Phụ huynh cần hình thành ở trẻ thói quen học tập từ khi đang học lớp lá. Ảnh: Anh Khôi
|
Ở giai đoạn mẫu giáo, hoạt động chủ đạo của trẻ là vui chơi (học hát múa, kể chuyện…), cuối lớp lá thì bắt đầu làm quen với mặt chữ, tô chữ…; đến giai đoạn tiểu học, hoạt động chủ đạo là học tập. Ở giai đoạn tiểu học, trẻ cần thực hiện nhiệm vụ học tập – đặt ra yêu cầu cao hơn so với giai đoạn mẫu giáo.
Nếu trẻ không có thời gian tập thích nghi sẽ khó thực hiện các nhiệm vụ mà hoạt động học tập ở lớp đặt ra một cách thuận tiện, dễ dàng. Vì vậy, các bậc phụ huynh cần cùng trẻ hình thành thói quen học tập, làm quen với việc học từ khi đang học lớp lá.
1. Buổi tối phụ huynh có thể cùng trẻ tập nhận mặt chữ, điều chỉnh cách cầm bút với thời gian ngắn để các em làm quen dần với việc học, từ đó hình thành thói quen tốt. Phụ huynh không nên yêu cầu trẻ ngồi học với thời gian quá lâu, tránh nôn nóng, quát mắng, tạo áp lực cho trẻ dẫn đến tâm lý lo sợ, mất hứng thú với việc học. Đồng thời, tùy theo khả năng tiếp thu của từng trẻ mà phụ huynh tìm ra phương pháp, cách thức tác động, kích thích trí tuệ phù hợp, như khen ngợi để các em có niềm tin và hứng thú học tập tốt hơn.
Khi chính thức bước vào lớp 1, nhiều trẻ gặp khó khăn với việc học, xuất hiện tâm lý ngại đi học… đây là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến kết quả không tốt trong học tập của các em. Do đó, phụ huynh cần tìm ra phương pháp hỗ trợ, hướng dẫn thích hợp, tránh phó mặc cho nhà trường. Như vậy việc học của trẻ mới diễn ra một cách chủ động và hiệu quả.
2. Phụ huynh có thể khơi dậy sự ham học hỏi ở trẻ. Cụ thể, trẻ 3-5 tuổi thường hay đặt câu hỏi: “Tại sao?”, “Đây là cái gì?”… Đứng trước các câu hỏi của trẻ, nhiều khi do bận rộn hay tâm trạng không thoải mái, người lớn hay bực bội, quát mắng. Tuy nhiên, những câu hỏi này là bằng chứng cho thấy sự ham học hỏi điều mới của trẻ, vì thế phụ huynh nên kiên nhẫn giải thích bằng những ngôn từ dễ hiểu, tránh trả lời qua loa, hay nói không biết để trẻ không hỏi nữa. Đặc biệt, phụ huynh không nên coi nhẹ sự giáo dục ngay từ khi trẻ còn nhỏ bằng cách thường xuyên cho đi khu vui chơi, tham quan bảo tàng… Bên cạnh đó, phụ huynh cần nêu một tấm gương cho trẻ trong học tập để các em hiểu rằng học tập là nghĩa vụ của tất cả mọi người; chỉ cho trẻ hiểu rằng việc học tập bây giờ có liên quan đến tương lai sau này. Ngoài ra, phụ huynh cũng có thể kể cho trẻ nghe về những kinh nghiệm của bản thân, như thế các em sẽ học một cách tự nguyện và ham thích hơn. Tuy nhiên, phụ huynh cần phải giúp trẻ loại bỏ những gánh nặng về tư tưởng. Cụ thể, trước khi đến tuổi đi học, phụ huynh bỏ mặc và không nuôi dưỡng sự hứng thú đối với học tập của trẻ. Khi trẻ đến tuổi đi học rồi, cha mẹ thay đổi hẳn thái độ, yêu cầu các em thực hiện lịch học kín cả ngày. Khi áp lực xảy ra đột ngột trẻ sẽ không kịp thích ứng, dẫn đến sợ học. Vì thế, cha mẹ nên chú ý dành cho trẻ một khoảng thời gian nhất định để thích nghi với việc học, tạo ra môi trường thoải mái và hứng thú học tập cho các em. Đặc biệt, khi trẻ gặp khó khăn trong học tập, phụ huynh kiên trì giúp tìm ra nguyên nhân và dạy trẻ những phương pháp khắc phục một cách khoa học và hiệu quả. Thứ năm, sắp xếp phù hợp thời gian học và chơi của trẻ. Nếu phụ huynh yêu cầu đi học trong lúc trẻ đang xem một chương trình ti vi ưa thích thì trẻ sẽ không vui, thậm chí có thái độ phản kháng, học sẽ không hiệu quả. Do đó, phụ huynh nên sắp xếp thời gian học phù hợp với đồng hồ sinh học của trẻ, với sinh hoạt trong gia đình, tạo thói quen ngồi vào bàn học đúng giờ, ưu tiên không gian yên tĩnh như sẽ không mở ti vi hoặc vặn nhỏ khi trẻ học vì các em thường ham chơi và dễ mất tập trung.
3. Phụ huynh có thể giúp trẻ nắm được những phương pháp học hiệu quả và khoa học, phù hợp với khả năng nhận thức của từng em.Có nhiều trẻ vì học quá vất vả mà dần trở nên ngại học, chán học. Do đó, cha mẹ nên kiên trì tìm ra nguyên nhân vì sao trẻ khó học, và dạy trẻ những phương pháp khắc phục, nhiều khi rất đơn giản khi trẻ nhầm hai chữ gần giống nhau, hay xếp nhầm dấu lớn hơn và bé hơn trong phép toán. Mỗi ngày cha mẹ cần dành thời gian cùng học với con, xem con vướng mắc ở chỗ nào, nhẹ nhàng dạy cho con biết cách khắc phục, tránh la mắng, quở trách… vì làm như vậy trẻ càng thiếu tự tin vào bản thân và việc học càng khó khăn, nặng nề hơn.
Phạm Thị Ngần (giảng viên tâm lý học)
Để con làm quen với việc học, biết cách học, hứng thú với việc học cần có sự đồng hành giữa tình yêu thương và phương pháp giáo dục phù hợp của cha mẹ. |
Bình luận (0)