Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Thanh niên khởi nghiệp: Bài 2: Từ “trường làng” đi chinh phục quốc tế

Tạp Chí Giáo Dục

Nhà thiết kế fxEVO Trương Huyền Đức
Trong lĩnh vực thiết kế giải trí CG (Computer graphics – tranh đồ họa, kiến trúc), Trương Huyền Đức – biệt danh fxEVO – không phải là cái tên xa lạ. 27 tuổi, chàng trai từng tốt nghiệp Khoa Kiến trúc công trình Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM đã khiến nhiều người phải sửng sốt trước những sáng tạo không giới hạn, không bị gò bó bởi bất cứ mô típ, phong cách nào.
Không “đầu quân” cho một nơi nào cố định mà chọn cách làm việc tự do nhưng “hồ sơ”  của Đức vẫn liên tiếp lọt vào “mắt xanh” của các nhà sản xuất phim, game danh tiếng trên thế giới như Riot, Bethesda Softwork, Blizzard, 20th Century Fox…
Ngồi tại nhà, nhận hợp đồng… thế giới
Có thể kể đến những dự án tầm cỡ thế giới mà Đức đã từng tham gia như: Thiết kế, tạo hình nhân vật trong game League of Legends, Batte field, Mass Effect..; phim giả tưởng Kỷ nguyên Elysium, District 9… Điều đáng nói là tất cả mọi thỏa thuận, giao dịch giữa Đức và nhà sản xuất đều được trao đổi qua internet mà không có một cuộc gặp mặt trực tiếp nào. Thông thường, các nhà sản xuất nước ngoài sẽ lựa chọn Portfolio của những họa sĩ mà họ cho là ấn tượng và có đủ năng lực nhất, sau đó liên lạc với họa sĩ, tóm tắt ý tưởng, yêu cầu về dự án mà họ đang có ý định thực hiện. Vấn đề của họa sĩ là phải nắm bắt được ý tưởng đó và thể hiện nó bằng những sản phẩm, hình ảnh cụ thể. Mỗi sản phẩm được sử dụng, nhà sản xuất sẽ trả giá rất cao cho giá trị sáng tạo của họa sĩ.
Với các nhà sản xuất nước ngoài, việc thiết kế, tạo hình thường là phần ngốn nhiều kinh phí nhất vì họ cho rằng, sự sáng tạo chính là giá trị cao nhất, quan trọng nhất quyết định sự thành công của một dự án. Vì thế, những sản phẩm của Đức thường được trả từ vài ngàn đến vài chục ngàn USD tùy vào độ khó và sự độc đáo của sản phẩm.
Nghe thì có vẻ đơn giản, nhưng để tiến được bước đi như ngày hôm nay, Đức đã phải khổ luyện rất nhiều trong lĩnh vực nghệ thuật. Một dự án thường có nhiều nhà thiết kế được mời tham gia nên sản phẩm của Đức phải có sự độc đáo và khác biệt mới trở thành sản phẩm được chọn.
Tốt nghiệp ĐH Kiến trúc TP.HCM năm 2009, Đức quyết định khăn gói ra nước ngoài theo học chuyên ngành thiết kế giải trí của Trường The Art Department Austin (Mỹ) để trở về với giấc mơ vẽ tàu thuyền, máy bay, robot… vốn là niềm đam mê từ nhỏ của anh. Ai đã học và làm trong lĩnh vực thiết kế nghệ thuật, hẳn sẽ không khó để hiểu những áp lực lớn lao của nhóm ngành nghề luôn đòi hỏi sự sáng tạo, sự đổi thay trong tư duy và cách tiếp cận; càng không khó để hình dung sự thiếu hụt, lạc hậu kiến thức về nghệ thuật của chàng trai mới từ “trường làng” bước chân tiếp cận nền nghệ thuật giải trí thế giới. Và để bù đắp sự thiếu hụt đó, anh đã phải tự học hỏi, tư duy mỗi ngày để theo kịp bạn bè quốc tế.
Nghệ thuật là sự sáng tạo không ngừng nghỉ
“Với nhiều nhà thiết kế nghệ thuật giải trí nước ngoài, Việt Nam được coi là “mỏ vàng” của họ. Chính từ sự xô bồ, phát triển khác biệt của các vùng miền ở Việt Nam, các nhà thiết kế đã tìm ra ý tưởng, khởi đầu cho một phong cách mới trong thiết kế của mình”, Đức khẳng định.
Hiện tại, ngoài việc nhận các dự án thiết kế lớn ở  trong và ngoài nước, Đức còn dành thời gian giảng dạy tại các trung tâm, học viện đào tạo lĩnh vực thiết kế giải trí. Theo Đức, nhược điểm lớn nhất của các nhà thiết kế Việt Nam là cái “tôi” quá lớn và dễ bị “tổn thương” bởi dư luận, trong khi dư luận lại chưa có một chuẩn mực nhất định về cảm thụ nghệ thuật. “Khi sản phẩm bị từ chối, các nhà thiết kế trong nước – nhất là người trẻ – thường có ý chê bai khách hàng, cho rằng họ không thấy giá trị cái đẹp trong bản thiết kế của mình. Một số người khác lại tự nâng giá trị bản thân, tự cho ngành của mình là giỏi, là độc đáo, còn thiết kế của những ngành khác là bình thường. Điều này sẽ làm giảm đi sự cạnh tranh sòng phẳng – vốn là động lực thúc đẩy sự phát triển trong lĩnh vực thiết kế nghệ thuật”, Đức bày tỏ.
Bên cạnh việc không nắm bắt được ý tưởng, một trong những lý do khiến các nhà thiết kế Việt Nam khó được lòng khách hàng quốc tế chính là năng suất lao động nghệ thuật còn chưa hết mình. “Theo tôi đánh giá, các nhà thiết kế trong lĩnh vực này thường mới chỉ làm được 20% giá trị khách hàng yêu cầu. Muốn tiến được ra thị trường thế giới, ngoài việc học hỏi, họ còn phải chăm chỉ nhiều hơn nữa, cung cấp cho khách hàng nhiều hơn những gì họ mong muốn. “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân”, ý kiến, sự đòi hỏi của khách hàng chính là điều kiện tốt nhất để bạn rèn luyện và tích lũy phong cách nghệ thuật của mình. Nghệ thuật vốn là ngành có sự đào thải cao. Do đó, càng kiên nhẫn, càng nỗ lực, càng tích lũy, bạn càng đáp ứng được yêu cầu của khách hàng khi bước chân ra thị trường thế giới”, Đức chia sẻ.
Bài, ảnh: Linh Vy
Nhạy bén với xu hướng mới
Trong suốt 3 năm theo học tại Trường The Art Department Austin, Đức đã tự nuôi sống bản thân bằng việc tham gia các dự án thiết kế, tạo hình cho các hãng sản xuất. Anh tham gia các dự án bất kể lớn hay nhỏ, thù lao nhiều hay ít để có cơ hội cọ xát, tiếp cận với lối tư duy nghệ thuật của quốc gia được coi là kinh đô của ngành thiết kế giải trí. Làm việc ở xứ người, Đức tập cho mình quen với áp lực về thời gian và chất lượng, nhạy bén với xu hướng mới, mỗi sản phẩm hoàn thành phải có sự mới mẻ hoặc mang tính đột phá về một khía cạnh để tạo ra sự khác biệt với những nhà thiết kế khác. Không những được đánh giá cao, nhiều bản thiết kế của Đức còn giành được giải thưởng danh giá trong lĩnh vực nghệ thuật thế giới. 
 
 

Bình luận (0)