Việc học lý thuyết phải gắn với thực hành. Ảnh: Đ.Phượng |
Lâu nay, ngành giáo dục đã tổ chức khá nhiều cuộc hội thảo, hội nghị… để tìm ra biện pháp khả thi nhất giúp trẻ thích học trong môi trường giáo dục tại Việt Nam. Thế nhưng đâu đó vẫn còn có những ý kiến trái chiều và chưa đồng nhất về quan điểm giúp trẻ tự tin, ham thích học mà không cần phải thúc giục hay ép buộc từ nhà trường và phụ huynh.
Dưới đây tôi xin trình bày “5 nguyên tắc vàng” có thể giúp trẻ tự học một cách tốt nhất.
Tránh cách học ép từ phụ huynh
Một sai lầm lớn nhất mà phụ huynh đã vô tình gây ra cho con mình tinh thần chán học là ép các em phải học theo ý của gia đình với các môn học không nằm trong khả năng thiên bẩm hay không phải là sở thích của các em. Việc ép học kiểu này đã đẩy các em đến thái độ “học vì sợ ba mẹ la mắng, học chỉ vì bị bắt buộc phải học”, và vì vậy dẫn đến việc phụ huynh tốn tiền cho con đi học thêm mà hiệu quả lại không cao. Quan trọng hơn là tạo ra tâm lí “sợ” phải học ở các em. Như vậy, tránh cách học “ép” là giúp các em tự thể hiện bản thân mình qua các môn học sở trường.
Định hướng trẻ qua việc trao đổi, tâm tình
Sự thành công của trẻ ở tương lai hay giúp trẻ có ý thức tự học cũng có phần rất quan trọng của phụ huynh trong việc gần gũi, giao tiếp để các em bộc bạch những tâm tư, sở thích của bản thân; từ đó ba mẹ đóng vai trò là những “tư vấn viên” giúp trẻ hiểu về một hay nhiều lĩnh vực đang quan tâm hoặc đang băn khoăn. Có tâm tình như vậy thì các bậc phụ huynh mới dễ hiểu suy nghĩ của trẻ trong từng giai đoạn và giúp các em vượt qua khó khăn về tâm lý (nếu có) tại thời điểm đó. Việc định hướng cho trẻ qua việc trao đổi của phụ huynh là một nguyên tắc quan trọng để gia đình cùng với trẻ phát hiện và định hướng cho sự phát triển khả năng của các em sau này. Có như vậy, trẻ sẽ tự nhận ra khả năng cũng như những khiếm khuyết của bản thân để tự trang bị cho mình trong sự trợ giúp của gia đình. Và như thế, trẻ sẽ hứng khởi hơn trong khi học.
Cho trẻ cọ xát với thực tế một cách tự nhiên
Trước đây, giáo dục Việt Nam luôn định hình sẵn để chỉ cung cấp cho trẻ một lượng kiến thức “cô đọng” theo chương trình đã được tổng quát hóa. Việc làm này không những không giúp trẻ phát huy khả năng của bản thân mà còn làm các em cảm thấy chán nản khi phải tiếp nhận theo cách như vậy. Trong những năm gần đây, với sự nỗ lực của ngành giáo dục nhằm tìm ra phương cách mới giúp trẻ tiếp thu kiến thức một cách tốt nhất thì việc giúp các em cọ xát với thực tế, thông qua việc đi dã ngoại, đi bảo tàng, siêu thị… sẽ giúp các em tự vận động khả năng để tính toán, đo đạc hay có những suy nghĩ chín chắn hơn trong việc đưa ra quyết định của mình. Cụ thể, việc cho trẻ tiếp cận với thực tế, với môi trường xung quanh sẽ giúp các em ham thích học hỏi và bản thân tự khắc sẽ phát huy những thế mạnh riêng của mình. Từ đó, giáo viên sẽ cùng với gia đình định hướng cho các em phát triển.
Học lí thuyết gắn với thực tiễn
Không ít bạn trẻ đã vất vả dùi mài kinh sử trong 12 năm phổ thông cộng thêm 4-5 năm ĐH, và khi rời ghế nhà trường vẫn không biết phải làm gì trước, làm gì sau. Đó là một thực tế đáng buồn trong việc giúp các em hình thành kĩ năng của bản thân. Cái lỗi không phải do trẻ, mà do phương pháp dạy học và “lạm dụng quá mức của các lí thuyết suông” trong chương trình đào tạo. Việc này sẽ dẫn đến hệ quả là các em chán nản, thậm chí không ít em bỏ học ngang vì các em không biết học để làm gì, học cho ai và học có lợi gì cho tương lai? Việc thiếu định hướng đó đã khiến rất nhiều trẻ không thích học nữa. Do đó, việc học lí thuyết cần phải gắn liền với thực tiễn, phải cho các em cơ hội để thực hành và nhìn thấy tương lai sau này. Có như vậy, khả năng của mỗi em sẽ được phát triển và các em sẽ có ý thức học tập một cách nghiêm túc, với tinh thần thoải mái hơn để phát triển bản thân.
Gia đình, nhà trường và xã hội phối hợp chặt chẽ
Đây là mấu chốt của vấn đề giúp trẻ ham học và phát triển một cách toàn diện khi cả ba môi trường: Gia đình, nhà trường và xã hội cùng vào cuộc, cùng nhau giúp các em định hướng học tập trong sự vui vẻ, tự giác với tinh thần ham học hỏi những điều chưa biết, cần quan tâm. Việc động viên của phụ huynh giúp các em cảm nhận được sự quan tâm sâu sắc của ba mẹ trong việc cùng con giải quyết bài toán “làm thế nào để con ham học?”. Rồi khi các em ở trường, thầy cô là những người thay phụ huynh truyền thụ kiến thức và tư vấn giúp các em phương pháp học tập hiệu quả mà không bị áp lực. Bên cạnh đó, xã hội cần tạo ra những sân chơi, những hoạt động vừa học – vừa chơi để giúp các em khi đến tham gia (theo lứa tuổi) đều có thể cảm thấy rằng “Đây là sân chơi bổ ích để giúp mình học tốt hơn!”.
Làm được điều này, tôi tin chắc rằng chúng ta sẽ có được một thế hệ trẻ ham học hỏi, với kiến thức và khả năng tư duy cao.
Trần Minh Duy
(Phó hiệu trưởng Trường Quốc tế Việt Úc)
Bình luận (0)