“Ôi mọi chuyện cứ rối tung cả lên. Bố mẹ em lúc thì bảo cứ thi đại học ở nhà đi rồi tính, lúc lại nói sẽ cho em du học. Chính sự không nhất quán trong lời nói của bố mẹ làm em rơi vào khủng hoảng, mất định hướng” – Đó là lời tâm sự của một nữ sinh lớp 12 tên Trần Ngọc My, ngụ tại quận 3, TPHCM.
Thí sinh phải chịu quá nhiều áp lực thi cử, học hành. |
"Nước đến chân" mà bố mẹ cứ ỡm ờ
My sinh ra và lớn lên trong một gia đình làm nghề kinh doanh. Bố mẹ, dù rất thương con, nhưng bận rộn làm ăn, chỉ có thể bù đắp cho cô con gái về vật chất.
Học lực khá, lại tin chắc vào thực lực kinh tế của gia đình cũng như lời hứa của bố mẹ, khi các bạn cắm đầu ôn thi đại học thì My chỉ học cầm chừng, bởi nghĩ: trước sau gì mình cũng du học.
Mỗi lần hỏi xem bố mẹ định cho mình du học ở nước nào thì cô đều nhận được câu trả lời chung chung – “Cứ đi tìm thông tin về các trường mà con cho rằng phù hợp đi rồi lúc đó sẽ chọn sau”.
Được lời như cởi tấm lòng, My chọn cho mình những trường đại học danh giá trên thế giới, ở những nước tư bản, với học phí cao ngất, lên đến vài chục ngàn đô la Mỹ/năm.
Đến phút chót, chỉ còn 2 tháng là đến kỳ thi đại học, My lại đem chuyện du học ra bàn với bố mẹ. Khi thấy con gái đưa ra bản dự tính tốn kém nhiều tỷ đồng, mẹ My do dự nói – “Con cứ thi đại học trong nước bình thường đi nhé. Du học thì đi lúc nào chẳng được, từ từ tính sau”.
Câu trả lời của mẹ làm My sốc. My chẳng thiết đến học hành gì nữa – “Bố mẹ em nói chuyện cứ như đùa ấy. Bây giờ học ôn thi thì kịp làm sao được nữa. Em chán lắm, cứ đà này thi tốt nghiệp còn khó chứ đừng nói đến chuyện đại học”.
Đỗ đại học trong nước để "giải quyết khâu oai"
Nguyễn Tiến, học sinh lớp 12, ngụ tại quận 7, TPHCM cũng chóng mặt vì những yêu cầu của cha mẹ. Tiến than thở: “Bố mẹ em cứ làm như con cái mình đẻ ra toàn thiên tài chị ạ. Em khổ lắm rồi. Đợt này thi đại học xong chắc em… điên luôn.”
Bố mẹ Tiến rất kỳ vọng vào con trai: “Chắc chắn, bố mẹ sẽ cho con du học nhưng con vẫn phải thi đỗ đại học ở nhà. Thi cho người ta thấy không phải mình trượt đại học mới du học mà mình thừa khả năng nhưng không thèm học đại học trong nước”.
Để đẹp lòng bố mẹ, Tiến học gấp 5, gấp 10 người khác, vừa ôn thi tốt nghiệp, vừa ôn thi đại học trong nước, còn học thêm chương trình tiếng Anh để chuẩn bị cho du học.
Nhiều khi mệt quá, đuối sức, chiều về đến nhà, Tiến đeo cả giày nằm vật ra ghế sa lông ngủ thiếp. Những lúc như thế, cậu lại uể oải kéo lê thân xác mò vào bàn học bởi lời hối thúc của bố mẹ: “Cố lên con, 12 năm ăn học giờ chỉ còn 2 tháng. Qua được thử thách này thì tha hồ mà sướng, lúc đó con muốn gì bố mẹ cũng cho. Nếu trượt đại học thì nhục lắm con ạ!”.
Trước chia sẻ nói trên của những học sinh đang chuẩn bị bước vào kỳ thi tuyển đại học, Tiến sĩ Nguyễn Kim Dung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Giáo dục – Trường ĐHSP TPHCM nói: Những gia đình có điều kiện kinh tế khá giả, đã xác định cho con du học mà vẫn ép con phải thi đại học trong nước, thực ra chỉ vì sĩ diện nhất thời của bản thân. Đây là hình thức để phụ huynh tự đánh bóng mình.
Tiến sĩ Dung cho rằng: “Các em học sinh đã phải chịu áp lực thi cử học hành suốt 12 năm rồi, đừng tạo thêm áp lực nữa. Nếu đã quyết định trước sau cũng cho con du học thì thay vì ép con thi đại học trong nước để thử sức hoặc chứng tỏ khả năng, cha mẹ nên cùng con giành thời gian tìm hiểu về trường sắp du học, văn hóa của thành phố con mình sẽ đến, chuẩn bị hồ sơ, học những chương trình tiếng Anh cần thiết…
Nền giáo dục của nước ta và nước ngoài hoàn toàn khác nhau nên việc thi đại học trong nước trước khi du học chẳng giúp được gì cho các em học sinh cả. Trong thời điểm này, quan trọng hơn cả là phụ huynh hãy tạo mọi điều kiện để giúp đỡ con đi đến mục tiêu đề ra, hơn là chứng tỏ lòng tự tôn, tự hào của gia đình”.
Theo Thanh Huyền
VietNamNet
Bình luận (0)