Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Thu hút nhân tài nhìn từ Đà Nẵng

Tạp Chí Giáo Dục

Hiện TP.Đà Nẵng đang phấn đấu đào tạo mới 5.000 thạc sĩ và tiến sĩ
Hơn 15 năm thực hiện chính sách chiêu hiền, đãi sĩ, với gần 1.100 người được bố trí công tác, Đà Nẵng đã tạo nên một cách làm hay, góp phần trẻ hóa đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của thành phố; bổ sung nhân lực có trình độ, dám nghĩ, dám làm…
Chiến lược xây dựng nguồn nhân lực
15 năm tách ra từ tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, 10 năm được công nhận là đô thị loại 1, Đà Nẵng đang từng ngày đổi thay nhanh chóng và rõ rệt như một kỳ tích trên dải đất miền Trung khốn khó – nơi với hai mùa mưa nắng, thiên nhiên khắc nghiệt lấy đi gần như tất cả những gì nó mang lại cho mảnh đất này. Nhưng chỉ một thời gian ngắn, Đà Nẵng khẳng định mình là thành phố tăng trưởng xanh – thành phố đáng sống vào loại bậc nhất Việt Nam. Để có được thành quả ấy, hẳn không thể kể hết gian nan nhưng có thể nhìn thấy được hết những chính sách, chủ trương đúng đắn và sự nỗ lực không ngừng của người dân. Một trong những điểm đáng chú ý nhất từ sau ngày tách tỉnh, phải kể đến chính sách thu hút nguồn nhân lực của thành phố. Đặc biệt là chiến lược cán bộ trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Mục tiêu của chương trình hướng tới là xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức các cấp từ thành phố đến cơ sở đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, đảm bảo sự chuyển tiếp liên tục và vững vàng giữa các thế hệ cán bộ nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa của thành phố. UBND TP.Đà Nẵng đã cụ thể hóa, từng bước hoàn thiện chính sách thu hút nguồn nhân lực với những chủ trương, giải pháp thiết thực, đáp ứng yêu cầu công tác cán bộ và bổ sung nguồn nhân lực có chất lượng cho địa phương. Trong quá trình đó, thành phố đã tiếp nhận nhiều cán bộ có trình độ, phẩm chất và bản lĩnh chính trị vững vàng để bố trí công tác tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp Nhà nước trên địa bàn. Một mặt xây dựng cơ chế đãi ngộ đối với những người có học hàm, học vị, những cán bộ, công chức có trình độ chuyên môn cao tự nguyện đến làm việc lâu dài tại địa phương. Hỗ trợ đào tạo bậc ĐH tại các cơ sở giáo dục trong nước và nước ngoài bằng ngân sách Nhà nước dành cho học sinh các trường THPT trên địa bàn.
Theo báo cáo của UBND TP, sau 15 năm thực hiện chính sách thu hút nhân lực, Đà Nẵng đã bố trí công tác cho 1.043 đối tượng, trong đó 13 tiến sĩ (1%), 224 thạc sĩ (22%), 806 cử nhân tốt nghiệp loại khá, giỏi làm việc trong các sở/ngành, quận/huyện và trên các lĩnh vực giáo dục, y tế… Hơn 10% trong số đó được bổ nhiệm chức vụ từ phó, trưởng phòng thuộc sở/ngành trở lên.
Không dừng lại ở đó, tháng 7-2012, UBND TP phê duyệt Đề án quy hoạch phát triển nhân lực thành phố giai đoạn 2011-2020. Mục tiêu đến năm 2015, có 55% lao động qua đào tạo (19% có trình độ ĐH, CĐ; trong đó có 2% trình độ thạc sĩ trở lên; 11% TCCN và 25% công nhân kỹ thuật); phấn đấu đào tạo mới 5.000 thạc sĩ và tiến sĩ, trong đó có 500 người làm công tác giảng dạy trong các cơ sở đào tạo; 1.500 người làm việc cho các cơ quan, đơn vị và các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố và 3.000 người cho khu vực miền Trung – Tây Nguyên; đào tạo mới 100 thạc sĩ, tiến sĩ ở nước ngoài làm việc trong khu vực công; đào tạo, bồi dưỡng từ 4 đến 5 chuyên gia đầu ngành có trình độ cao, có khả năng tư vấn hoạch định, tổ chức triển khai thực hiện các chiến lược, quy hoạch, chương trình, đề án phát triển các ngành, lĩnh vực kinh tế – xã hội trọng yếu của thành phố.
Quan tâm đến đời sống nhân tài
Để có được nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển xã hội, ngoài việc thu hút chất xám, đầu tư cơ sở vật chất đào tạo, thành lập Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, Đà Nẵng đặc biệt quan tâm đến đời sống của nguồn nhân lực mình thu hút. “Có thực mới vực được đạo”, kinh nghiệm ấy luôn đúng trong mọi trường hợp khi xã hội hướng đến sự phát triển bền vững. Theo đó, khi được tuyển dụng, các đối tượng được nhận hỗ trợ một lần với mức tiền tương ứng bằng cấp họ đang có (bậc ĐH loại giỏi: 15 triệu đồng; thạc sĩ: 20 triệu đồng; tiến sĩ: 60 triệu đồng); ngoài ra, các đối tượng trên còn được đãi ngộ về tiền lương và trợ cấp hàng tháng trong 5 năm, bố trí chỗ ở…
Ông Bùi Văn Tiếng, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng, cho biết sau 15 năm thực hiện chính sách thu hút nguồn nhân lực, Đà Nẵng đã góp phần trẻ hóa đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, kịp thời bổ sung nguồn nhân lực có trình độ, năng động và dám làm, góp phần vào sự phát triển chung của thành phố. Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế như: Đối tượng thu hút chưa đáp ứng được yêu cầu công việc, mức lương hiện tại chưa đảm bảo để đối tượng này sống bằng lương… Ông Bùi Văn Tiếng nhấn mạnh: Chủ trương của thành phố trong thời gian tới là sẽ chủ động tìm người tài giỏi; đa dạng hóa các hình thức đào tạo, khuyến khích những người giỏi không cần định cư tại thành phố mà vẫn đóng góp cho địa phương; gắn hoạt động thu hút với thi tuyển và bổ nhiệm, đặc biệt là thi tuyển các chức danh lãnh đạo; quan tâm tạo môi trường làm việc thực sự chuyên nghiệp, công bằng để những người giỏi phát triển về nhiều mặt.
Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên
15 năm kể từ ngày trở thành thành phố, một khoảng thời gian không đủ dài nếu không muốn nói là ngắn để một mảnh đất nằm bên eo biển đầy sóng gió khắc nghiệt vươn mình trở thành điểm đến hấp dẫn trong mắt du khách và bạn bè quốc tế là cả một nỗ lực phi thường của chính quyền và nhân dân đồng thuận trong các chủ trương, chính sách xây dựng. Nói như ông Bùi Văn Tiếng – Trưởng ban tổ chức Thành ủy Đà Nẵng – thành tựu này có được là nhờ cách nhìn, cách nghĩ thực sự nghiêm túc, cầu thị của bản thân người Đà Nẵng.
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)