Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Giải pháp xây dựng nguồn lao động

Tạp Chí Giáo Dục

Ba thành viên thực hiện đề tài nhận giải thưởng
Một bức tranh với những gam màu ảm đạm khắc họa về thực trạng người lao động (NLĐ) tại TP.HCM khiến nhiều người phải lo ngại: Ba nhóm đối tượng lao động trí thức (có thâm niên, trí thức trẻ và sinh viên) chưa thể hiện tốt về ba tiêu chí “Tác phong công nghiệp, thái độ tích cực và tư duy chủ động” – những tiêu chí cần thiết cho sự phát triển của xã hội tương lai.
Đó là kết quả thu được trên 2.482 phiếu khảo sát do ba học sinh lớp 10 thực hiện trong đề tài Tác phong công nghiệp, thái độ tích cực và tư duy chủ động ở NLĐ trí thức TP.HCM. Với đề tài này, nhóm thực hiện (Trần Liên Khánh Hoa, Trương Minh Bảo Phú – Trường THPT Đinh Thiện Lý và Lưu Huân Triều – Trường Phổ thông Năng khiếu, ĐHQG TP.HCM) đã giành được giải nhì tại cuộc thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật dành cho học sinh THPT (VIEFL 2013) do Bộ GD-ĐT tổ chức.
Vượt qua chính mình
Ngày nọ, một số nhân viên công ty X. bỗng nhận được phiếu khảo sát từ ba cô cậu học trò với các câu hỏi “Khi có bất đồng ý kiến với đồng nghiệp trong công việc nào đó, bạn sẽ…”, “Bạn có thường là người hay đi làm quen với mọi người ở môi trường làm việc/ môi trường học tập?”, “Có một công việc khá thử thách nhưng không bắt buộc, người nào nhận mà hoàn thành tốt sẽ có nhiều đãi ngộ. Thái độ của bạn?”… Với các lựa chọn a, b, c, d và người nhận chỉ việc đánh dấu vào lựa chọn phù hợp với tính cách và quan điểm của mình. Không chỉ nhân viên công ty X. mà còn rất nhiều người thuộc các cơ quan, đơn vị ở nhiều nơi như quận 1, 2, 3, Bình Thạnh, Tân Bình… cũng nhận được phiếu khảo sát với nội dung tương tự. Tiếp cận, phát phiếu, thu phiếu, tổng hợp, tham khảo ý kiến các chuyên gia để hoàn thành tiểu luận về đề tài (43 trang) để nêu ra một thực trạng xã hội là điều tưởng như quá sức đối với ba học sinh mới chỉ học lớp 10 này. “Bản thân chúng em đã lường trước được những khó khăn sẽ xảy ra trong quá trình thực hiện nhưng vẫn rất hứng thú và sẵn sàng nỗ lực hết mình vì nếu công trình nghiên cứu được quan tâm thì sẽ đóng góp một phần nhỏ vào sự phát triển của thành phố, đồng thời định hướng những phẩm chất tích cực cho hình mẫu NLĐ lý tưởng cho những thế hệ học sinh – sinh viên”, Khánh Hoa tâm sự.
Những gam màu ảm đạm
Các thành viên trong nhóm thực hiện thú nhận: Trong quá trình nghiên cứu và làm việc, chúng em đã gặp khá nhiều khó khăn tưởng chừng như phải bỏ cuộc bởi đề tài quá rộng, trừu tượng đối với lứa tuổi học sinh. Ba mẹ cũng sợ các con quá sa đà vào việc nghiên cứu dẫn đến xao nhãng việc học nên ban đầu cũng có ý kiến bàn ra khi chúng em thực hiện đề tài. Nhưng rồi, chính niềm say mê với khoa học xã hội đã giúp cả ba vượt qua những khó khăn và hơn cả là vượt lên chính bản thân mình.
Nghĩ là làm, các em đã bắt tay vào việc thực hiện đề tài trong gần 4 tháng, bắt đầu từ việc khảo sát ý kiến từ ba nhóm đối tượng: Nhóm sinh viên (LĐ trí thức tương lai), nhóm LĐ có kinh nghiệm (làm việc từ 5-20 năm) và nhóm LĐ có thâm niên (làm việc trên 20 năm) để đưa ra sự khác biệt rõ rệt về tác phong, tư duy và thái độ giữa ba nhóm NLĐ. Theo đó, phần lớn ba nhóm được khảo sát đều chưa thể hiện tốt cả 3 tiêu chí: Chỉ 754/2.482 người chọn đáp án thể hiện có tác phong công nghiệp tốt, 434 người chưa có tư duy chủ động trong công việc, 445 