Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Đùa trên mạng, hậu quả khó lường

Tạp Chí Giáo Dục

Ảnh: I.T
Facebook là mạng xã hội có rất nhiều tiện ích để mọi người trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm sống. Tuy nhiên, không ít “anh hùng bàn phím” đã lợi dụng mạng xã hội này để nói xấu, “ném đá”, tung ảnh “nóng”… nhằm xúc phạm danh dự người khác gây ra những hậu quả khôn lường.
Tự tử vì bị xúc phạm danh dự
Vừa qua, dư luận xôn xao, phẫn nộ trước sự việc nữ sinh N.T.C.L (Trường THPT Hai Bà Trưng, huyện Thạch Thất, Hà Nội) đã tự tử vì trò đùa trên mạng của một bạn học cùng lớp tên N.T.H. Nguyên nhân là do H. đã chụp ảnh chân dung L. rồi ghép mặt vào ảnh một cô gái mặc áo cổ rộng rồi đưa lên Facebook. Ngay khi bị tung ảnh lên, L. đã rất xấu hổ và viết lên trang cá nhân của mình là sẽ tự tử nếu H. không gỡ tấm ảnh. Chẳng những H. không thực hiện yêu cầu này mà nhiều người bạn khác còn vào “chém gió” ra vẻ thách thức. Hậu quả là sáng ngày 27-6, L. đã uống thuốc diệt cỏ để tự tử ngay thời điểm kỳ thi ĐH, CĐ sắp đến. Dù được gia đình phát hiện kịp thời đưa vào bệnh viện cấp cứu nhưng hai ngày sau em L. đã qua đời.
Trường hợp mới đây nhất là một nữ sinh ở Đà Nẵng tên P.U.N (học sinh Trường THPT Trần Phú) cũng tự tử do bị xúc phạm trên Facebook Bo mat that cua cac hot teen Da thanh. Em N. đã bị trang này dựng chuyện có con khi còn đang đi học, đến trường kênh kiệu, không hòa đồng… Cảm thấy uất ức vì bị bôi nhọ danh dự, N. đã dùng thuốc ngủ để tìm đến cái chết, may là gia đình kịp thời phát hiện và đưa em đến bệnh viện nên tình huống đáng tiếc không xảy ra.
Trên đây chỉ là bề nổi trong “tảng băng chìm” bởi các trường hợp dựng chuyện nói xấu người khác trên mạng xã hội vẫn còn rất nhiều. Ngay khi xảy ra sự việc hai nữ sinh tự tử, rất nhiều người đã vào các trang mạng chia sẻ nỗi bức xúc, một số bạn trẻ khác cũng bày tỏ tâm trạng của mình khi gặp tình huống tương tự như trên. Một nickname có tên Suzy Nguyen đã đăng một status trên Facebook Bo mat that cua cac hot teen Da thanh như sau: Mình cũng đã bị đem ra bêu riếu, mình cũng đã sốc, đã nghĩ đến những cách tiêu cực để kết thúc chuyện này nhưng may mắn là còn có bạn bè vẫn tin tưởng mình…
Theo ThS. Nguyễn Thị Trang Nhung – Chuyên viên tư vấn Tổng đài 1088 (Trung tâm Đào tạo và chăm sóc tinh thần Ý tưởng Việt): “Chết không phải là cách để giải quyết vấn đề. Nếu nghĩ cái chết của mình sẽ khiến “kẻ gây chuyện” phải ân hận, ăn năn trong cả phần đời còn lại thì đó là một cách nghĩ tiêu cực vì bạn đang phủ nhận công sinh thành của cha mẹ, phủ nhận những bữa cơm được đánh đổi từ mồ hôi, nước mắt và sự vất vả của cha mẹ để nuôi lớn bạn trong bao ngày. Do đó, điều đầu tiên các bạn trẻ cần được trang bị cũng như nên biến thành phương châm nằm lòng để tránh những cái chết đang tiếc là: Chết chưa bao giờ là cách giải quyết vấn đề”.
Hãy chia sẻ với người lớn
Theo nhiều chuyên viên tư vấn tâm lý, một trong những lý do chính dẫn đến vấn đề bạn trẻ bị sốc và tìm đến cái chết là do chưa được trang bị những kỹ năng cần thiết. Người đã mất thì gây tiếc thương vì nông cạn trong suy nghĩ, thiếu khả năng kiềm chế cảm xúc và kỹ năng giải quyết vấn đề cho bản thân mình. Còn người “gây ra chuyện” lại yếu và thiếu kỹ năng tôn trọng người khác, lấy việc bôi nhọ người khác là nguồn mua vui cho mình và một nhóm người khác.
ThS. Nguyễn Thị Thu Huyền – giảng viên Khoa Tâm lý giáo dục (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) – chia sẻ: “Con người ai cũng có lòng tự trọng, được mọi người tôn trọng là nhu cầu cao của con người nhưng khi bị người khác xúc phạm, bôi nhọ thì sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu này. Nhiều người cảm thấy không có cách nào để giữ lòng tự trọng nên dùng cái chết để chứng minh sự trong sạch của mình. Điều này là do kỹ năng kiểm soát cảm xúc, giải quyết vấn đề của họ còn hạn chế”.
Bên cạnh việc trang bị kỹ năng kiềm chế cảm xúc cho mình, các chuyên viên tâm lý cũng cho rằng các bạn trẻ nên suy nghĩ tích cực hơn, tìm đến người lớn như cha mẹ, thầy cô để chia sẻ vì họ là những người có nhiều kinh nghiệm nên sẽ có nhiều cách để giải quyết vấn đề. “Nếu bạn cảm thấy bất lực trước việc ngăn chặn những lời nói xấu, những tấm ảnh chế mang tính xúc phạm danh dự, hãy nhờ đến sự giúp đỡ của thầy cô, cha mẹ vì rõ ràng, sự việc đã vượt ngoài tầm kiểm soát của bạn. Việc nhờ đến người lớn chẳng có gì là sai trái hay đáng xấu hổ, vì khi có sự can thiệp kịp thời này thì không chỉ vấn đề của bạn được giải quyết mà còn là sự chỉnh đốn kịp thời cho những người đang cố ý có hành vi xâm phạm đến bạn, tránh để sự việc diễn tiến theo hướng nguy hại hơn đến cả hai phía. Nếu gia đình, nhà trường cũng không kiểm soát được những hành vi bêu xấu, hạ thấp danh dự, nhân phẩm này thì các cơ quan chức năng (công an, báo chí…) cũng là nơi mà bạn có thể cầu viện sự giúp đỡ và đây là việc làm hoàn toàn chính đáng…”, ThS. Nguyễn Thị Trang Nhung nhắn nhủ.
Dương Bình
“Nhiều người cảm thấy không có cách nào để giữ lòng tự trọng khi bị bôi nhọ trên Facebook nên dùng cái chết để chứng minh sự trong sạch của mình. Điều này là do kỹ năng kiểm soát cảm xúc, giải quyết vấn đề của họ còn hạn chế”, ThS. Nguyễn Thị Thu Huyền – giảng viên Khoa Tâm lý giáo dục (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) – cho biết.
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)