Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Nên từng bước có nhiều sách bộ môn

Tạp Chí Giáo Dục

Việc một chương trình có nhiều sách giáo khoa khác nhau đã có từ lâu đối với nhiều nước trên thế giới và cả ở nước ta. Với kinh nghiệm dạy học của mình tôi thấy có nhiều sách giáo khoa, sách tham khảo thì chất lượng bài giảng sẽ hay hơn, tốt hơn.
Chất lượng bài giảng sẽ tốt hơn nếu có nhiều bộ sách giáo khoa, sách tham khảo?
Hồi đầu những năm 60 của thế kỷ trước dạy môn vật lý ở một trường cấp 3, khi soạn bài giảng tôi dùng sách giáo khoa của Bộ Giáo dục là chính. Ngoài ra, tôi còn dùng sách giáo khoa của Liên Xô vì tôi thấy các hình in trong sách giáo khoa của Liên Xô rõ ràng và đẹp hơn sách của ta.
Sách giáo khoa của Liên Xô thời đó bán tự do và giá rẻ như cho. Để bồi dưỡng học sinh giỏi, tôi thường tìm đến các hiệu sách ngoại văn hay ở các cửa hàng sách cũ mua những quyển sách giáo khoa của Pháp, nhất là sách về bài tập, đáp án của các cuộc thi tú tài. Từ những nguồn tài liệu ấy tôi soạn giáo án lên lớp, ra  bài tập bài làm cho học sinh.
Căn cứ vào yêu cầu, khả năng của ta hiện nay và quy luật của sự vận động phát triển, bảo đảm sự ổn định, phát triển giáo dục, việc biên soạn sách giáo khoa nên được tiến hành theo phương thức có nhiều sách bộ môn chứ không phải nhiều bộ sách.
Không bắt buộc một nhóm tác giả, một nhà xuất bản nào đó phải in ấn ra đồng thời cả bộ sách giáo khoa của một bậc học, một cấp học, một lớp học mà có thể biên soạn một môn học cho một lớp học.
Thí dụ tiếng Việt lớp 1, lớp 2 có thể có ba bốn quyển sách giáo khoa có thể viết riêng cho vùng đồng bào dân tộc cho vùng sâu vùng xa.
Thực tế, hàng chục năm qua nhiều tỉnh thành đã sử dụng sách giáo khoa tiểu học của trung tâm công nghệ giáo dục, nhất là cuốn tiếng Việt lớp 1. Cũng có bộ môn có hai loại sách giáo khoa, cũng có bộ môn chỉ có một loại sách giáo khoa như giáo dục đạo đức, giáo dục công dân, giáo dục lịch sử chẳng hạn.
Để quản lý chỉ đạo việc biên soạn sách giáo khoa cần phải có một hội đồng quốc gia phối hợp với các bộ ngành định ra các chế độ chính sách huy động nhân tài vật lực thẩm định việc tiến hành viết sách giáo khoa chứ không thả nổi, bỏ ngỏ. Mọi ý kiến góp cho sách giáo khoa là góp cho hội đồng. Hội đồng sẽ tiếp thu và trả lời chứ không phải như hiện nay.
Lâu nay có tình trạng ai đó góp ý kiến cho sách giáo khoa, nêu lên những sai sót thì chủ biên hay tác giả lại tìm cách trả đũa nên nhiều người muốn góp ý cũng không dám. Thậm chí, một số báo ngành cũng không dám đăng ý kiến nhận xét về sách giáo khoa vì sợ va chạm với cơ quan chủ quản.
Điều đó không tập hợp được trí tuệ của mọi người và làm mất lòng tin của nhân dân đối với sách giáo khoa, nhất là các ý kiến giáo viên mẫu giáo, tiểu học, phụ huynh học sinh.
Còn việc sử dụng sách giáo khoa là hoàn toàn do giáo viên quyết định không cần phải bàn cãi. Một giáo viên dạy một bộ môn có thể đồng thời sử dụng một hai hay ba bộ sách giáo khoa của tác giả để soạn bài. Không nên quy định giám đốc sở hay hiệu trưởng nhà trường được quyền ra lệnh cho các giáo viên dạy theo loại sách giáo khoa nào.
Chương trình sách giáo khoa không phải là bất biến song phải bảo đảm sự ổn định chứ không phải cứ thay đổi xoành xoạch như những năm vừa qua. Nó có thể đổi mới từng phần từng bộ môn hay nhiều bộ môn tùy thuộc vào sự phát triển của khoa học và sự biến đổi của cách mạng của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc.
Nâng cao chất lượng sách giáo khoa để sánh vai với các nước tiên tiến trên thế giới song vẫn phải là sách giáo khoa của Việt Nam mang đậm bản sắc dân tộc khoa học và đại chúng.
Nhà giáo Trần Hữu Trù (Theo TPO)
Nguyên chuyên viên cao cấp Bộ GD&ĐT

Bình luận (0)