Sự kiện giáo dụcTin tức

Đất Hà Nội mới “nhăm nhe” tăng giá

Tạp Chí Giáo Dục

Trung tâm môi giới nhà đất mọc lên nhan nhản...

Rục rịch tăng nhưng vắng khách

Tại khu vực ngoại thành Hà Đông như Phú Lương, Phú Lãm… mấy ngày hôm nay, các trung tâm môi giới mọc lên nhan nhản như: Đức Tín, Thu Lan, Mạnh Đức, Thành Đạt, Gia Hưng…

Theo lời quảng cáo của một trung tâm môi giới, khách hàng thích đất nào cũng có: đất nông nghiệp, phần trăm, đất ở…

Đất thổ cư ở đây rao bán giá chừng 11 triệu đồng/m2, đường ô tô vào được, giấy tờ sổ đỏ đàng hoàng. Ô tô không vào được giá 10 triệu đồng/m2. Trước khi sáp nhập về Hà Nội giá đất thổ cư ở đây chỉ từ 8 đến 9 triệu đồng/m2, như vậy giá đã bị đẩy lên 2 triệu/m2.

Đất nông nghiệp hiện cũng được rao bán với giá từ 6 đến 7 triệu đồng/m2, tuỳ từng vị trí, trước khi sáp nhập chỉ rao bán chừng 5 – 5,5 triệu đồng/m2.

Bà Thu Lan, chủ Trung tâm môi giới BĐS Thu Lan vừa mở cách đây 1 tuần, cho biết: “Mặc dù mới hợp nhất về Hà Nội, một số chủ bán đất đã ký gửi tại Trung tâm. Giá cũng rục rịch tăng từ 500.000 đến 1 triệu đồng/m2″.

Theo bà Lan, việc tăng này không đều. Có khá nhiều nhà đất vẫn ở mức giá cũ trước khi về Hà Nội được gửi ở Trung tâm. Lượng khách đến trung tâm tìm hiểu vài ngày hôm nay không tăng đáng kể. Lượng giao dịch thành công cũng ít.

Nhiều trung tâm chúng tôi có dịp ghé qua vẫn vắng khách như “chùa bà Đanh”…

Vài ngày nay, lượng khách tìm tới các văn phòng môi giới ở Hà Đông ở mức trung bình, dù giá đất dự án, các căn hộ tại các khu đô thị như Văn Quán, Văn Phú, An Khánh, TSQ… chưa có dấu hiệu tăng.

Các lô đất nền dự án tại các khu đô thị xung quanh trung tâm TP. Hà Đông hiện vẫn được chào bán với mức trung bình trên dưới 16 triệu đồng/m2.

Cụ thể giá đất tại khu đô thị Văn Quán hiện ở mức từ 15 – 18 triệu/m2; khu đô thị Văn Phú từ 15 – 16 triệu đồng/m2; Văn Khê rao bán từ 13 – 14 triệu đồng/m2…

Khó “sốt đất” trở lại

Theo nhận định của chủ Trung tâm môi giới BĐS Gia Hưng, gần khu đô thị mới Dương Nội, bất động sản ở khu vực này rất có thể cuối năm nay mới tăng. Và mức tăng sẽ được đẩy lên một mức mới, ít nhất cũng phải tương đương với mức giá một số khu vực ngoại thành “Hà Nội cũ”.

Cũng theo chủ trung tâm này cơn “sốt đất” trở lại thì hơi khó, nhiều khách tìm đến chỉ hỏi mua đất nông nghiệp hoặc đất ở xen khu dân cư…

Trao đổi với chúng tôi, ông Tạ Hữu Long, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư Xây dựng và Kinh doanh nhà Quảng Ninh (Chi nhánh Hà Nội), chủ đầu tư dự án Khu đô thị mới Văn Phú cho biết: “Khi sáp nhập về Hà Nội giá đất trong dự án của chúng tôi vẫn dao động từ 15 – 16 triệu đồng/m2, chưa có dấu hiệu tăng hay giảm”.

Ông Long nhận định: “Theo tôi thời gian tới giá bất động sản sẽ tăng lên một mức mới vì nhu cầu ngày càng tăng cao của người dân. Thêm vào đó Hà Đông sẽ trở thành một quận nội thành thì giá ít nhiều sẽ đẩy lên một mức tương đương với các quận nội thành hiện nay. Nhưng việc mua bán nhà đất sẽ có sự chọn lọc và hướng tới những người có nhu cầu thực sự… Xảy ra “cơn sốt” đất nữa là rất khó”

“Mua liều” và “sang tay” đất nông nghiệp

Chúng tôi vừa đỗ xe tại một quán nước ven đường liên xã Phú Lãm dò hỏi thông tin mua bán đất thì được anh Tuyến – chủ quán nước kiêm luôn cả môi giới cho biết: “Các chú đến đây là đúng địa chỉ rồi đấy. Một số người dân trong làng đang có ý định bán đất nhắn tôi nếu gặp khách thì dẫn vào…”.

