Khi đi chấm thi và dạy học sinh tôi thấy các em thường khó khăn ở hai bài nghị luận.
Ở nghị luận xã hội có một số học sinh không tưởng tượng được mình sẽ phải triển khai thân bài như thế nào. Do đó, các em phải chịu khó ôn tập, luyện một số dạng đề. Đồng thời, các em nên nhớ những dẫn chứng có thể đưa vào nhiều bài văn nghị luận như câu chuyện về những người nổi tiếng, câu chuyện về những tấm gương trong lịch sử, của tất cả các lĩnh vực trong cuộc sống, câu chuyện của những người giàu nghị lực…
Ở đề nghị luận văn học, có học sinh cứ thấy tên văn bản là “bê” hết kiến thức vào bài làm. Theo tôi thì đây là những học sinh không biết phân tích đề, không biết phân định đề khác nhau như thế nào khi liên quan đến cùng một tác phẩm văn học.
Đây là những khó khăn mà học sinh thường gặp phải, nhất là các em ở vùng khó khăn. Cách khắc phục là học sinh phải biết phân tích đề, phải xác định được 3 yêu cầu của đề: Nội dung nghị luận là gì, thao tác nghị luận chính của đề là gì, phạm vi dẫn chứng lấy ở đâu. Từ đó lập dàn ý chi tiết, đây chính là bộ khung của bài viết.
Trước kỳ thi, các em tuyệt đối không được hoang mang, hoảng sợ. Giải pháp hiệu quả nhất là tích lũy dần kiến thức, ôn dần, điều này không bao giờ là muộn. Tài liệu vô cùng nhiều. Chính vì vậy không nên học tủ, học lệch, không được nghe tin đồn trước thời gian thi. Phải rèn luyện thêm kỹ năng giải quyết đề, kỹ năng làm các dạng đề.
Đề thi ĐH, CĐ không bao giờ quá khó. Nhưng nội dung của bài thi có nhiều mức độ khác nhau về nhận thức. Vì vậy, học sinh phải nhận biết được vấn đề, thông hiểu được câu hỏi của đề, vận dụng kiến thức. Ngoài ra, các em phải làm bật được điểm mạnh của mình trong bài thi.
Trịnh Thị Ngọc Thúy
(Giáo viên văn Trường THPT Phan Đình Phùng, Hà Nội)
Bình luận (0)