Đàm thoại trong giờ học văn tại TTGDTX Tân Bình |
Phần văn học nước ngoài có nhiều tác phẩm xa lạ với học sinh nhưng không vì thế mà giáo viên bộ môn lại không giúp các em tiếp cận với những tri thức nhân loại quý báu này. Nhờ vận dụng các dạng đàm thoại (vấn đáp) mà giáo viên đã giúp học sinh hiểu kỹ, hiểu sâu bài học hơn.
Các dạng vấn đáp
Trong kỳ thi tuyển chọn giáo viên dạy giỏi cấp quận năm học 2008-2009, cô Nguyễn Thị Thanh Huyền – giáo viên TTGDTX quận Tân Bình đã đầu tư công sức để thi thố tài năng qua tiết dạy Hồi trống Cổ Thành tại lớp 10A5. Văn bản được trích từ tác phẩm bất hủ Tam quốc diễn nghĩa của nhà văn Trung Quốc La Quán Trung. Thế nhưng để giúp cho các em học viên BTVH hiểu được đặc trưng của tiểu thuyết chương hồi trong văn học Trung Quốc không phải là chuyện dễ.
Giáo viên đã dặn dò cả lớp khâu chuẩn bị bài mới nên các em không gặp lúng túng khi giáo viên đặt ra một số câu hỏi tái hiện: Qua phần chuẩn bị em hãy nêu những hiểu biết của mình về La Quán Trung? Em biết gì về tác phẩm Tam quốc diễn nghĩa? Phương pháp vấn đáp tìm tòi cũng được giáo viên vận dụng vào trong câu hỏi: Nêu giá trị của tác phẩm Tam quốc diễn nghĩa? Ở đây giáo viên phải hướng cho học sinh có câu trả lời đầy đủ hơn về giá trị nội dung mà cả giá trị nghệ thuật của tác phẩm (Phơi bày cục diện chính trị cát cứ phân tranh, chiến tranh liên miên làm cho nhân dân điêu linh, đói khổ. Câu chuyện được thể hiện qua hành động, ngôn ngữ nhân vật và có nhiều xung đột căng thẳng mang kịch tính). Một thao tác mà giáo viên không thể quên trong phần đọc hiểu là hướng dẫn học viên tìm hiểu một số từ cổ, xa lạ dựa theo chú thích trong SGK qua đàm thoại minh họa. Ở hoạt động 1, giáo viên đã nêu bật được cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của La Quán Trung. Dù các em có quên đi một số chi tiết nhưng phải đọng lại được một số ý cần ghi nhớ về La Quán Trung như thích ngao du sơn thủy, thích sưu tầm biên soạn dã sử, là người có công đóng góp xuất sắc cho trường phái tiểu thuyết lịch sử chương hồi. Hoàn cảnh sáng tác, vị trí đoạn trích cũng có những “điểm nhấn” để các em lưu giữ được lâu.
Sang hoạt động 2, vận dụng đàm thoại gợi mở giáo viên cùng học viên “xây dựng” nên một hình tượng Quan Công và Trương Phi có tính cách độ lượng, bao dung, giàu lòng trung nghĩa qua câu hỏi phát hiện. Nhưng để có được kết luận đó học viên phải tìm ra các chi tiết, sự kiện trong đoạn trích như thái độ của Quan Công khi nghe tin Trương Phi ở Cổ Thành, khi đối thoại với Trương Phi, chấp nhận thử thách của Trương đưa ra. Đặc biệt là chi tiết chém rơi đầu Sái Dương giữa 3 hồi trống có ý nghĩa lớn trong việc giải quyết mâu thuẫn giữa các nhân vật.
Lồng ghép thảo luận nhóm
Ngoài đàm thoại tìm tòi, phương pháp đàm thoại giải thích cũng rất cần thiết để giáo viên giúp các em có những nhận xét đúng về hai nhân vật Quan Công và Trương Phi trong tác phẩm. Khi nghe tin Quan Công đến Trương Phi đã vội mặc áo giáp, vác mâu lên ngựa, hò hét như sấm và chạy lại đâm Quan Công. Trong lúc Quan Công bình tĩnh xưng hô thân mật (hiền đệ, em, chú Ba) thì Trương Phi nói gay gắt, lỗ mãng (mày đã bội nghĩa, thằng phụ nghĩa). Phân tích các chi tiết đắt giá đó, học viên sẽ thấy Trương Phi là người nóng nảy, tính thẳng như tên bắn, đen trắng rõ ràng, không chấp nhận sự quanh co lắt léo. Cho rằng Quan Công lừa mình để nộp mạng cho giặc nên Trương Phi buộc tội người anh kết nghĩa. Khi Sái Dương xuất hiện, xung đột bắt đầu được đẩy lên đến đỉnh điểm. Có thể coi đây như một màn kịch mà mâu thuẫn mỗi lúc càng thêm gay gắt. Có ý kiến cho rằng nếu thời gian cho phép thì giáo viên có thể sử dụng phương pháp đóng vai trong đoạn này thì hiệu quả rất cao. Sức hấp dẫn của bài học sẽ đến với cả lớp khi giáo viên tìm ra được những xung đột giữa hai nhân vật và tình huống có tính thách thức mà Trương Phi đặt ra cho Quan Công (trong ba hồi trống phải chém được Sái Dương). Tưởng như mâu thuẫn sẽ được giải quyết sau khi Quan Công chém rớt đầu Sái Dương nhưng đến lúc đó Trương Phi vẫn chưa tin. Chi tiết này không chỉ làm cho câu chuyện có thêm kịch tính mà còn thể hiện rõ bản tính cẩn trọng của Trương. Mọi nghi ngờ của Trương Phi được giải tỏa khi nghe tên lính Tào kể đầu đuôi câu chuyện. Rõ ràng cách đặt tình huống và xử lý xung đột kịch của tác giả rất hợp tình và hợp lý, thuyết phục sâu sắc đến người đọc. Ấn tượng hơn hành động “rỏ nước mắt, sụp lạy Vân Trường” của Trương Phi đã toát lên phẩm chất cương trực, trung nghĩa của phong thái người anh hùng.
Phương pháp thảo luận nhóm được cô Thanh Huyền tổ chức vào cuối giờ học bằng câu hỏi: Nêu ý nghĩa của hồi trống Cổ Thành? Bằng cách này hay cách khác, các nhóm đã đưa ra ý kiến bàn thảo để hướng về chủ đề đoạn trích: Hồi trống vang lên là đầu giặc bị chém rụng xuống đất để người anh hùng được minh oan bằng chính tài năng. Tiếng trống tụ họp nghĩa tình, đưa lòng trung thực ra ánh sáng, nêu cao khí phách hào hùng. Tiếng trống còn thúc giục quân sĩ ra trận và đem về những chiến công vang dội.
Thầy Nguyễn Văn Dung nhận xét: “Giáo viên đi đúng trọng tâm bài giảng, biết kết hợp giữa phát vấn và diễn giảng, biết vận dụng linh hoạt các phương pháp dạy học tích cực (thảo luận nhóm). Tiết giảng không chỉ cuốn hút học viên bằng giọng nói rõ ràng, truyền cảm mà bằng những hình ảnh (nhân vật Trương Phi, Quan Công, bản đồ thời Tam quốc) được cô thu thập từ các phương tiện truyền thông đại chúng.
Phan Ngọc Quang
Bình luận (0)