Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Quấy rối tình dục trẻ em – thủ phạm “giấu mặt”: Kỳ cuối: Cần cung cấp kiến thức giới tính cho trẻ

Tạp Chí Giáo Dục

Học sinh đang được giáo viên tư vấn tâm lý (ảnh minh họa). Ảnh: Anh Khôi
Không giống như các hình thức xâm hại khác, đối tượng quấy rối tình dục (QRTD) thường có những đặc điểm mà trẻ dễ bị ngộ nhận và cuốn theo hành vi này nếu không được người lớn phát hiện và bảo vệ.
Đối tượng quấy rối có thể là nam hoặc nữ
Đối tượng QRTD rất đa dạng, có thể xuất hiện và thực hiện hành vi mọi lúc, mọi nơi. Theo nhận định của một số chuyên gia tư vấn tâm lý, những kẻ QRTD dù là nam hay nữ đều biết khá rõ tâm lý của các nạn nhân ở độ tuổi vị thành niên. Chúng hiểu các em cần gì, muốn gì và sẽ phản ứng thế nào nếu bị quấy rối. Đối với các nạn nhân còn nhỏ tuổi, chúng thường dùng “mồi nhử” là những vật dụng trẻ đang cần hoặc dễ bị hấp dẫn như cho tiền, đồ chơi, dắt đi ăn uống, xem phim… Khi đã quen thân, chúng sẽ lợi dụng sơ hở của các em để thực hiện hành vi thăm dò và quấy rối. Và khi đã trở thành thói quen, trẻ sẽ khó mà dừng lại hoặc nếu muốn dừng sẽ bị các đối tượng hăm dọa bằng những clip, hình ảnh đã ghi lại. Tâm lý sợ bị trả thù khiến các em hoảng sợ, không dám từ chối và phải thực hiện theo các yêu cầu của kẻ quấy rối. Thậm chí, có kẻ quấy rối còn lợi dụng tâm lý tuổi mới lớn thích nói chuyện về đề tài tình yêu để từng bước tấn công các em. Một HS nữ hiện đang học lớp 8 ở quận Thủ Đức tìm đến chuyên gia tư vấn với tâm trạng rất bối rối, lo lắng và không biết phải làm gì khi gia sư dạy kèm tại nhà em có những biểu hiện kỳ lạ. Gia sư là sinh viên năm cuối một trường ĐH và đã dạy kèm em được 2 năm. Thời gian gần đây, thầy thường nói chuyện tình yêu và có những biểu hiện bất thường như vuốt ve, nhìn em với ánh mắt rất lạ khiến em rơi vào trạng thái lo ngại: Biểu hiện đó là gì? Liệu thầy có làm gì với mình không? Có nên nói chuyện này cho mẹ biết hay không?…
Chuyên gia tư vấn Đỗ Văn Sự nhìn nhận: Trường hợp như gia sư của em nữ sinh nói trên là những biểu hiện của QRTD. Những đối tượng QRTD các em ở độ tuổi mới lớn đa số đều có mối quan hệ quen biết với gia đình nạn nhân. Đó có thể là một người hàng xóm, một người bán hàng rong, bạn bè của bố mẹ, thầy cô, anh em… Thông thường, những đối tượng này sẽ có một “vỏ bọc” khá chắc chắn khiến cả nạn nhân lẫn người thân thường ít khi có tâm lý đề phòng nên càng dễ dàng rơi vào cái bẫy mà họ đặt ra. Bản thân người viết từng trò chuyện với một nữ sinh hiện đang học tại một trường THPT trên địa bàn TP.HCM khi em băn khoăn về việc bị một người có mối quan hệ bạn bè với mẹ mình làm những việc “không bình thường” lúc em mới 8 tuổi, khi mẹ em vắng nhà. Sau nhiều lần đưa tay vào vùng kín của em, gã tìm cách xâm hại em với lý do “làm thế để cho em chóng lớn”. Tuy nhiên, vì chỗ kín của em quá nhỏ nên gã không thể thực hiện được hành vi đồi bại của mình. Gã dặn em im lặng. Em làm theo nhưng vẫn không khỏi băn khoăn không biết liệu mình có còn trinh trắng hay không? Mình có phải là đứa con gái hư hỏng không?
