Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Lời lẽ của mụ Tú bà

Tạp Chí Giáo Dục

 

Nếu Kim Trọng khi tỏ tình với Thúy Kiều lời nói dịu dàng, da diết, êm thắm, lặng nghe lời nói như ru, thì ở đây, giọng điệu lời lẽ Tú bà sao mà tanh tưởi, hằn học, trơ trẽn!
Đầu tiên là mụ xác định vị trí của mụ và Thúy Kiều ở chốn lầu xanh này: Tú bà vắt nóc lên giường ngồi ngay/ Dạy rằng: “Con lạy mẹ đây/ Lạy rồi sang lạy cậu mày bên kia”! Ngắn gọn nhưng thể hiện đầy đủ nội dung cần thông báo. Đó là mối quan hệ giữa ba người: Tú bà – Mã giám sinh và Thúy Kiều. Đồng thời cũng mấy chữ ấy thôi mà tỏ rõ uy quyền, bộc lộ luật lệ của kẻ giang hồ!
Nghe rõ sự tình, Thúy Kiều đã thẳng thừng cật vấn. Kiều nói: Gia đình tôi gặp oan nạn nên tôi đành bán thân làm vợ lẻ (tiểu tinh). Sao bây giờ lại lấy yến làm anh? Xin bà hãy nói lại cho phân minh về danh phận của tôi. Mà, trước khi bà nói tôi cho bà biết: ông Mã đến cưới tôi có đủ nghi thức nào nạp thái vu quy, nào chuyện ông ấy đã chung chạ… khi đứng ngồi!
Lời nói thật của Thúy Kiều như cái tát vào mặt vênh vang của mụ Tú. Đến đây, tính cách của kẻ vô học, đĩ bợm bộc lộ hoàn toàn: Mụ nghe nàng nói, hay tình (hiểu rõ tình hình)/ Bây giờ mới nổi tam bành mụ lên.
Theo sách Phật, trong mỗi con người đều có ba vị thần: Bành Cứ, Bành Chất, Bành Kiêu. Đây là ba vị thần xúi con người ta làm điều ác. Nói khác đi, cụ Nguyễn cho rằng mụ Tú lúc này đã sống hoàn toàn với con người ác đức.
Hãy nghe mụ nói: “Này này sự đã quả nhiên/ Thôi thôi cướp sống chồng min đi rồi!/ Bảo rằng đi dạo lấy người/ Đem về rước khách kiếm lời mà ăn/ Tuồng vô nghĩa, ở bất nhân/ Buồn mình trước đã tần mần thử chơi/ Màu hồ đã mất đi rồi/ Thôi thôi vốn liếng đi đời nhà ma/ Con kia đã bán cho ta/ Nhập gia phải cứ phép nhà tao đây/ Lão kia có giở bài bây/ Chẳng văng vào mặt mà mầy lại nghe/ Cớ sao chịu tốt một bề/ Gái tơ mà đã ngứa nghề sớm sao!…
Mụ ào ào tuôn ra nỗi bực dọc, sự đay nghiến. Dẫu cụ Nguyễn vốn có tính kiệm lời vẫn phải để ra đến 15 dòng thơ!
Trong 15 dòng thơ ấy, có đôi điều cần làm rõ thêm. Thứ nhất là vì sao Tú bà nổi tam bành? Mụ tiếc của hay vì ghen tuông? Bảo rằng mụ ghen cũng có lý. Bởi lâu nay, người ngoài chỉ biết mụ và Mã chung lưng mở một ngôi hàng, chưa một lần mụ công nhận Mã là chồng (tuy đêm hôm khuya sớm, chồng hay không chồng ai biết được. Người ta chỉ thấy Mã đã hé lộ: Mụ già hoặc có điều gì/ Liều công mất một buổi quỳ mà thôi). Bây giờ, trước mặt mọi người mụ xác định Mã là chồng! Vì máu ghen mà mụ nói vậy hay là mụ tạo cớ để mắng nhiếc Thúy Kiều? Nhưng bảo rằng mụ tiếc của, quả đúng thế. Mụ mới mắng Thúy Kiều hai câu thơ, mụ liền quay sang chửi mắng Mã thậm tệ. Mụ nhắc lại cho Mã biết mục đích của chuyến đi: Kiếm người để đem về mời khách kiếm lời mà ăn! Thế mà lão lại ăn trước. Cho nên những ngôn từ chửi mắng thậm tệ mụ đã văng ra. Nào vô nghĩa, nào bất nhân
Như vậy, vì ghen hay vì tiếc của, hay bực tức cho việc thiếu trung thành của Mã? Chúng tôi cho rằng tất cả điều ấy có cả. Cái khéo của cụ Nguyễn Du là lồng chéo, đan xen. Cái này trợ thủ, bồi đắp cho cái kia. Có vậy mới đúng với mấy chữ nổi tam bành!
(Còn tiếp kỳ sau)
Lê Xuân Lít

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)