Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Tại sao điểm thi tốt nghiệp THPT môn Địa lý thấp?

Tạp Chí Giáo Dục

Tại kỳ thi tốt nghiệp THPT 2013, điểm thi môn địa lý của thí sinh ở nhiều tỉnh phổ biến là 5- 6. Điều này khác với kỳ vọng của nhiều người là đề thi về chủ quyền biển đảo sẽ giúp thí sinh có điểm cao…

Mất điểm vì những lỗi không đáng có

Đó là nhận định của nhiều giáo viên chấm thi môn địa lý tại TP.HCM. Các giáo viên này cho biết, những lỗi không đáng có mà thí sinh (TS) mắc phải là đọc không kỹ đề, loay hoay với vẽ biểu đồ, đồ thị, thậm chí còn làm lan man không đúng trọng tâm của câu hỏi nên không được chấm điểm.

Cô Nguyễn Thị Thảo – giáo viên một trường THPT công lập tại TP.HCM nhận xét: “Nhiều TS thay vì làm chuyển dịch cơ cấu theo vùng lãnh thổ thì lại làm chuyển dịch cơ cấu theo thành phần kinh tế; hoặc túng túng với cách trình bày đồ thị. Thậm chí, câu hỏi có sử dụng Atlas rất dễ kiếm điểm nhưng nhiều TS cũng xử lý chưa tốt”.

Các thí sinh tại Quảng Nam được giám thị hướng dẫn khâu kỹ thuật trước khi làm bài thi tốt nghiệp.

Theo Sở GDĐT TP.HCM, ở hệ THPT, tỷ lệ bài thi môn địa lý dưới điểm 5 chiếm 17,6%; tỷ lệ bài thi trên điểm 5 là 82,4%. Tuy nhiên, phân tích con số 82,4% này cũng có nhiều điểm “gợn”: 2/3 số TS có điểm dao động từ 5 – 6,5 điểm; có 15,4% số TS đạt mức điểm 7 trở lên; số lượng bài đạt loại giỏi chiếm 3,1%.

Sở GDĐT tỉnh Sóc Trăng cũng đã công bố về điểm thi môn địa lý, tỷ lệ điểm trên trung bình của hệ THPT là 88,73%; ở hệ GDTX là 61,14%.

Một giáo viên Trường THPT iSCHOOL Sóc Trăng cho biết: “Môn địa lý, điểm trên trung bình của trường đạt 71,6%. Tuy nhiên, phổ điểm chủ yếu là 5-6 điểm chứ không có điểm cao. Với câu về biển, đảo, vì mang tính thời sự nên nhiều em bị bất ngờ”.

Tại Phú Yên, Sở GDĐT thống kê 70,44% bài thi môn địa lý điểm 5 trở lên (trong lúc môn văn là 67,4%). Ông Nguyễn Văn Tá – Giám đốc Sở GDĐT Phú Yên đánh giá: Đây là kết quả điểm khá cao, thể hiện khá đúng thực lực thí sinh đối với đề thi môn này. Tuy nhiên, điểm thi vẫn “loanh quanh” điểm 5-6.

Thí sinh vùng biển chiếm ưu thế

Phân tích phổ điểm thi tỉnh Quảng Bình điều này thấy khá rõ, toàn tỉnh có 28 em đạt điểm thi môn địa lý cao, cao nhất với 9,5 điểm. Tỷ lệ điểm trung bình trở lên của môn này đạt 92,62%, cao nhất trong tất cả các môn thi. Theo đánh giá của nhiều thầy cô chấm thi môn địa lý tại Quảng Bình, năm nay hầu hết TS đều làm tốt, riêng ở câu hỏi 3.1 (biển đảo), có nhiều em đạt điểm tuyệt đối. Em Nguyễn Hữu Tài – Trường THPT Hoàng Hoa Thám (Lệ Thuỷ) cho biết, em và nhiều bạn trong lớp làm khá tốt câu 3.1 nhờ thường xuyên theo dõi thời sự trên ti vi và báo chí.

Ông Nguyễn Trọng Hoàn – người phát ngôn của Sở GDĐT Nghệ An cho biết: Môn địa lý của kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua có điểm bình quân là 6,09, không thấp. Đánh giá chúng thì về điểm, môn địa lý đứng vị trí thứ 3 trong 6 môn thi. Các em khá tự tin khi làm câu hỏi về biển đảo, nhất là các em ở khu vực vùng biển.

Sáng 17.6, Sở GDĐT tỉnh Quảng Ngãi cũng cho biết tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT năm 2012-2013 của cả 2 hệ trong toàn tỉnh đạt 97,6% (thấp hơn năm trước khoảng 2,26%). “Riêng môn địa lý thì tỷ lệ bài thi đạt từ điểm trung bình trở lên ước khoảng 65%” – ông Nguyễn Ngọc Tựu – Chánh Văn phòng Sở GDĐT Quảng Ngãi, cho biết. Như vậy, Quảng Ngãi cũng là tỉnh có phổ điểm địa lý “chấp nhận được”.

(Dân Việt) 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)