Đừng để trẻ lặng im
Thông thường, khi bị QRTD, trẻ thường lựa chọn cách phản ứng tự vệ chủ yếu mang tính thụ động như im lặng, bỏ chạy, khóc hoặc giả làm ngơ… Điều này sẽ tạo cơ hội cho kẻ quấy rối trẻ tiếp tục thực hiện hành vi trong những lần tiếp theo hoặc khiến trẻ mang nỗi ám ảnh, trầm cảm sau mỗi sự việc. Theo Chuyên gia tư vấn Nguyễn Thị Minh Thủy (Trung tâm Đào tạo & Ứng dụng khoa học tâm lý Hồn Việt), phụ huynh không nên để trẻ lặng im trước tất cả sự việc. Để trẻ có thể thoải mái tâm sự, mỗi phụ huynh nên là một người bạn lớn, luôn trò chuyện thân mật, cởi mở và tạo sự tin tưởng để trẻ có thể chia sẻ những bí mật, những vấn đề không thể nói với bất kỳ ai. Điều này cũng sẽ có lợi cho các bậc phụ huynh trong việc hiểu con mình cũng như phát hiện những biến đổi về tâm sinh lý của trẻ ở giai đoạn đang trưởng thành. Một dấu hiệu dễ nhận thấy ở các vụ quấy rối là những vết lạ trên cơ thể trẻ, thái độ thay đổi đột ngột của trẻ. Khi có những biểu hiện này, phụ huynh cần tích cực quan tâm đến trẻ nhiều hơn để kịp thời ngăn chặn những nguồn cơn của các vụ việc quấy rối.
Để có thể ngăn chặn tình trạng QRTD ở lứa tuổi vị thành niên, phụ huynh và nhà trường cần cung cấp kiến thức cơ bản cho trẻ về giới tính, giúp trẻ nhận thức được rằng thân thể là “tài sản riêng” của mình, không ai được phép xâm phạm, bất cứ ai khi đụng chạm đến “vùng kín” đều là quấy rối. Khi đã ý thức được điều này, trẻ sẽ có phản ứng tích cực hơn khi ai đó có những biểu hiện về quấy rối. Các bậc phụ huynh cũng nhắc trẻ tránh những khu vực tối, ít người qua lại và giám hộ trẻ mỗi khi tiếp xúc với người khác. Bằng chính sự quan tâm, yêu thương và lo lắng, phụ huynh sẽ sớm nhận ra những sự thay đổi dù là nhỏ nhất ở con em mình để có thể giúp đỡ trẻ một cách kịp thời.
Ngọc Anh
Nhiều cách QRTD
Không giống như đối tượng xâm hại tình dục thường lựa chọn những nơi rất vắng vẻ để hành động, đối tượng QRTD có thể thực hiện công khai tại những nơi công cộng có rất nhiều người qua lại như hồ bơi, tiệm internet, xe buýt, khu vui chơi… Trong số những khu vực này, hồ bơi tưởng chừng như là nơi an toàn để các em vui chơi trong các ngày nắng nóng lại là nơi có mật độ “yêu râu xanh” cao nhất. Chúng thỏa mãn dục vọng của mình từ việc nhìn soi mói thân thể mới lớn của các em (còn gọi là thị dục) cho đến việc tiếp cận để sàm sỡ, vuốt ve. Một hình thức quấy rối khác vẫn thường xuyên xảy ra nhưng ít ai ngờ tới đó là sử dụng các thiết bị công nghệ cao như máy tính, điện thoại, iPad để gửi các đường link, trang wed, trò chơi, clip nhạy cảm. Với bản tính tò mò của tuổi mới lớn, trẻ dễ bị cuốn vào những “trò chơi người lớn” và khó lòng dứt ra nếu không có sự phát hiện kịp thời của người thân.
 
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)