Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Thất nghiệp vì thiếu… kỹ năng

Tạp Chí Giáo Dục

Sinh viên Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức trong một tiết thực hành về tin học

Hiện nay, nhiều sinh viên tốt nghiệp ĐH loay hoay tìm kiếm việc làm mà vẫn không dễ gì có được; trong khi đó, học viên ở các trường nghề lại được doanh nghiệp “trải thảm” mời về làm việc.
Theo các chuyên gia dự báo nguồn nhân lực, thực trạng này xảy ra là do nhà tuyển dụng đang cần nguồn nhân công có tay nghề để làm việc trong các nhà máy.
50% sinh viên ra trường và đối mặt với thất nghiệp
Tốt nghiệp loại khá ngành sư phạm toán Trường ĐH Sư phạm Vinh (Nghệ An) gần 4 năm nay nhưng chị N.T.H (quê Thanh Hóa) vẫn đang làm… công nhân ở huyện Hóc Môn (TP.HCM). Chị H. cho biết: “Tốt nghiệp ĐH, tôi nghĩ mình sẽ làm việc ở quê nhưng chạy chọt mất hai năm trời, tốn bao nhiêu tiền của mà vẫn không xin được việc (làm giáo viên – PV). Cực chẳng đã tôi mới vào TP.HCM tìm việc, nhưng xin việc cũng không dễ dàng gì nên tôi đành vào làm công nhân cho một xí nghiệp. Tết không dám về quê vì sợ hàng xóm chê cười có bằng ĐH mà làm… công nhân”.
Có thể nói, tốt nghiệp ĐH, không xin được việc làm hay làm trái ngành đào tạo là hoàn cảnh chung của rất nhiều sinh viên hiện nay. Ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, cho hay: “Hiện có khoảng 50% sinh viên mới ra trường có thể tìm được việc làm ngay, số còn lại phải tìm việc làm nhiều lần hoặc làm trái với công việc mình đã học”.
Trong khi đó, theo báo cáo xu hướng việc làm cho thanh niên năm 2013 vừa được Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) công bố, tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên năm 2013 cao gấp ba lần con số thống kê chung trong độ tuổi lao động, trong đó phần lớn là sinh viên vừa tốt nghiệp ở các trường ĐH, CĐ. 
Cần trang bị thêm nhiều kỹ năng
Một trong những lý do khiến sinh viên tốt nghiệp ĐH thất nghiệp chính là việc còn thiếu kỹ năng. Ông Trần Anh Tuấn chia sẻ: “Hầu hết các doanh nghiệp phải đào tạo lại sinh viên khi mới tốt nghiệp bởi họ thiếu rất nhiều kỹ năng. Muốn xin được việc ngay sau khi tốt nghiệp, ngoài việc trang bị kiến thức chuyên môn vững thì nhất thiết sinh viên phải có trình độ ngoại ngữ, các kỹ năng mềm như giao tiếp, làm việc nhóm, xử lý tình huống…”.
Bên cạnh đó, để có việc làm thì việc đón đầu thị trường lao động cũng là điều mà người học cần quan tâm. Theo khảo sát của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động, trên 10.000 doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng trong năm 2012; quý I năm 2013, nhu cầu tuyển dụng nhân lực có trình độ ĐH, CĐ chỉ chiếm gần 25%, số còn lại là tuyển dụng lao động có tay nghề trong các lĩnh vực vận hành máy móc sản xuất.
Thực tế, rất nhiều trường TCCN và CĐ đào tạo nghề có số lượng học viên tốt nghiệp có việc làm trên 80%, thậm chí khi còn ngồi trên ghế nhà trường đã có doanh nghiệp mời về làm việc. Các em được doanh nghiệp “trải thảm” không chỉ do có tay nghề cao mà còn được trau dồi rất nhiều kỹ năng khi còn ngồi trên giảng đường. Những năm qua, Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức đã không ngừng nâng cao chất lượng dạy học, nâng cấp cơ sở vật chất, tăng cường liên kết với các doanh nghiệp nên sinh viên tốt nghiệp có việc làm luôn chiếm 80-90%. TS. Nguyễn Toàn, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Bên cạnh nâng cao chất lượng dạy học, vấn đề kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên luôn được trường hết sức quan tâm nên các em thường xuyên được học các kỹ năng qua rất nhiều hoạt động sôi nổi do nhà trường tổ chức. Đặc biệt, hiện trường có mô hình Học kỳ trong doanh nghiệp, mỗi năm đưa hàng trăm học sinh, sinh viên đến các doanh nghiệp thực hành thực tế. Nhiều em làm việc tốt đã được doanh nghiệp đặt hàng nên không còn lo đến vấn đề xin việc sau khi tốt nghiệp”.
Bài, ảnh: Minh CHâu 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)