Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Một ngày làm thay đổi nhận thức

Tạp Chí Giáo Dục

Các em bốc dỡ vật liệu đưa vào đúng vị trí
Không phải là ngày dài chơi bời lêu lổng, không phải là những “cuốc” chơi game tới tận sáng, 20 thanh thiếu niên học tại một số trường THPT, Trung tâm GDTX trên địa bàn Q.8, TP.HCM đã được trải nghiệm cuộc sống bằng một ngày lao động chân tay như một người công nhân thực thụ.
Đây là một trong những hoạt động của chuỗi chương trình “Hành trình trải nghiệm cuộc sống” do Quận đoàn 8 dành cho những thanh thiếu niên chưa ngoan, chậm tiến trong địa bàn.
Làm người công nhân thực thụ
Ca làm việc bắt đầu từ 8 giờ sáng. 20 “công nhân” nhanh chóng được chia làm hai nhóm để nhận công việc được giao. Nơi làm việc của ngày hôm nay là một công ty in và sản xuất bao bì, mẫu quảng cáo bằng nhựa. Một nhóm được giao nhiệm vụ làm thành phẩm cho một chiếc quạt quảng cáo cầm tay. Mỗi bạn sẽ phải dùng tay để cài, bấm các nút trên cán quạt sao cho vừa khít, đúng với từng bề mặt của sản phẩm. Việc tưởng như đơn giản nhưng nhiều em vẫn không khỏi lúng túng khi mới bắt tay vào làm việc. Điều này cũng dễ hiểu thôi, bởi phần lớn các em đều chưa từng động tay, động chân đến công việc nhà chứ chưa nói đến những công việc lạ lẫm như thế này. Em Nguyễn Thị Kim Hà, HS lớp 11 Trường THPT Nguyễn Văn Linh, cho biết ba em làm việc trong ngành điện lạnh, còn mẹ nội trợ nên hai chị em hầu như chẳng phải làm bất cứ việc gì trong nhà. “Thỉnh thoảng em vẫn được phát cho những chiếc quạt quảng cáo như thế này. Nhưng hôm nay em mới được chứng kiến và thực hiện các thao tác hoàn thành cho một sản phẩm như vậy”, Kim Hà thích thú nói.
Một nhóm khác “to con” hơn được giao nhiệm vụ bốc dỡ vật liệu, sửa máy in. Những chiếc hộp nhanh chóng được xếp lên xe và di chuyển vào đúng vị trí cần thiết. Làm được một lúc, mồ hôi bắt đầu túa ra trên những gương mặt non nớt, ướt đầm đìa chiếc áo đang mặc. Vết dầu máy cũng in hằn những đường nét trên chiếc áo từng rất đẹp lúc ban đầu. Dẫu vậy, các em vẫn hăng hái, tận tình với công việc được giao, vẫn trò chuyện rôm rả dù chẳng em nào quen biết nhau từ trước đó.
11 giờ 30, đến giờ nghỉ, những chàng trai, cô gái “công nhân” chỉ có đúng 1 giờ để dành cho việc ăn uống, nghỉ ngơi. Và trong 1 giờ đó, các em lại lắng lòng lại khi nghe những câu chuyện cảm động về sự hi sinh cao cả của cha mẹ dành cho con cái, những bài học vấp váp trong buổi đầu làm người.
12 giờ 30, ca làm việc lại bắt đầu, những “anh chị công nhân” lại tiếp tục với công việc dở dang của mình trước đó. Nhìn các em làm việc, trò chuyện say sưa với nhau, ít ai biết rằng rất nhiều em trong số này đang nằm trong “diện quy hoạch” nhắc nhở, theo dõi của Quận đoàn về vấn đề đạo đức, rèn luyện. Cũng không ít em đã và đang bỏ học, là “gương mặt thân quen” tại các quán game hay địa điểm “nóng” về tệ nạn trên địa bàn Q.8. Ba mẹ các em từng phải khóc hờn, bất lực nhìn sự ngang ngược, khó bảo của con em mình.
Hiểu về giá trị cuộc sống

Cần mẫn làm việc như công nhân thực thụ
15 giờ 30 giờ, ca làm việc chính thức kết thúc. Các em được nhận tiền lương đúng với công sức mình bỏ ra trong một ngày. Nhận đồng tiền đầu tiên do chính tay mình làm ra, nhiều em đã xúc động không nói nên lời. “Đây là đồng tiền đầu tiên em kiếm được. Từ trước tới nay em chỉ ngửa tay xin tiền ba mẹ, không cho thì cằn nhằn, khó chịu chứ không hề biết tiền kiếm ra lại phải mất nhiều công sức thế này. Em mới làm một chút đã thấy mệt, trong khi những công nhân ở đây có thể tăng ca từ 12-16 tiếng/ngày”, Khánh Luân (20 tuổi) cho biết.
Cảm nhận được giá trị của sức lao động và quý trọng nó là điều mà em nào cũng nhận thức rõ sau một ngày làm việc. Các em chỉ có thể ngồi làm việc trong một ngày, nhưng trong số những công nhân làm cùng phân xưởng hôm đó sẽ có người gợi nhớ cho các em hình ảnh của những người cha, người mẹ đang gom góp từng đồng tiền ít ỏi để nuôi các em khôn lớn. Và một điều đáng nói là đằng sau sự cảm nhận đó còn là mảnh đất cho những suy nghĩ tích cực bắt đầu nhú mầm. Lê Thành Quân, cựu HS Trường THPT Lương Văn Can, quyết định sẽ đăng ký học ban đêm tại một trung tâm GDTX để nuôi ước mơ thi vào Trường ĐH Luật TP.HCM. “Vì một chút nông nổi, em đã bỏ học chơi bời suốt mấy năm nay. Trong khi làm việc, em phát hiện ra nhiều người dù làm công nhân nhưng rất lạc quan về tương lai. Em có điều kiện hơn họ nên phải phấn đấu hơn thế”. Còn Phan Thành Cường, hiện đang học lớp 11 Trung tâm GDTX Q.8, cũng khẳng định: Được học là một điều rất quý. Và em cũng sẽ thay đổi nhận thức, tích cực học tập hơn để trở thành một người công nhân có trình độ, có tay nghề vững vàng.
Bài, ảnh: Linh Vy
Nhìn các em làm việc, trò chuyện say sưa với nhau, ít ai biết rằng rất nhiều em trong số này đang nằm trong “diện quy hoạch” nhắc nhở, theo dõi của Quận đoàn về vấn đề đạo đức, rèn luyện.
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)