Cứ vào dịp 20 tháng 11 hàng năm, truyền thống tôn sư trọng đạo lại được khơi dậy, các thầy cô giáo lại được nhận những phần thưởngvô giá, từ sự kính trọng và biết ơn, và rồi sau đó, tiếp tục trở về với “Mặt trận không tiếng súng”. Sự ví von này không phải là quá lời, khi hiện tại, người thầy giáo đang phải chịu khá nhiều áp lực.
Một nhà giáo quá khổ vì cái nạn phải “viết thuê”. Số là thế này: Quê hương anh vừa mới từ thị xã lên thành phố. Mà tầm vóc của thành phố thì phải được nâng lên nhiều so với thị xã. Lễ tết, hội họp, dự án, phong trào văn hoá, văn nghệ phải tưng bừng, náo nhiệt hơn. Anh bạn tôi có tiếng là người văn hay, chữ tốt. Khi còn là thầy giáo ở ngôi trường thị xã bé nhỏ, anh đã khổ vì cái nạn bị người ta xin văn, xin thơ để đăng tập san, báo tường ở các công sở. Không cho thì không xong, vì đã có bậc phụ huynh làm tới chức Phó giám đốc công ty hẳn hoi bảo: “ Thầy giáo không biết làm thơ, viết văn thì làm sao bồi dưỡng đội tuyển Văn của con tôi được!”, thế là phải viết. Đến khi thị xã trở thành thành phố loại ba, một cán bộ cấp thị vừa được đề bạt cán bộ cấp tỉnh, chưa kịp tìm ra thư ký giúp việc viết lách báo cáo cho ưng ý, đã tìm đến anh bạn tôi. Khổ nỗi, bản thân anh giỏi chữ nghĩa nhưng lại không đi sâu lĩnh vực chuyên môn của người khác, kiến thức về chính trị xã hội cũng chỉ lờ mờ, nên cũng đành phải vận dụng tài liệu nọ kia để tìm cho ra ý tứ chính xác mới viết được báo cáo cho vị cán bộ nọ trình làng. Một tình huống gay cấn hơn, một hôm anh bị một “sếp” nhờ làm một bài tiểu luận. Có lẽ đụng đề tài không hợp khẩu vị, nên kết quả bài luận không cao lắm, và sau đó, anh đã bị vị sếp này phê bình: “Cán bộ quản lý thì chỉ cần giỏi quản lý là được, không cần giỏi chuyên môn cho lắm. Nhưng thầy giáo thì phải thật chuẩn mới được!”
Một cô giáo tâm sự “Khi tôi còn đang là một giáo viên, đã từng bị nhiều đồng nghiệp nghi kỵ, vì sao lại cứ hay được dạy những lớp có con “ông nọ bà kia” mà chính bản thân mình cũng không hiểu vì sao. Cho đến một hôm, trong câu chuyện tình cờ với vị phụ huynh là giám đốc của một bệnh viện, mới biết tôi thuộc thành phần được ông ta “chọn” dạy con mình. Từ khi đứa con trai bắt đầu vào lớp 1 đến hết lớp 12, ông ta đã làm các công việc sau đây: Tìm cách quen thân với Hiệu trưởng, Hiệu phó của những trường có con theo học- Đưa vào tầm ngắm những giáo viên dạy giỏi – Bằng thế lực của mình, yêu cầu Hiệu trưởng, Hiệu phó sắp xếp các giáo viên dạy giỏi bộ môn vào lớp có con mình học. Ông ta không cần biết làm như vậy là bất công đối với con em người khác, không những thế còn có vẻ dương dương tự đắc. Và tất nhiên, những giáo viên dạy lớp có HS thuộc đối tượng con ông cháu ta cũng chịu một áp lực lớn. Để thoát khỏi sự theo dõi, chê bai của phụ huynh thì trong nhiều trường hợp, người thầy giáo phải làm ngơ trước khuyết điểm của con em họ.
Trong một chuyến đi công tác ở Duy Xuyên để lắng nghe ý kiến cơ sở về cuộc vận động “Hai không”, sau khi trình bày về kết quả đã đạt được từ cuộc vận động, ông Lê Trung Thiên, Phó phòng GD&ĐT Duy Xuyên đã nêu những ý nghĩ rất thực của cá nhân: Người thầy giáo hiện tại không được “đụng” đến HS, có HS vô lễ ngay trong lớp học, trước mặt thầy mà thầy phải im lặng. Ngay cả việc có thể đuổi HS khi có những vi phạm cũng không dám. Điều lệ nhà trường có ghi rõ không được đuổi HS khỏi trường mà chỉ đuổi có thời hạn. Mới đây ở trường THCS Kim Đồng, có HS thuộc diện “đuổi có thời hạn” như thế . HS này không hề sợ, còn vui vẻ ra khỏi lớp, vì đang chán học, được dịp để “giải lao” tới 2 tuần; sau 2 tuần, tiếp tục vào học bình thường, mọi hậu quả người thầy tiếp tục gánh chịu.
Những câu chuyện kể trên chỉ là một vài điển hình trong muôn vàn sự việc về áp lực đối với người thầy giáo. Cuộc vận động “Hai không” đặc biệt là “Nói không với vi phạm đạo đức nhà giáo” do Bộ GD&ĐT phát động đã đặt ra cho các thầy cô giáo ở mọi cấp học trọng trách nặng nề, nhằm củng cố niềm tin trong nhân dân. Cũng chính vì vậy mà họ không tránh khỏi áp lực từ nhiều phía. Đã đến lúc phải xem xét vấn đề ở các góc độ khác nhau: Có thể lấy ý kiến đánh giá người thầy từ phía HS nhưng phải có sự chọn lọc thế nào cho đúng. Chúng tôi rất tâm đắc với ý kiến của TS Phan Văn Hoà, Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại ngữ–ĐH Đà Nẵng: Khi tập hợp những ý kiến đóng góp của các em SV cho các thầy cô giáo qua mạng, chúng tôi luôn phân loại các ý kiến, những ý kiến đóng góp có cơ sở, có tính xây dựng nghiêm túc, chúng tôi kịp thời tiếp thu và chấn chỉnh. Còn những ý kiến thiếu độ tin cậy, chúng tôi tìm gặp SV đã góp ý để tìm hiểu thêm. Có những góp ý không đem lại hiệu quả gì, mà còn ảnh hưởng đến uy tín người thầy, chúng tôi cũng kịp thời ngăn chặn”. Khi các trường ĐH, CĐ chuyển sang đào tạo theo học chế tín chỉ, nhiều GV lo lắng về việc liệu khi họ nghiêm khắc với HS, SV thì có được số đông HS, SV chọn lựa hay không? Để tránh áp lực này, các trường cũng đã bàn tới vấn đề quản lý chất lượng sao cho thật chặt chẽ, tránh để các GV vừa dạy vừa kiêm việc ra đề, chấm điểm, nhằm cho HS, SV chọn thầy dạy ở khía cạnh chất lượng thật, chứ không phải sự cảm tình cá nhân.
Xem ra, việc tránh áp lực cho người thầy giáo thật không đơn giản, đòi hỏi sự nhìn nhận đa chiều của toàn xã hội.
Nguyễn Thị Thuý
Theo giáo dục & Thời đại
Bình luận (0)