Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

TP.HCM muốn mở rộng khảo sát năng lực học sinh phổ thông theo chương trình mới

Tạp Chí Giáo Dục

Không chỉ dừng ở khối 3, 7, 9 và 11, từ năm học 2024-2025, TP.HCM dự kiến sẽ thực hiện khảo sát trực tuyến năng lực học sinh phổ thông, mở rộng ở các bộ môn, khối lớp nhằm đánh giá năng lực học sinh theo Chương trình GDPT 2018.


Từ năm học 2024-2025, TP.HCM dự kiến sẽ mở rộng khảo sát năng lực học sinh ở các khối lớp thực hiện Chương trình GDPT 2018

Ngày 1-4, ông Nguyễn Bảo Quốc – Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết, hiện Sở GD-ĐT TP.HCM đã có tờ trình trình HĐND TP.HCM đề xuất điều chỉnh, bổ sung Nghị quyết 26/2021 của HĐND TP về các kỳ thi, cuộc thi, hội thi trong lĩnh vực giáo dục – đào tạo trên địa bàn TP.HCM.

Trong đó, đề xuất điều chỉnh cuộc thi khảo sát lớp 7 thành khảo sát năng lực học sinh phổ thông. Căn cứ vào kế hoạch giáo dục của Bộ GD-ĐT và Sở GD-ĐT, cũng như căn cứ vào tình hình thực tế và mục tiêu của hoạt động giáo dục năm học, Sở GD-ĐT sẽ đề xuất các khối lớp và các môn học được chọn để khảo sát và ban hành kế hoạch khảo sát phù hợp.

Theo ông Quốc, nhiều năm nay TP.HCM thực hiện khảo sát trực tuyến năng lực học sinh ở 4 khối lớp: 3, 7, 9 và 11. Trong đó, khối 3, 7 là khảo sát năng lực vận dụng; khối 9, 11 khảo sát năng lực ngoại ngữ theo chuẩn quốc tế.

Việc đề xuất điều chỉnh mở rộng khảo sát năng lực học sinh ở các khối lớp từ năm học 2024-2025, ông Quốc cho hay nhằm phù hợp với Chương trình GDPT 2018, khi năm học tới là năm cuối cùng Chương trình GDPT 2018 phủ ở các khối lớp. Từ đó, nhằm đánh giá hiệu quả quá trình triển khai các hoạt động giáo dục tại cơ sở giáo dục và đề xuất các kế hoạch giải pháp phù hợp để phát huy tối đa năng lực của học sinh và hoàn thiện các kỹ năng của học sinh theo đúng định hướng phát triển phẩm chất, năng lực của Chương trình GDPT 2018.

“Dù điều chỉnh, mở rộng phạm vi khảo sát ra nhiều khối lớp nhưng kết quả khảo sát chỉ dùng để phân tích, phục vụ công tác nghiên cứu, tuyệt đối không dùng để so sánh, xếp loại, đánh giá học sinh và giáo viên. Đồng thời là cơ sở để các tổ chuyên môn đi sâu vào hoạt động chuyên môn có hiệu quả hơn, đảm bảo việc ra đề kiểm tra định kỳ theo đúng hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh theo mục tiêu Chương trình GDPT 2018 hướng tới” – ông Nguyễn Bảo Quốc nhấn mạnh.

Nói thêm về việc khảo sát ở khối 3, 7 đã được TP.HCM thực hiện trước đó, ông Nguyễn Bảo Quốc cho biết đây là 2 khối lớp ở nửa giai đoạn bậc tiểu học và THCS. Lựa chọn khảo sát sẽ giúp ngành giáo dục rà soát việc triển khai các chương trình, kế hoạch của Bộ GD-ĐT tại TP.HCM, học sinh đã thụ hưởng như thế nào, phát triển được năng lực gì, còn khiếm khuyết những năng lực gì… qua đó điều chỉnh bổ sung cho 2 khối lớp tiếp theo để đạt được hiệu quả cao nhất.

Từ kết quả khảo sát qua từng năm, lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM đánh giá, TP.HCM đã kịp thời có những điều chỉnh từ cách tiếp cận của giáo viên trong hướng dẫn nhiệm vụ năm học từng năm, hướng tới việc dạy học từ truyền thụ kiến thức sang phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Đặc biệt, với kết quả khảo sát khối 7 ở các nội dung mới được triển khai ở bậc THCS trong Chương trình GDPT 2018 như khoa học tự nhiên, lịch sử – địa lý Sở GD-ĐT TP.HCM đã tổ chức các lớp tập huấn hè, định hướng, bồi dưỡng thêm cho giáo viên, giúp giáo viên tự tin hơn khi đứng lớp giảng dạy các bộ môn mới.

Riêng với khảo sát năng lực ngoại ngữ học sinh lớp 9, 11, nội dung kiến thức nằm trong chương trình học của học sinh nhưng cách hỏi tiệm cận theo đề của chuẩn quốc tế ở 3 kỹ năng: nghe, đọc, viết. Qua việc khảo sát giúp đánh giá được kỹ năng nghe của học sinh, qua đó có các chuyên đề hướng dẫn giáo viên dạy kỹ năng nghe, thực hành cho học sinh trên lớp. “Khảo sát giúp giáo viên đưa ra định hướng chuẩn đầu ra chung cho học sinh toàn thành phố” – ông Nguyễn Bảo Quốc nói.

Yến Hoa

Bình luận (0)