Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Ngành truyền thống với sức hút trở lại

Tạp Chí Giáo Dục

Thí sinh tranh luận về đề thi trong kỳ thi ĐH đợt 1 năm 2013. Ảnh: Anh Khôi

Kinh tế suy thoái, cùng với sự cảnh báo thừa nhân lực của Bộ GD-ĐT, mùa tuyển sinh năm nay đánh dấu sự quay trở lại của các ngành học truyền thống đối với các trường ĐH, CĐ.
Xây dựng, kinh tế giảm theo suy thoái
Ông Phạm Duy Hòa, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Xây dựng, cho biết từ trước đến nay ngành xây dựng dân dụng và công nghiệp của trường vẫn thu hút lượng lớn thí sinh (TS) đăng ký tham gia. Năm nay cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, do sự tác động của thị trường bất động sản trong nước, sức hút của trường đối với TS cũng không còn được như trước suy thoái kinh tế. So với mùa tuyển sinh năm 2012, năm nay trường có số lượng hồ sơ giảm 5.000 và số lượng TS đến dự thi giảm 3.000. Phân tích về vấn đề này, ông Hòa đưa ra hai nguyên nhân. Thứ nhất là do lĩnh vực xây dựng hai năm gần đây đã chững lại, mất sức hấp dẫn. Thứ hai là một số trường cũng mở ngành giống của trường nhưng điểm chuẩn lại thấp hơn rất nhiều. Ví dụ như ngành xây dựng dân dụng và công nghiệp, điểm chuẩn vào trường có thể là 21-22 điểm nhưng cũng ngành này ở trường khác chỉ 16 điểm. Ông Hòa cũng khẳng định không nhất thiết phải tuyển đủ chỉ tiêu.
Không chỉ có xây dựng mà nhóm ngành kinh tế, tài chính ngân hàng cũng không còn nóng đối với TS bởi sự cảnh báo về tình trạng dư thừa nhân lực. Học viện Ngân hàng năm nay cũng chỉ có trên 8.000 hồ sơ đăng ký dự thi, tỷ lệ dự thi đạt trên 60%. Còn ĐH Ngoại thương cũng đạt tỷ lệ TS dự thi rất thấp, 55%.
Sự hạ nhiệt của nhóm ngành xây dựng và kinh tế là tuân theo quy luật tất yếu. Nhất là nhóm ngành kinh tế, không phải năm nay mới bị ảnh hưởng mà từ năm 2012, TS đã bắt đầu có thái độ e dè khi chọn thi khối ngành này. Chính vì vậy, hồ sơ ảo của những trường kinh tế thường cao hơn những trường kỹ thuật.
Ngành truyền thống lấy lại sức hút
Những năm trước, khi kinh tế còn đang ở đỉnh cao thì những trường chuyên về kỹ thuật hay khoa học cơ bản có số lượng TS đến đăng ký dự thi hoặc dự thi giảm mạnh. Nhưng năm nay, số lượng TS đăng ký vào những trường này đã tăng đột biến. Ông Nguyễn Cảnh Lương, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, cho biết điểm mới của trường năm nay là không tuyển sinh hệ CĐ và cũng từ nay trường chính thức “khai tử” hệ đào tạo này để tập trung nâng cao chất lượng đào tạo ĐH. Không còn hệ CĐ nhưng số lượng hồ sơ đăng ký dự thi vào trường vẫn trên 22.000, tương đương năm trước. Tuy nhiên, ông Lương cũng nhận định, cảnh báo về tình trạng thừa nhân lực được Bộ GD-ĐT mới đưa ra nên chưa có tác động lớn, các trường kinh tế chưa thể giảm ngay và các trường kỹ thuật cũng chưa thể tăng ngay. Mặc dù vậy, các ngành của trường những năm trước được coi là khó tuyển sinh như vật lý kỹ thuật, hóa học thì năm nay, sức hút đã bắt đầu quay trở lại. Các nhóm ngành kỹ thuật của trường cũng thu hút được sự quan tâm của nhiều TS.
Ông Vũ Ngọc Huyên (Trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội) cho biết các ngành truyền thống của trường như thú y, quản lý đất đai… có rất đông TS đăng ký dự thi và điểm chuẩn vào cũng không phải là thấp. Không những thế, đầu ra của những ngành này cũng rất thuận lợi, thậm chí sinh viên chưa tốt nghiệp ra trường đã có các đơn vị đến tuyển.
Mùa tuyển sinh năm nay còn đánh dấu sự trở lại đầy ấn tượng của nhóm ngành sư phạm. Không chỉ có Trường ĐH Sư phạm Hà Nội mà hầu như các trường sư phạm trên cả nước đều có số lượng TS đăng ký dự thi tăng cao.Trường ĐH Sư phạm Hà Nội có tổng số TS đăng ký cả hai đợt thi là 18.954 TS, tăng hơn 2.000 so với năm ngoái.
Một ngành không thể giữ mãi ngôi vương, đó là quy luật của cuộc sống cũng như quy luật của thị trường lao động. Nhưng để người học nhận biết được điều này rất cần sự cảnh báo kịp thời của ngành GD-ĐT.
Nghiêm Huê

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)