Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Áp lực thi cử

Tạp Chí Giáo Dục

Thí sinh trao đổi sau buổi thi môn toán kỳ thi ĐH đợt 1 năm 2013. Ảnh: A.Khôi
Trong suốt quãng đời học sinh, không có ai là không “vướng” vào vòng… thi cử. Mỗi kỳ thi chính là một bước ngoặt lớn trong cuộc đời để con đường học vấn lật sang trang mới. Thế nhưng, do nhiều yếu tố khách quan, thi cử đang là nỗi ám ảnh đối với HS do áp lực ngày một đè nặng trên vai.
Giống như các năm trước đây, kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ 2013 đã trở thành đề tài nóng cho các phương tiện thông tin đại chúng. Những vấn đề liên quan đến mùa thi đều được lên trang nhất và thu hút rất nhiều độc giả, trong đó không thể thiếu những – người – trong – cuộc.
Tim đập, chân run
So với trước đây, năm nay có một “điểm nhấn” mà báo chí quan tâm nhiều và kỹ nhất đó chính là tâm lý lo lắng của thí sinh khi đứng trước giờ G. Thực tế cho thấy việc thí sinh có những thái độ và tâm lý bất thường trước mọi kỳ thi là “chuyện thường ngày ở huyện” từ muôn đời nay. Nhưng nếu ngày xưa ở mức độ nhẹ, “có cũng như không có” thì những năm gần đây càng ngày mức độ càng nặng hơn nếu không nói là nguy cơ đáng báo động. Thầy Nguyễn Viết Hùng – giáo viên Trường THPT Bình An (tỉnh Bình Dương) – kể lại: “Hồi tôi đi học, chuyện thi cử chủ yếu mình tự lo, cha mẹ rất ít khi để ý nên vào mùa thi rất thoải mái. Cứ học chăm chỉ thì sẽ làm bài tốt”. Tuy nhiên, theo thầy Hùng, bây giờ thì mọi chuyện đã hoàn toàn khác. Con cái đi học không chỉ có thầy cô ở trường quan tâm mà cha mẹ cũng rất lo lắng. Khi thấy mọi người trong gia đình quá quan tâm, lo lắng các em cũng không thể “bình chân như vại” được. Sau kỳ thi tuyển sinh ĐH đợt 1 (ngày 4 và 5-7), em Lê Hồng Nhung – học sinh Trường THPT Đ. – thú nhận: “Gần đến ngày thi, càng học em càng thấy chẳng tiếp thu được chút nào, đầu óc như bị bão hòa”. Hồng Nhung cho biết thêm, lúc đầu em cứ tưởng kỳ thi ĐH  cũng nhẹ nhàng như thi tốt nghiệp THPT nhưng thực tế thì không phải như vậy. Ở nhà ba mẹ thường xuyên nhắc em học bài đã đành, ở quê các cô chú, cậu dì cũng gọi điện liên tục để hỏi thăm. Chính những lời động viên đó càng làm cho em thấy mình phải có trách nhiệm hơn với “sứ mạng cao cả” đang đặt ra phía trước. Lo lắng của mọi người đã tạo nên sự cộng hưởng lớn làm tăng thêm “áp lực lều chõng”. Hồng Nhung coi đó là nhiệm vụ không-thể-không-thực-hiện. Lực nén về tâm lý quá nặng nề đã làm cho cô nữ sinh vốn trước đây hồn nhiên vô tư trở thành một “bà cụ non”. Sự lo sợ khiến Hồng Nhung mất ăn mất ngủ. Vốn là người yếu tim nên trước kỳ thi một ngày em thấy khó thở và tim nhiều lúc cứ đập thình thịch, chân tay run lẩy bẩy rất vô cớ.
Hồi chuông nhắc nhở
Ngoài yếu tố “ngoại cảnh”, nhiều thí sinh lo lắng xuất phát từ nguyên do “nội hàm”. Sau một năm học tập, đa số học sinh khối 12 khi gần về tới đích thường bị đuối sức. Kiến thức gần như bị bão hòa nên bắt đầu xuất hiện “độ chai” về dung nạp tri thức. Học bài thiếu kế hoạch, ăn uống thất thường sẽ làm cho cơ thể các em rã rời, xuống phong độ. Từ chỗ mệt mỏi, chán nản nếu không biết vực dậy kịp thời thì các em dễ bỏ mặc rồi sau đó buông xuôi. Thế nhưng, thực tế thì có bao giờ người – ngoài – cuộc để cho các em yên. Vì vậy, những cú sốc về tâm lý và áp lực thi cử lại đè nặng rồi trở thành vòng luẩn quẩn không có lối thoát. Do đó, lo âu đến mức hồi hộp là tâm lý thường gặp của rất nhiều thí sinh trước giờ “vượt thác hóa rồng”.
Áp lực thi cử ngày càng đè nặng lên vai thí sinh cũng bắt nguồn từ những giải thưởng mà phụ huynh thường “ra giá” cho con em mình. Cứ nghĩ mình sẽ không còn cơ hội sở hữu một chiếc xe tay ga đắt tiền nếu “trượt vỏ chuối” sau kỳ thi ĐH nên Thúy V. – học sinh một trường tư thục ở Q.Tân Bình – lúc nào cũng “thần hồn nát thần tính”. Trong khi đó, V.Thành – học viên một trung tâm GDTX – quyết tâm thi đậu tốt nghiệp không chỉ để “thỏa nỗi chờ mong” của cha mẹ mà còn giúp thầy giáo bộ môn có được khoản tiền thưởng cuối năm nếu tỷ lệ tốt nghiệp bộ môn vượt qua tỷ lệ % của toàn TP…
Có thể nói, cứ đến mùa thi là có không ít thí sinh không chỉ bị suy kiệt về sức khỏe mà còn suy giảm về tinh thần. Nếu cha mẹ, thầy cô không biết lượng sức thì sẽ dẫn đến những chuyện không hay ít nhiều làm ảnh hưởng đến tương lai sau này của con em mình.
Nguyễn Hoàng Anh
Cô Vũ Thị Sen – Hiệu trưởng Trường TH Hanh Thông (Q.Gò Vấp, TP.HCM) – nhận định: “Học sinh hiện nay phải chịu áp lực từ nhiều phía, nhất là trong việc học hành. Do người lớn quá kỳ vọng và chương trình học nặng nề nên các em thường phải gồng mình để phấn đấu. Nếu ở bậc tiểu học, các em còn hồn nhiên và vô tư thì lên bậc THCS, đặc biệt là THPT đa số các em đã bắt đầu bị cuốn vào vòng xoáy học tập nên đôi khi mệt mỏi, đuối sức. Người lớn cũng nên thông cảm và biết chia sẻ cùng các em”. 
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)