HS tham dự ngày hội tại Trường TC Bách khoa Sài Gòn
|
Vừa qua, UBND huyện Củ Chi (TP.HCM) phối hợp với Trường TC Bách khoa Sài Gòn tổ chức Ngày hội “Xúc tiến việc làm và hướng nghiệp phân luồng học sinh sau THCS năm 2013”. Tham dự ngày hội có trên 700 HS THCS, THPT và các bậc phụ huynh.
Chọn ngã rẽ phù hợp
Cùng mẹ có mặt tại Trường TC Bách khoa Sài Gòn từ sớm, em Nguyễn Tấn Minh (HS lớp 9 Trường THCS Phước Thạnh) bối rối nói: “Em vừa tốt nghiệp THCS, theo phân tuyến em được vào học lớp 10 Trường THPT Quang Trung; tuy nhiên, em đang băn khoăn có nên tiếp tục theo học lớp 10 hay không? Vì thực tế, học lực của em chỉ ở mức trung bình”. Tương tự, một nữ sinh chia sẻ: “Năm nay, em vào học lớp 10 Trường THPT Trung Phú. Nhưng do hoàn cảnh gia đình khó khăn, ba mới mất vì bệnh, một mình mẹ phải làm đủ thứ việc để lo cho em và hai đứa em nữa cắp sách tới trường nên em đang lưỡng lự: Nếu học tiếp, gánh nặng tiền bạc sẽ càng đè lên vai mẹ. Thật sự em không biết tính sao?”.
Trong khi đó, một nam sinh lại có tâm sự khác khi đặt câu hỏi với Ban tư vấn: “Gia đình em không khó khăn về kinh tế, cha mẹ luôn động viên em học và học. Nhiều khi em rất mệt mỏi, muốn bỏ nhà đi, vì em bị “đuối” thực sự trong việc học. Trong khi đó, sở thích của em là học ngành công nghệ thông tin, em chỉ muốn học ngắn ngày rồi ra mở tiệm sửa chữa máy tính. Ba mẹ dứt khoát không chịu, nói thẳng: Không học được THPT để thi vào ĐH thì đi đâu thì đi, ba mẹ không chịu trách nhiệm”.
Trả lời câu hỏi này, ThS. Dương Thành Phết – Phó hiệu trưởng Trường TC Bách khoa Sài Gòn – động viên: “Nhận thức ra năng lực thực sự của mình là việc không phải em HS nào cũng làm được. Riêng với em, không những nhận thức ra được một phần học lực, em còn dám nói lên sở thích thực sự của mình, rất tốt và đáng khen. Em hãy mạnh dạn đăng kí học TCCN đúng theo nghề mà em thích. Vì chỉ thích mới có đam mê và tôi tin chắc rằng em sẽ học được ngành công nghệ thông tin, dù chỉ là hệ TCCN”. Cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Thanh Bình – Giám đốc điều hành Bệnh viện Phụ sản Âu Cơ Sài Gòn – Biên Hòa – chia sẻ: “Năm 2012, sau khi khánh thành bệnh viện, chúng tôi tuyển dụng trên 200 nhân viên điều dưỡng và hộ sinh, trong khi hồ sơ dự tuyển trên 1.000 bộ nhưng kết quả tuyển dụng chỉ đạt gần 100 nhân viên. Rất nhiều ứng viên có học vị cao (thạc sĩ hoặc cử nhân) nhưng lại thiếu kỹ năng mềm. Làm việc tại bệnh viện, hàng ngày tiếp xúc với bệnh nhân và người thân của họ, người điều dưỡng hoặc hộ sinh thiếu kỹ năng mềm thì không thể làm được. Trong khi gần 100 nhân viên chúng tôi tuyển được thì có khoảng 60% là tốt nghiệp hệ TCCN. Chúng tôi không quan trọng bằng cấp, mà điều chúng tôi mong muốn là kỹ năng mềm thì đa số các ứng viên tốt nghiệp hệ TCCN hoặc sơ cấp lại đạt được”.
Yên tâm khi lựa chọn học nghề
Ông Trần Anh Tuấn – Phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhân lực và thị trường lao động TP.HCM (Sở LĐ-TB&XH TP) – lưu ý: “Trong một khảo sát mới đây ở TP.HCM, nhiều phụ huynh trả lời là chưa hề biết trường TCCN tuyển HS tốt nghiệp THCS; ngành nghề và thời gian đào tạo; nhu cầu việc làm…”. Ông Ngô Đình Đức – Tổng giám đốc Tập đoàn Le & Associates (tập đoàn cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao cho các công ty, doanh nghiệp tại thị trường Việt Nam và thế giới) – cũng lưu ý: “Hiện nay trên địa bàn TP.HCM và cả nước, nhu cầu tuyển dụng thợ lành nghề rất cao, nếu các em khác xác định học TCCN để bước vào đời thì hãy yên tâm với sự lựa chọn của mình. Tất nhiên, dù học TCCN, ngoài việc học tốt chuyên ngành thì kỹ năng mềm là một trong những yếu tố quan trọng nhất giúp các em khi ra trường sẽ có việc làm ngay với mức thu nhập ổn định”.
Trong khi đó, TS. Châu Văn Dưỡng – Hiệu trưởng Trường TC Bách khoa Sài Gòn – nhấn mạnh: “Trường TC Bách khoa Sài Gòn sẽ đón nhận tất cả HS trên địa bàn huyện Củ Chi và các tỉnh lân cận nếu các em không muốn vào học lớp 10 hoặc không đủ điều kiện học lớp 10 hay HS lưu ban lớp 10. Các em đến trường để được tư vấn chọn nghề phù hợp với năng lực và hoàn cảnh gia đình. Chúng tôi có chính sách hỗ trợ 30% học phí và tạo điều kiện cho học viên thực hành thực tế, có việc làm bán thời gian. Ngoài ra, các em còn được nhà trường giới thiệu việc làm sau khi tốt nghiệp… Tuy tốt nghiệp hệ TC nhưng nhiều em dễ dàng tìm được việc làm ổn định với thu nhập cao (khoảng 3-10 triệu đồng/tháng) không thua gì cử nhân tốt nghiệp ĐH, CĐ”.
“Hướng nghiệp phân luồng HS là sự phân bổ, sắp xếp HS sau khi tốt nghiệp THCS hoặc THPT vào học tập, rèn luyện ở các cơ sở GD-ĐT, dạy nghề. Công tác hướng nghiệp phân luồng đạt hiệu quả khi tỷ lệ vào học từng loại hình, từng cấp độ đào tạo phù hợp điều kiện, năng lực của mỗi cá nhân và nhu cầu nguồn nhân lực của xã hội…”, ông Phạm Ngọc Thanh – Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM – cho biết.
Có thể nói, việc thực hiện công tác hướng nghiệp phân luồng HS hiệu quả, chính xác sẽ góp phần giải quyết tốt quy hoạch phát triển nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu lao động của nền kinh tế, thúc đẩy xã hội phát triển. Mỗi cá nhân được đào tạo ngành nghề phù hợp là điều kiện quan trọng, là tiền đề tốt đẹp cho việc lập thân, lập nghiệp, tạo dựng một tương lai tươi sáng.
Bài, ảnh: Huy Cận
Hướng nghiệp phân luồng HS sau THCS là sự phân bổ, sắp xếp HS đã tốt nghiệp THCS vào học ở các trường THPT (công lập, tư thục), trung tâm GDTX; các trường TC nghề, TCCN… |
Bình luận (0)