Sự kiện giáo dụcTin tức

Thiết bị dạy học bậc THPT: Thiếu thốn đủ điều

Tạp Chí Giáo Dục

Không phải trường nào cũng có phòng thí nghiệm đầy đủ như thế này (Phòng thí nghiệm ở Trường THPT Lương Thế Vinh – TP.HCM)

“Chương trình phân ban đại trà đã và đang bước vào năm học thứ tư nhưng thiết bị dạy học phục vụ cho chương trình còn lắm điều để nói”, đó là ý kiến của khá đông cán bộ quản lý.
Nhân sự chuyên trách: trường tự lo!
Trong chương trình học của bậc THPT có bộ môn tin học và biên chế giáo viên được “rót” về và hầu như đơn vị nào cũng có các phòng máy nhưng nhân viên bảo trì hay quản lý phòng máy vi tính trường phải tự xoay xở. Ngay cả các phòng thí nghiệm cũng vậy, trường cũng phải tự lo “tất tần tật” đội ngũ nhân viên này. Hiệu trưởng Trường THPT Mạc Đĩnh Chi, Trần Trung Kiên cho biết: “Trường chúng tôi có 4 phòng máy vi tính khoảng 200 máy, nhà trường phải hợp đồng nhân viên quản lý phòng máy; mọi hỏng hóc hay sự cố liên quan đến máy vi tính phải bỏ tiền thuê nhân viên bảo trì máy ở các công ty”. Tại buổi tiếp xúc với Cục Thiết bị Bộ GD-ĐT vào sáng 7-10, Phó hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM thầy Lê Văn Minh bức xúc: “Trường có 200 máy tính, nhưng biên chế không có một nhân viên; các phòng thí nghiệm phải có từ một đến hai nhân viên làm nhiệm vụ nhưng cũng tự nhà trường tìm nguồn kinh phí để trả lương hợp đồng”. Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn, TP.HCM Phạm Văn Phiệt nói: “Tôi nghĩ rằng việc trước tiên là đòi hỏi phải có người có chuyên môn. Thiết bị tốt, hiện đại nhưng không có người biết sử dụng thuần thục, liệu hiệu quả có cao không? Khi không có người, nhà trường đành chọn một giáo viên lớn tuổi nào đó để làm nhiệm vụ này!”. Hiện trạng chung ở hầu hết các trường THPT trong nhiều năm qua chủ yếu chọn những giáo viên sức khỏe yếu hoặc hạn chế về chuyên môn làm công tác thiết bị. Cũng có trường phải chọn phương án lấy giáo viên bộ môn vừa dạy vừa kiêm nhiệm công tác thiết bị. Những trường có chút nguồn tài chính từ sự hỗ trợ của phụ huynh học sinh hoặc nguồn quỹ khác thì chọn phương án hợp đồng nhân sự. Khoảng trống nhân sự này ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng của các tiết thực hành. Dù Bộ GD-ĐT và cả Sở GD-ĐT đã tổ chức tập huấn giáo viên sử dụng thiết bị dạy học. Đó chỉ là giải pháp tạm thời. Bởi không phải được tham gia lớp tập huấn là có thể chuyên nghiệp, trong khi đòi hỏi chất lượng giáo dục ngày càng tăng.
Thiết bị luôn luôn thiếu

Học sinh Trường THPT Nguyễn Trung Trực trong giờ thực hành thí nghiệm môn lý. Ảnh: T.T.Q

“Mỗi năm học, hầu hết các trường THPT đều được tiếp nhận một nguồn tiền từ ngân sách để mua trang thiết bị dạy học nhằm phục vụ cho nhiệm vụ dạy và học. Nguồn tiền được nhận từ ngân sách, nhưng nói chung luôn thiếu” một hiệu trưởng đã nói thẳng. So với chương trình cũ, chương trình phân ban tăng cường nhiều tiết thực hành hơn. Vì vậy, trang thiết bị phải luôn đầu tư đầy đủ để có thể đáp ứng. Tuy nhiên, các trang thiết bị của một trường nhiều hay ít lại lệ thuộc rất nhiều vào sự hỗ trợ của phụ huynh học sinh hoặc nguồn tiền khác mà đơn vị đó có được. Theo ghi nhận của chúng tôi, chỉ màn hình chiếu thôi đã có độ chênh rất lớn về số lượng. Cụ thể tại TP.HCM, Trường THPT Hùng Vương chỉ có 3 máy, THPT Gia Định (hai trường lớn nằm trong top đầu) chỉ có 4 máy để phục vụ cho hơn 3.000 học sinh; Trường THPT Võ Thị Sáu hơn 30 máy phục vụ cho gần 3.000 học sinh; Trường THPT Nguyễn Trung Trực 38 máy phục vụ cho hơn 2.000 học sinh… Lời đáp vì sao có độ chênh này: các đơn vị thực hiện xã hội hóa tốt nên đầu tư được nhiều máy. Cô Nguyễn Thị Thu Cúc, Hiệu trưởng Trường THPT Gia Định cho biết: “Mấy năm nay, phụ huynh đóng góp kinh phí quá lớn để sửa chữa và nâng cấp sân trường nhằm chống ngập nên nhà trường không dám nhờ thêm”. Cô Nhàn, Phó hiệu trưởng phụ trách cơ sở vật chất Trường THPT Hùng Vương bày tỏ: “Nhà trường kêu gọi đóng 30.000 đồng/tháng (chưa tới 2 lít xăng) để đầu tư thêm trang thiết bị cho dạy và học mà đã có phụ huynh phản ứng (dù chỉ vài người). Nhà trường ngại quá nên thôi. Chủ yếu ngân sách cấp cho bao nhiêu thì nhà trường gói ghém để đầu tư”. Chính sự thiếu thốn thiết bị dạy và học không chỉ làm ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục mà còn thiệt thòi quyền lợi của thầy và trò. Một hiệu trưởng than thở: “Khách quan mà nói, so với thiết bị dạy học trước đây, thiết bị dạy học cung ứng hiện nay phục vụ sát với việc dạy và học. Tuy nhiên có những thí nghiệm đòi hỏi độ chính xác cao, thiết bị chưa đáp ứng (như ma sát, giao thoa ánh sáng…). Ngoài ra, các thiết bị dạy học thiếu tài liệu hướng dẫn sử dụng hay sửa chữa nhỏ. Tôi nghĩ dù thiết bị nhỏ hay lớn luôn phải kèm theo quyển hướng dẫn”.
Hai ngày qua, đoàn giám sát của Cục Thiết bị Bộ GD-ĐT đã đến kiểm tra công tác thiết bị dạy học ở hai trường THPT của TP.HCM; đoàn đã nghe phản ánh những khó khăn và bất cập từ cơ sở nên ít nhiều đã hình dung về hiện trạng thiết bị dạy học ở trường THPT của TP.HCM, từ việc đầu tư, phối trí cũng như sử dụng thiết bị dạy học. Chúng ta hy vọng sẽ có sự thay đổi trong đầu tư để thực hiện tốt chỉ đạo của Bộ GD-ĐT: Năm học 2009-2010 đổi mới quản lý và nâng chất lượng giáo dục.
Trần Thanh Quang

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)