Lấy lý do là muốn mua đất nông nghiệp, chúng tôi được anh Tuyến dẫn vào một khu làng thuộc xã Phú Lãm. Đến cánh đồng bạt ngàn lúa, nhà cửa cấp 4 xây chen lẫn ruộng lúa, ruộng rau, anh Tuyến nói: “Khu vực đằng xa kia là quy hoạch xây dựng khu đô thị đấy. Nếu có đất mà xây dựng ở đây, sau này tiện giao thông, chỉ mất chừng 4km là vào trung tâm Hà Đông. Còn một vài suất đất gần rìa làng, mấy hộ đang cần tiền rao bán…”.

Chúng tôi được anh Tuyến chỉ cho xem lô đất nông nghiệp 120m2 và 110m2. Cả hai lô của chủ đất là bà Hồng, được rao bán với giá 7 triệu đồng/m2, giấy tờ tay, nếu cần xác nhận của UBND xã thì cũng có…

Chúng tôi trả giá 6 triệu, chủ đất không bớt mà phàn nàn: “Nói thật với các chú, nhà bà cần tiền mới bán chứ giờ toàn là đất Hà Nội rồi! Các chú mua được ở đây thì tốt quá, sau này chẳng có đất mà mua. Vì khi các dự án xây dựng lên sẽ không có mức giá này nữa đâu”.

Quay sang xem một vài lô đất khác diện tích 45m2 đến 50m2, chủ đất cũng đòi 7 triệu/m2, giấy tờ tay. Vào trong làng, anh Tuyến đưa chúng tôi xem một lô đất thổ cư của ông Kính diện tích chừng 100m2, chủ đất có thể cắt đôi ra bán, giấy tờ đầy đủ, ô tô không vào được, giá rao bán cũng ở mức 10 triệu đồng/m2.

Qua khảo sát đất nông nghiệp xung quanh khu vực này, hầu như đã có chủ đất ở Hà Nội về mua từ trước nhưng nay vẫn “nằm im”, chưa tìm được khách chuyển nhượng được…

Theo một người dân địa phương thì các chủ đất ở Hà Nội “mua liều” đất nông nghiệp trước khi sáp nhập về Hà Nội với giá chỉ 3 – 4 triệu/m2 để chờ thời cơ mới chuyển nhượng.

Anh Công – người bạn quen cũ của chúng tôi dân địa phương vừa mua “liều” được một lô đất nông nghiệp ở Phú Lãm, chừng 80m2 kể: Mình cũng mua liều thôi, giá hơi cao, chừng 6,8 triệu đồng/m2, của người quen là chủ đất. Nếu không mua thì cũng chẳng có đất mà mua, đành chấp nhận vậy…

Trước đây đất nông nghiệp khu vực này, chưa có dự án giá rẻ lắm chỉ 1 – 2 triệu/m2, rồi đến hồi sốt đất cuối năm ngoái, thông tin về Hà Nội đã vọt lên 4 triệu, vừa rồi có thông tin quy hoạch mấy khu đô thị đã tăng vọt lên 6 – 7 triệu/m2, anh Công mua hy vọng sau này về Hà Nội giá sẽ ở mức khác…

“Giờ về Hà Nội thì sau này giá còn tăng nữa, lúc đó chuyển nhượng chưa muộn, còn mấy dự án quy hoạch khu đô thị chắc phải dăm năm nữa mới hình thành…” – một người dân địa phương cho chúng tôi biết như vậy.

Mặc dù đất nông nghiệp rao bán khá nhiều và có phần giá bị đẩy lên hơi cao, vì lấy cớ là đất Hà Nội rồi, nên tỷ lệ giao dịch thành công cũng chưa nhiều. Khi chúng tôi đi khảo sát có 2 vị khách cũng đến tìm hiểu các lô đất này, họ xem xong cũng lắc đầu, cho rằng hơi đắt so với hệ thống cơ sở hạ tầng…

Người có nhu cầu thực sự “vác” tiền đi không dám mua các loại đất nông nghiệp kiểu này, vì cho rằng “quá liều”. Nếu dính quy hoạch thì trắng tay như chơi. Bên cạnh đó, nếu mua mà xây nhà ở thì rất khó, chính quyền sẽ dẹp bỏ. Vì vậy, một số người trước đây chỉ “mua liều” chờ cơ hội chuyển sang tay chủ khác kiếm lời.

Theo N.Hiếu (VTC News)

Bình luận (0)