Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Thi ĐH, CĐ 2013: Tỷ lệ “chọi” không đáng lo ngại

Tạp Chí Giáo Dục

Giám thị kiểm tra giấy báo thi của thí sinh trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ 2012. Ảnh: M.Tâm
Nhiều thí sinh quan tâm đến tỷ lệ “chọi” ở các trường ĐH, CĐ để nộp hồ sơ. Tuy nhiên, theo các chuyên gia giáo dục, tỷ lệ “chọi” cao hay thấp không phải là vấn đề quyết định thí sinh đó có được tấm vé vào ĐH hay không.
Tỷ lệ “chọi” thấp – đầu vào cao
Những năm gần đây, số lượng thí sinh đăng ký vào ĐH Ngoại thương, Học viện Ngân hàng, Học viện Tài chính, ĐH Y Hà Nội… thường chỉ xấp xỉ con số 10.000. So với các trường như ĐH Nông nghiệp Hà Nội, ĐH Công nghiệp Hà Nội thì con số này chẳng thấm vào đâu. Thế nhưng điểm chuẩn đầu vào của những trường này lại không hề thấp. Để vào được khoa bác sĩ đa khoa hoặc bác sĩ răng hàm mặt, các thí sinh phải được 3 điểm… 9 trở lên thì mới có cơ may trúng tuyển. Cũng như thế, để vào được Khoa Kinh tế đối ngoại của ĐH Ngoại thương, các thí sinh phải có ít nhất 3 điểm… 8. Trong khi đó, nếu xét về tỷ lệ “chọi” thì ở những trường này thường chỉ là 1 “chọi” 2 hoặc đến 3 là cao.
Phân tích về vấn đề này, ông Bùi Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT), cho biết tỷ lệ “chọi” có trường cao vọt nhưng cũng có trường rất thấp, đó là chuyện bình thường. Mấy năm gần đây, một số trường tốp trung như ĐH Công nghiệp Hà Nội, ĐH Tài nguyên – Môi trường… thí sinh đăng ký rất đông, thường đây là những thí sinh chất lượng đại trà. Các trường tốp trên, số thí sinh đăng ký không đông nhưng chất lượng lại cao hơn. Còn việc tỷ lệ “chọi” có sự phân hóa rõ nét trong những năm gần đây có thể được lý giải bởi nhiều nguyên nhân. Thứ nhất là xu hướng lựa chọn ngành nghề, chọn trường đã có sự thay đổi. Không giống cách lựa chọn chủ yếu theo xu hướng thị trường, theo tâm lý đám đông trước đây, hiện thí sinh cân nhắc rất kỹ, đa số chọn ngành nghề hướng tới việc làm trong tương lai; cùng với đó, người học cũng quan tâm tới chất lượng và uy tín của ngành nghề và trường sẽ đăng ký dự thi. Thứ hai là nguyên nhân từ cơ cấu ngành nghề của các trường. Một số trường cơ cấu ngành nghề chưa hợp lý, không gắn được với nhu cầu của xã hội, không phản ứng kịp nhu cầu của thị trường. Ví dụ, trong hai năm 2012 và 2013, số thí sinh thi vào ngành kinh tế, quản lý, quản trị kinh doanh giảm 10% mỗi năm. Tuy nhiên, trong khi nhu cầu giảm sút thì vẫn còn rất nhiều trường chỉ tập trung vào các ngành nghề này, dẫn đến thí sinh đăng ký dự thi sụt giảm, đó là điều tất yếu. Cũng nói thêm, những năm gần đây, đặc biệt là năm 2013, lượng thí sinh chọn các ngành kỹ thuật, công nghệ có chiều hướng tăng, đây là tín hiệu đáng mừng. Một nguyên nhân khác liên quan tới sự quan tâm đầu tư phát triển chiều sâu của các nhà trường, điều này cũng quyết định đến việc thu hút thí sinh. Trên thực tế, có thí sinh thi đông là những trường quan tâm đến phát triển đội ngũ, cơ sở vật chất, đảm bảo môi trường sư phạm và môi trường đào tạo.
Tuy nhiên, một số chuyên gia giáo dục lại cho rằng, việc tỷ lệ “chọi” của các trường cao hay thấp chủ yếu do việc thí sinh tìm cơ hội đỗ vào các trường ĐH. Những trường tốp trên thường không phải là lựa chọn của đa số thí sinh vì họ biết khả năng của mình. Thực tế, số học sinh khá giỏi cũng chỉ chiếm khoảng 30% trong tổng số học sinh tốt nghiệp THPT. Do đó, chỉ những học sinh này mới dám và có nguyện vọng vào các trường tốp trên.
Cẩn thận với những ngành “nóng”
Công nghệ thông tin, tài chính ngân hàng đã từng một thời trở thành ngành “nóng” trong các mùa tuyển sinh ĐH, CĐ. Nó có sức nóng bởi nhu cầu của thị trường tăng cao. Tuy nhiên, cùng với sự suy thoái kinh tế, cùng với nhiều sự tác động khác, các ngành này đã “nguội”. Sự giảm nhiệt có thể nhìn thấy rõ khi số thí sinh đăng ký dự thi vào khối ngành kinh tế năm nay đã giảm hẳn. Theo số liệu thống kê của Bộ GD-ĐT, số lượng hồ sơ đăng ký dự thi vào nhóm ngành kinh tế năm nay đã giảm trên 10% so với năm 2012. Sự nóng lạnh của nhóm ngành này đã cho thấy một bài học lớn. Thứ nhất đó là sự điều tiết trong việc cho phép mở ngành học của Bộ GD-ĐT không có sự quản lý chặt chẽ. Điều này được thể hiện ở chỗ trường ĐH nào mới thành lập cũng có ngành kế toán hoặc tài chính ngân hàng dù là trường công hay trường tư. Rồi những trường đã thành lập, chưa có ngành này thì “chạy” xin mở cho bằng được. Thứ hai là chỉ tiêu hàng năm của những ngành này vẫn được tăng dần đều. Chính vì vậy mà trường nào cũng đào tạo kinh tế, kế toán, tài chính ngân hàng. Trong khi đó, nhu cầu của thị trường có giới hạn. Đó còn chưa kể không phải trường nào cũng đủ năng lực để đào tạo ngành này. Ngành công nghệ thông tin cũng trong tình trạng tương tự. Nhưng ngành này các trường đã có bài học nhãn tiền đó là mấy năm gần đây, nhiều trường không thể tuyển sinh. Và đó cũng là tương lai không xa của nhóm ngành kinh tế.
Nghiêm Huê
Không giống cách lựa chọn chủ yếu theo xu hướng thị trường, theo tâm lý đám đông trước đây, hiện thí sinh cân nhắc rất kỹ, đa số chọn ngành nghề hướng tới việc làm trong tương lai; cùng với đó, người học cũng quan tâm tới chất lượng và uy tín của ngành nghề và trường sẽ đăng ký dự thi. 
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)