người chưa có thái độ tích cực trong mọi hoạt động của công việc và đời sống. Khi được hỏi, đa số NLĐ trả lời rằng họ ít thấy lạc quan về tương lai tốt hơn trong công việc, và thường có xu hướng than phiền nhiều về những khó khăn, tập trung nhiều vào những điểm tối hơn những điểm sáng trong bất kì vấn đề gì. Điều này vô hình trung đã dẫn đến việc giảm hiệu quả công việc do ảnh hưởng của sự tiêu cực trong tâm trí NLĐ. Họ ít có hứng thú với công việc mình làm hoặc thực hiện một cách tẻ nhạt. Và để bổ sung cho ý này, nhóm nghiên cứu đã đưa ra một khảo sát của Tổ chức uy tín Gallup cho thấy Việt Nam thuộc một trong những quốc gia có tỷ lệ NLĐ hài lòng với công việc thấp nhất, chỉ gần 48% người tương đối hài lòng với công việc hiện tại của mình.
Theo nhóm nghiên cứu, tâm lý tiêu cực trong công việc không chỉ khiến nhiều NLĐ trí thức không tìm cách xử lý, đối mặt và khắc phục những khó khăn mà còn khiến cuộc sống hằng ngày trở nên nặng nề, thiếu lạc quan. Thời kì công nghiệp hóa đòi hỏi ở mỗi NLĐ trí thức cần phải có một phong cách làm việc làm sao để đạt hiệu quả cao nhất và hiệu quả này được thể hiện qua sự hài lòng cá nhân đối với công việc hoàn tất và hiệu suất LĐ cao. Thái độ tích cực là lối suy nghĩ, phán đoán có sự hăng hái, cầu tiến trong công việc, tìm những ưu điểm và lợi ích từ một sự việc/sự vật thay vì tập trung dò xét những khuyết điểm, khó khăn, trở ngại. Đối với một cá nhân mong muốn thành công trong công việc và cuộc sống, trong bản thân người ấy không thể tồn tại quá nhiều các suy nghĩ, niềm tin tiêu cực, tự ti.
Cần sự định hướng
Không chỉ khảo sát, phân tích, nhóm nghiên cứu còn đề xuất một số giải pháp, định hướng với các cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp, các tổ chức giáo dục và gia đình nhằm khắc phục thực trạng nói trên. Trong đó, giải pháp giáo dục được nhóm nghiên cứu trình bày với những lập luận khá chi tiết và sắc sảo. Theo nhóm, học sinh cần được rèn luyện các thói quen, kỹ năng như quản lý thời gian, kế hoạch hóa công việc, óc sáng tạo, thói quen về giờ giấc để làm việc có tổ chức, khuyến khích sự sáng tạo – những ý tưởng mới lạ cũng như kế hoạch làm việc khoa học và chuẩn bị chi tiết trước khi thực hiện… Học sinh cần được định hướng về thái độ tích cực đối với các môn học, với trách nhiệm của mình và cuộc sống. Lứa tuổi học sinh thường gặp nhiều vấn đề về tâm sinh lý do đó nhà trường nên có phòng tư vấn tâm lý học đường để có thể kịp thời giúp đỡ và giáo dục các em để tránh những suy nghĩ tiêu cực về cuộc sống và mọi người xung quanh. Các nhà giáo dục và phụ huynh nên hướng học sinh đến việc hình thành một thói quen đưa ra những quyết định mang tính chủ động như đóng góp ý kiến, tự tìm hiểu những khả năng của bản thân, tôn trọng sở thích và tạo điều kiện phát huy những khả năng đó khi học sinh có đề nghị.
Bên cạnh đó, nhà trường cũng cần ứng dụng hiệu quả các thiết bị, công nghệ, áp dụng phương thức giảng dạy sáng tạo thông qua các phương tiện công nghệ thông tin, xây dựng khả năng làm việc nhóm, khả năng nghiên cứu khoa học, khả năng tự học của học sinh – sinh viên, lấy người học làm trung tâm…
Bài, ảnh: Ngọc Anh
 
Theo nhóm nghiên cứu, tâm lý tiêu cực trong công việc không chỉ khiến nhiều NLĐ trí thức không tìm cách xử lý, đối mặt và khắc phục những khó khăn mà còn khiến cuộc sống hằng ngày trở nên nặng nề, thiếu lạc quan.
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)