bình, số phòng học cần phải được thay thế bằng phòng học xây mới đã tăng đáng kể. Trước tình hình đó, thành phố đã xây dựng kế hoạch xóa 5.523 phòng học tạm, phòng học bán kiên cố xuống cấp trong 2 năm 2009 -2010 với số vốn hơn 2.000 tỷ đồng. 80% kinh phí cho mục tiêu này là ngân sách thành phố, các quận, huyện chỉ phải lo 20% vốn đối ứng. Năm 2009, thành phố đã bố trí đủ số vốn đầu tư theo kế hoạch, với tổng số tiền là 495,320 tỷ đồng cho 251 dự án. Tính đến ngày 31-11, mới có 168 dự án được khởi công, đạt 58% khối lượng thực hiện và 62% giá trị giải ngân.
Kết quả kiểm tra của liên ngành cho thấy, bên cạnh một vài huyện triển khai rất tốt nhiệm vụ này như Mỹ Đức được đầu tư 51 tỷ đồng và đã giải ngân hết thì có nhiều nơi thậm chí chưa có quy hoạch, chưa lập kế hoạch. Tại hội nghị giao ban, đại diện của Sở Kế hoạch Đầu tư, sau khi đánh giá các tỷ lệ trên trong lĩnh vực giáo dục đào tạo là thấp hơn các ngành khác, đã chỉ ra những nguyên nhân cụ thể: một số địa phương chưa quan tâm lập quy hoạch mặt bằng gắn với xây dựng trường chuẩn quốc gia, đầu tư không đồng bộ thậm chí có nơi kiên cố hóa trường học chỉ xây phòng học, không xây công trường, tường rào; nhiều nơi đầu tư không đúng danh mục theo Kế hoạch 86; chưa bố trí đủ và đúng tiến độ vốn đối ứng, làm hạn chế hiệu quả sử dụng vốn của thành phố; vẫn còn tình trạng đầu tư dàn trải theo kiểu dàn hàng ngang…
Đó là những nguyên nhân trực tiếp khiến cho tiến độ xóa phòng học cấp 4, phòng học tạm chậm nhưng nguyên nhân của những nguyên nhân này có lẽ nằm ở chỗ ngành GD-ĐT chỉ là đơn vị được thụ hưởng kết quả đầu tư. Chủ đầu tư của các hạng mục xây dựng trong trường TH, THCS và MN vẫn là UBND các quận, huyện. Với cách phân cấp này, những bất hợp lý trong xây dựng trường học vẫn tồn tại nhiều năm nay. Cho nên, tiến độ xóa phòng học cấp 4 chậm cũng không phải là điều quá khó hiểu.
Chủ động tham mưu, bài học chưa cũ
Thực tiễn triển khai công tác kiên cố hóa trường lớp trước khi Hà Nội mở rộng địa giới cho thấy, khi ngành giáo dục chủ động trong tham mưu, làm tốt khâu chuẩn bị đầu tư thì tiến độ và hiệu quả đều đạt mục tiêu. Ngày ấy, Hà Nội là đơn vị duy nhất trong toàn quốc phân công một phó giám đốc Sở GD-ĐT phụ trách cơ sở vật chất. Sở đã cùng các quận, huyện rà soát, lên kế hoạch và đề xuất một cách cụ thể với UBND quận, huyện để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm đạt tiến độ và mục tiêu đề ra. Kinh nghiệm của những địa phương triển khai có hiệu quả Kế hoạch 86 của thành phố được chia sẻ trong hội nghị giao ban tuần qua cũng cho thấy điều đó. Bài học này không chỉ có giá trị trong việc xóa phòng học cấp 4, phòng học tạm mà ở nhiều mặt công tác khác khi mà ngành GD-ĐT không có quyền tự chủ. Ví như công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia. Trưởng phòng GD-ĐT huyện Gia Lâm Nguyễn Văn Quý đã nêu cách làm để địa phương có 8 trường đạt chuẩn trong năm qua, vượt chỉ tiêu được giao gần 200%: "Phòng GD-ĐT xây dựng đề án cụ thể, trường nào thiếu chỉ tiêu nào báo cáo Huyện ủy, UBND huyện đồng thời cam kết ngành giáo dục sẽ bảo đảm 4 chỉ tiêu chuyên môn, còn chỉ tiêu cơ sở vật chất thì huyện giúp đỡ với những yêu cầu cụ thể cho từng trường. Trên cơ sở đó, huyện giao nhiệm vụ cho các ngành có liên quan và giao ban thường xuyên để kịp thời tháo gỡ vướng mắc".
Chỉ còn mươi ngày nữa là bước sang năm 2010. Hơn 4.000 phòng học cần được thay thế bằng phòng học mới và số tiền không nhỏ 794 tỷ đồng thành phố đã bố trí cho mục tiêu này đang chờ được giải ngân. Cùng với xóa phòng học cấp 4, phòng học tạm, mục tiêu xây dựng trường chuẩn quốc gia, với chỉ tiêu được đề ra là 80 trường trong năm tới và 25 trường còn "nợ" từ năm 2009 chủ yếu vẫn thiếu điều kiện về cơ sở vật chất, đặt ra nhiệm vụ khá nặng nề cho các quận, huyện và ngành GD-ĐT. Bởi thế, ngay từ bây giờ, khi năm tài chính còn một tháng nữa mới chốt giải ngân, công tác chuẩn bị đầu tư các dự án sẽ triển khai trong năm 2010 với phương châm tập trung, không dàn trải đã phải khởi động bằng quyết tâm của lãnh đạo các quận, huyện coi giáo dục là quốc sách hàng đầu và sự tham mưu chính xác, quyết liệt của ngành GD-ĐT. Dù vì bất kỳ lý do gì, để vuột mất cơ hội đầu tư này sẽ là có lỗi với thế hệ tương lai của Thủ đô.
Vân Vũ/Hà Nội mới
Bình luận (0)