Không chỉ cùng đạt 4 điểm 10, hai thủ khoa kỳ thi tốt nghiệp THPT tại TP.HCM năm nay còn là những đứa con ngoan, niềm tự hào của gia đình và bè bạn.
Nguyễn Thu Hà: Cô học sinh ngoan ngoãn
Nguyễn Thu Hà |
Nhỏ nhắn, hiền lành, đó là điều mà ai cũng dễ dàng nhận thấy khi tiếp xúc với Nguyễn Thu Hà, học sinh lớp 12C4 Trường THCS – THPT Nguyễn Khuyến. Thế nhưng, điểm số bài thi tốt nghiệp của Hà lại… không nhỏ chút nào: 4 điểm 10 cho các môn toán, hóa, tiếng Anh và địa lý; 9,5 điểm môn sinh và thấp nhất là môn văn – 9 điểm. Điều thú vị là trong khi rất nhiều học sinh bị điểm thấp ở môn địa lý thì Hà lại “ẵm” trọn điểm 10 từ môn thi tưởng như “khó nhằn” này. Trong số những câu trong đề thi, em thích nhất là câu 3.1 khi đề cập đến vấn đề tăng cường hợp tác giữa Việt Nam với các nước láng giềng trong việc giải quyết các vấn đề biển đảo. “Chủ quyền biển đảo đang là một trong những vấn đề “nóng” thời gian gần đây. Ngoài việc nêu lên ý nghĩa trong vấn đề hợp tác, em còn nói thêm những suy nghĩ của mình về vấn đề biển đảo và khẳng định: Việc hợp tác sẽ giúp đất nước ta có thêm sức mạnh để chống lại các thế lực thù địch đang dòm ngó vùng biển”, Hà nhớ lại. Ngoài ra, Hà cũng cho biết em học dàn trải tất cả kiến thức các môn thi chứ không học “tủ” hay học “lệch” phần nào. Ngoài giờ lên lớp, em cũng dành phần lớn thời gian cho việc tự học, tự ôn tập để bổ sung những kiến thức còn thiếu.
Ít ai biết rằng, đằng sau vẻ ngoan hiền của cô học trò nhỏ này là nỗi mất mát, thiệt thòi khi thiếu vắng bàn tay chăm sóc của cha. Cha mất lúc em 2 tuổi, một mình mẹ vừa phải làm tốt vai trò người mẹ, vừa phải gánh vác trách nhiệm của một người cha. 12 tuổi, Hà và chị gái bắt đầu rời quê Bình Dương để lên TP.HCM học tập. Xa gia đình, hai chị em tự bảo ban nhau phấn đấu học tập thật giỏi, rèn luyện tính tự lập để mẹ không phải lo lắng quá nhiều. Nhiều năm liền, Hà và chị gái đều đạt danh hiệu học sinh giỏi với số điểm tổng kết rất cao, được bạn bè và thầy cô quý mến. Ngày thi tốt nghiệp THPT, em tự nhủ phải cố gắng hết sức ở tất cả các môn. Lúc nghe em thông báo kết quả thi, mẹ đã không thốt nên lời khi “cây đã bắt đầu cho ra những trái ngọt đầu mùa”. Dù chặng đường phía trước vẫn còn nhiều gập ghềnh nhưng Hà vẫn luôn dặn lòng phải tiếp tục phấn đấu để trở thành cô sinh viên ngành tài chính ngân hàng hoặc theo học ngành luật để trở thành niềm tự hào của mẹ.
Trương Trọng Tín: Chàng thủ khoa bản lĩnh
Trương Trọng Tín
|
Cũng hiền lành, nhưng không kém phần lém lỉnh – đó là tính cách của Trương Trọng Tín, học sinh lớp 12 chuyên hóa Trường Phổ thông Năng khiếu (ĐHQG TP.HCM). Học hết THCS, chàng trai này đã có một quyết định táo bạo và có thể coi là bước ngoặt đầu tiên trong cuộc đời: Từ TP.Mỹ Tho (Tiền Giang) lên TP.HCM để thi vào Trường Phổ thông Năng khiếu. “Ban đầu, quyết định này cũng vấp phải sự phản đối của mọi người vì em là con một, lại chưa từng sống xa gia đình bao giờ nên ba mẹ có phần lo lắng. Nhưng sau khi nghe em phân tích những thuận lợi cũng như cơ hội khi học tập tại TP.HCM thì ba mẹ đã hoàn toàn bị thuyết phục và đồng ý với suy nghĩ của con mình”, Tín cho biết.
Quyết định “dứt áo ra đi”, Tín phải đương đầu với nhiều thử thách mới. Từ chỗ là một chàng “công tử bột” chưa bao giờ động tay, động chân vào bất cứ công việc nào thì nay Tín phải tự mình thích ứng với mọi thứ xung quanh từ giặt giũ, nấu nướng, đi lại… Phải mất 4 tháng sau, em mới bắt kịp với nhịp sống đô thị ồn ào, náo nhiệt. Sau 3 năm sinh sống, giờ đây Tín đã thật sự trưởng thành với nhiều tài vặt “bỏ túi” như nấu ăn, chơi đàn…
Là học sinh chuyên hóa nhưng Tín lại không phải là “gà chọi” khi học đều tất cả các môn với điểm tổng kết luôn trên 9,0. 4 điểm 10 ở các môn toán, hóa, sinh, tiếng Anh; điểm 9 môn văn và 9,5 điểm môn địa lý là sự khẳng định cho điều đó. Tín cho rằng, bản thân em học tốt môn hóa nên có lợi thế ở các môn tự nhiên. Còn riêng các môn xã hội thì dù không phải là “sở trường” nhưng chỉ cần chịu khó học kỹ và nghiên cứu thêm thì sẽ học tốt. Nói về đề thi tốt nghiệp THPT môn văn, Tín cho biết ban đầu cũng bỡ ngỡ khi đọc tới câu nghị luận xã hội. “Thông thường câu này chỉ ra về một hiện tượng xã hội nên khi đề thi ra về một nhân vật cụ thể thì em hơi bối rối. Nhưng sau đó, em đã nhanh chóng vận dụng kiến thức đã học về dạng văn nghị luận xã hội, kết hợp thêm những hiểu biết, suy nghĩ của mình về nhân vật và sự định hướng bản thân vào bài làm”, Tín nhớ lại. Sắp tới, em sẽ thi vào Trường ĐH Y dược TP.HCM để thực hiện ước mơ trở thành một bác sĩ đa khoa mẫu mực, đem kiến thức cứu chữa bệnh nhân nghèo.
Bài, ảnh: Linh Vy
Bình luận (0)