Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Tên họ Mã nghĩ suy tính toán trước món mồi ngon

Tạp Chí Giáo Dục

 Xem xét đánh giá một nhân vật ta nhìn vào ba biểu hiện sau đây: diện mạo, hành động, nội tâm. Lúc Mã xuất hiện ở nhà Thúy Kiều: diện mạo được Nguyễn Du tả: mày râu nhẵn nhụi, áo quần bảnh bao; hành động: ghế trên ngồi tót sỗ sàng và lời hỏi giá mỹ miều: Rằng mua ngọc đến Lam kiều; nội tâm chỉ bộc lộ: mặn nồng một vẻ một ưa. Mã xuất hiện lần đầu này, cụ Nguyễn mới chỉ phác họa đôi nét và để lại cho người đọc hai chữ đáng ngờ.

Lần này, đưa Kiều về trú phường, Mã mới bộc lộ rõ tính cách, bản chất của hắn. Đặc biệt là diễn biến nội tâm. Có ba việc: một là thèm thuồng trước một cô gái đào tơ, sắc nước hương trời; hai là tính toán lời lãi khi Kiều là món hàng cho hắn kiếm ăn; ba là nghĩ kế tân trang cho Thúy Kiều và đối phó với Tú bà.
Nhìn thấy Kiều tươi đẹp lại đang ở một mình trong phòng trọ, Mã: mừng thầm cờ đã đến tay/ Càng nhìn vẻ ngọc, càng say tấc vàng. Hai chữ càng Nguyễn Du dùng chí lí. Người đọc cảm thấy hắn chỉ tiến chứ không lùi. Cụ Nguyễn lại đặc tả cái thèm thuồng của hắn: miếng ngon kề đến tận nơi/ Vốn nhà cũng tiếc của trời cũng tham. Hắn nghĩ: Đào tiên đã bén tay phàm, thôi thì vin cành quýt cho cam sự đời. Đào tiên (Thúy Kiều) cái của quý giá ấy nay đã đến tay kẻ phàm phu tục tử.
Lâu nay, các bản Kiều của Trương Vĩnh Ký, Bùi Khánh Diễn, Bùi Kỷ – Trần Trọng Kim đều lúng túng khi giải thích hai câu này. Bởi Mã đã đưa tay vin cành đào, tất phải hái đào, sao lại cam với quýt? Riêng Tản Đà cho rằng tìm được câu Đào tiên đã bén tay phàm, cụ Nguyễn đã ưng ý, không đổi thay. Rồi cụ Nguyễn hạ một vần cam cho hợp vần ở câu dưới hẳn là đắc ý lắm (cam vừa có nghĩa trái cây: cam đi liền với quýt, vừa là chấp nhận sự trừng phạt nếu có). Nếu đề là thì vin cành đào tuy xuôi nghĩa nhưng đào lại là vần bằng. Tản Đà cho rằng kiếm một chữ khác thay vào chữ đào, thật khó. “Trong khi quẫn bách vì một chữ, mà lại tiếc cái bóng bẩy của một câu, tác giả mới đem chữ quýt đặt tạm đó để thế nghĩa cho chữ đào, mà ở dưới ăn đi với chữ cam, rất là có hứng thú. Sự đặt tạm ấy rồi sau cũng không thể thay được, tác giả đành cứ để luôn, nhất là hay, nhị là dở, phần nhận nghĩa phó mặc người xem văn. Văn chương đến chỗ ấy thật là ngang tàng; ngoài cụ Nguyễn Du, ít người dám có chữ như thế. Nay ta đọc đến câu này, biết đó là chữ quýt, mà cứ nhận nghĩa là chữ đào, ấy là tri kỷ của tác giả”. Đọc văn như Tản Đà tiên sinh mới thật là đọc văn. Viết văn ngang tàng như cụ Nguyễn ấy bởi lẽ đời cũng ngang tàng. Mua Thúy Kiều về để sinh lợi mà Mã thèm thuồng, liều lĩnh để tận hưởng của trời, quả Mã đã quá liều. Nói khác đi, như cụ Nguyễn đã nhận xét Mã: một đứa phong tình đã quen!
Giải quyết một khúc mắc trong đoạn thơ may ra giúp bạn đọc không chỉ thấy cái hay của văn chương mà còn hiểu thêm tính cách của Mã.
Sau đây là sự tính toán lời lãi: Về đây nước trước bẻ hoa/ Vương tôn quý khách ắt là đua nhau/ Hẳn ba trăm lạng kém đâu/ Cũng là vừa vốn còn sau là lời. Có lẽ cụ Nguyễn cho rằng sau khi Mã đã nước trước bẻ hoa, Mã sẽ tân trang lại cho Kiều như mới và hắn sẽ lừa các vương tôn quý khách. Có điều khó hiểu, Mã mua Kiều vàng ngoài bốn trăm, ở đây chỉ ba trăm lạng mà cũng vừa vốn? Chúng tôi đã tìm ba kiểu lý giải khác nhau nhưng không cách lý giải nào chắc ý. Xin nhường lại bạn đọc phán xét.
Trong sự tính toán lời lãi ấy đã có sự xảo quyệt, đã có cái tinh ranh của kẻ buôn người.
Lê Xuân Lít

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)