HS lớp 9 ở huyện Củ Chi tham quan phòng thí nghiệm Trường TC Bách khoa Sài Gòn trong Ngày hội tư vấn hướng nghiệp, tuyển sinh do Báo Giáo Dục TP.HCM tổ chức
|
Sau THCS, nếu chọn các trường nghề thì đến 18 tuổi, các em học sinh (HS) vừa có bằng THPT vừa có bằng TCCN. Đây chính là ưu điểm giúp HS nghèo ở các vùng ven, ngoại thành TP.HCM ngày càng quan tâm đến trường nghề.
Giảm gánh nặng cho gia đình
Em Nguyễn Ngọc Thùy Dương (HS lớp 9/4 Trường THCS Nguyễn Văn Quỳ, huyện Nhà Bè) phân vân: “Gia đình em kinh tế không mấy khá giả, em muốn đi làm sớm để phụ giúp bố mẹ. Em có năng khiếu về vẽ nên thích nghề thiết kế thời trang. Em nghĩ mình sẽ không tiếp tục học THPT mà chọn trường nghề”. Cô Lê Thị Oanh, Phó trưởng phòng GD-ĐT huyện Nhà Bè, chia sẻ: “HS ở ngoại thành đa số hoàn cảnh gia đình còn nhiều khó khăn, vì thế nhiều em muốn đi làm sớm để phụ giúp gia đình. Địa bàn huyện Nhà Bè hiện đã có các khu chế xuất, các em muốn có việc làm ổn định trong tương lai thì việc có bằng cấp nghề sẽ tiến triển hơn. Hiện nay, UBND huyện Nhà Bè đặt mục tiêu cho Phòng GD-ĐT là mỗi năm tuyên truyền 15% HS sau THCS vào trường nghề. Mặc dù ngành giáo dục chưa thực hiện được điều này nhưng số lượng HS theo học nghề mỗi năm một tăng, hiện có hơn 11% HS sau THCS vào trường nghề”.
Ông Nguyễn Tấn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp – Hướng nghiệp huyện Hóc Môn, cho hay: “Những năm vừa qua, số lượng HS theo học THPT trên địa bàn giảm, các em chú trọng đến trường nghề nhiều hơn. Chẳng hạn, các năm trước huyện Hóc Môn có tới 90%, thậm chí là 95% HS vào THPT, nhưng những năm gần đây giảm dần còn 85%, rồi 80%; còn lại các em chủ yếu học nghề”. Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Nhanh, Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp – Hướng nghiệp huyện Củ Chi, cho biết: “Củ Chi có khá nhiều xã vùng sâu, đa số HS nghỉ học sớm do hoàn cảnh gia đình hay sức học kém. Những năm trước, các em bỏ học rồi về làm nông phụ giúp gia đình nhưng gần đây, các em quan tâm đến trường nghề hơn. Hiện nay, mỗi năm huyện có khoảng 15% HS sau THCS vào trường nghề”.
Tương tự, huyện Bình Chánh cũng có số HS sau THCS vào TCCN khá cao, mỗi năm huyện có 200-300 em vào TCCN…
Tạo điều kiện cho HS học trường nghề
Để HS sau THCS chọn học trường nghề ngày càng nhiều, ngành GD-ĐT các quận/huyện đã có nhiều chính sách thu hút các em. Cô Lê Thị Oanh cho biết: “Thay vì giảm 50% học phí cho HS sau THCS vào học nghề như chính sách của Nhà nước, được sự giúp đỡ của các cơ quan ban ngành, huyện Nhà Bè đã thực hiện đề án phân luồng, theo đó tất cả HS sau THCS học nghề đều được miễn 100% học phí, những HS của huyện nhà sang học nghề ở các vùng lân cận cũng được hưởng chính sách này. Ngoài ra, nếu có thành tích tốt trong học nghề, các em còn được cấp học bổng hàng tháng”.
Còn ở huyện Hóc Môn, HS học TCCN không còn gặp trở ngại trong việc đi lại. “Hiện trên địa bàn huyện và các quận/ huyện lân cận có khá nhiều trường TCCN như TC Kinh tế kỹ thuật Hóc Môn, TC Vạn Tường, Ánh Sáng, Phương Đông… nên các em có thể chọn trường gần nhà để học, không còn lo lắng khi di chuyển đến các quận/huyện xa nữa”, ông Nguyễn Tấn Khiêm nói. Tại huyện Củ Chi, mặc dù chỉ có một trường đào tạo nghề thuộc hệ công lập, hai trường còn lại đều ngoài công lập nhưng ông Nguyễn Văn Nhanh cho hay: “Những trường này đều có các chính sách hỗ trợ HS đến trường khá tốt nên các em không còn nhiều lo lắng về việc đóng học phí”.
Bài, ảnh: Dương Bình
“HS ở vùng nông thôn thường có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Vì thế, các em có học lực trung bình, gia đình khó khăn nên học TCCN để có thể phụ giúp gia đình sớm, bởi sau 3 năm học, các em đã có bằng tốt nghiệp THPT và TCCN”, ông Lưu Đức Tiến, Phó trưởng phòng Giáo dục CN-ĐH (Sở GD-ĐT TP.HCM) cho biết. |
Bình luận (0)