Thay vì được đến trường, bạn nữ người dân tộc thiểu số này phải làm đồ thổ cẩm bán cho du khách tại một điểm du lịch. Việc chú trọng đào tạo nguồn nhân lực rất được chú ý đối với vấn đề giảm nghèo nói chung cho cộng đồng dân tộc thiểu số |
Sinh viên dân tộc thiểu số đã được các doanh nhân chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp tại tọa đàm “Giảm nghèo trong cộng đồng dân tộc thiểu số: Động lực từ doanh nhân trẻ” do Viện Liên kết và Trao đổi quốc tế Trí Việt (Trường ĐH Tôn Đức Thắng) và Ngân hàng thế giới vừa tổ chức.
“Đầu mối” để khởi nghiệp
Bạn Lý Văn Ton (dân tộc Chăm, sinh viên năm 4 Khoa Văn hóa học, Trường ĐH Văn hóa TP.HCM) đặt vấn đề: Băn khoăn chung của tất cả sinh viên, nhất là sinh viên dân tộc thiểu số chuẩn bị ra trường như em chính là làm cách nào để khởi nghiệp thành công.
Doanh nhân Đặng Lê Nguyên Vũ (Chủ tịch Tập đoàn Cà phê Trung Nguyên) “mách nhỏ”: Đối với các em khi khởi nghiệp, niềm tin là hết sức quan trọng. Trước tiên, các em cần tin rằng mình làm được, khát khao làm và nuôi dưỡng ý chí thực hiện nguyện vọng, mong muốn đó. “Khi đã có khát khao rồi, sinh viên cần xác định xem mình giỏi nhất, mạnh nhất ở điểm nào để tìm kiếm ý tưởng từ lĩnh vực đó. Kế đến, các em cần lên kế hoạch thực hiện, hướng đến tính khả thi cao và hiệu quả”, ông Vũ mô tả sơ lược các bước quan trọng. Cũng theo ông Vũ, sinh viên hiện nay có nhiều thuận lợi đối với khởi nghiệp hơn các thế hệ đi trước, từ việc tham gia các diễn đàn, tọa đàm để lĩnh hội, học hỏi kinh nghiệm đến môi trường, điều kiện hiện thực hóa ý tưởng.
Thực tế, không ít sinh viên dân tộc thiểu số khi ra trường không định hướng được con đường mình đi. Một cựu sinh viên dân tộc thiểu số ở Cao Bằng nêu thực tế, sinh viên trước ngưỡng cửa tốt nghiệp ĐH thường lưỡng lự khi trở về phục vụ địa phương do sợ môi trường làm việc thiếu năng động, khó phát triển tay nghề, lương thấp. Các em cũng không chắc chắn việc ở lại “thử sức” với môi trường làm việc hấp dẫn ở các thành phố lớn có phải là lựa chọn thiết thực nhất không. Cũng theo sinh viên này, điều cốt lõi là do sinh viên ngay từ môi trường ĐH đã thiếu một định hướng rõ ràng cho chính mình. Trong điều kiện các tổ chức Đoàn, Hội trong trường không đủ sức “vươn” đến từng sinh viên, để các em không “lạc lối”; do đó, cựu sinh viên này đặt vấn đề cần thành lập một tổ chức, cộng đồng rõ ràng dành cho sinh viên dân tộc thiểu số. Nơi đây, những băn khoăn, lo lắng về vấn đề khởi nghiệp, học tập, sống và việc làm của sinh viên dân tộc thiểu số sẽ được “giải tỏa” cặn kẽ.
PGS.TS Thành Phần (Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam Đông Nam Á – ĐH Quốc gia TP.HCM) cũng đồng quan điểm, bên cạnh hành lang pháp lý hỗ trợ, sinh viên dân tộc thiểu số cần có một tổ chức tự thành lập, tự vận hành để liên hệ khi tốt nghiệp, khởi nghiệp và nhiều vấn đề liên quan khác. PGS.TS Thành Phần còn nhấn mạnh, sinh viên dân tộc thiểu số khởi nghiệp tại thành phố lớn hay trở về địa phương, nơi nào cũng có thể cống hiến. Điều quan trọng chính là phải yêu văn hóa dân tộc, tự hào và khát khao đưa văn hóa dân tộc phát triển.
Chú trọng đầu tư “con người”
Thống kê từ Ban tổ chức tọa đàm, dù việc xóa đói giảm nghèo trong các cộng đồng dân tộc thiểu số ở nước ta thời gian qua đã đạt được những kết quả nhất định, thế nhưng đến giai đoạn 2010-2012, vẫn còn khoảng một nửa đồng bào dân tộc thiểu số sống dưới mức tối thiểu. Chưa hết, giữa các cộng đồng dân tộc thiểu số cũng có những khác biệt về điều kiện và thách thức, một số cộng đồng đói nghèo cao hơn nhóm khác…
Nguyên nhân được chỉ ra chủ yếu là cộng đồng dân tộc thiểu số có khả năng thích nghi thấp với sự thay đổi trong phương thức sản xuất, cơ chế thị trường; thiếu đất đai, hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp thấp; cách kiếm sống còn hạn hẹp, dễ tác động, sử dụng tài nguyên thiếu bền vững, có sự phân cách về mặt địa lý, văn hóa, ngôn ngữ…
Thế nhưng, việc giảm nghèo cho cộng đồng dân tộc thiểu số không chỉ nằm ở việc đầu tư kinh phí, cơ sở vật chất mà quan trọng nhất ở tiềm lực con người. PGS.TS Thành Phần cho rằng tiền bạc, cơ sở vật chất cần được đầu tư đúng thời điểm và phải phù hợp phong tục tập quán mỗi dân tộc mới đem lại hiệu quả. Bởi mỗi dân tộc có phong tục tập quán, lối sống riêng, việc đầu tư tài chính và cơ sở vật chất dù hiện đại tới đâu mà không phù hợp phong tục tập quán của họ thì hiệu quả giảm nghèo cũng không bền vững.
Trên hết, các đại biểu đều nhấn mạnh việc chú trọng đầu tư vào đào tạo nguồn nhân lực, điều này giữ vai trò mấu chốt trong việc giảm nghèo. Hiện nay, nhiều sinh viên dân tộc thiểu số tốt nghiệp chưa khẳng định được hình ảnh, năng lực trước nhà tuyển dụng, một phần do các em thiếu tự tin, một phần nằm ở quan niệm cho rằng, sinh viên dân tộc thiểu số được học và tốt nghiệp nhờ vào… ưu tiên từ chính sách của Nhà nước.
“Chính các sinh viên dân tộc thiểu số cần cố gắng, nỗ lực và tự tin hơn nữa để thể hiện khả năng, góp phần thay đổi quan niệm này, sâu xa hơn, tạo những bước phát triển cho chính dân tộc mình”, PGS.TS Thành Phần khuyến khích.
Bài, ảnh: M.Tâm
Bình luận (0)