Chuyện trẻ đi học mà bị mất bút, cục tẩy, hay cây thước… gần như là “chuyện thường ngày ở huyện”. Không ít bậc phụ huynh cũng như giáo viên đều nghĩ đơn giản rằng: “Trẻ con mà! Lớn lên chúng khắc hiểu không phải của mình thì sẽ trả lại người mất”. Tuy nhiên, dưới góc nhìn giáo dục, hành vi lấy cắp đồ của bạn dù là cái nhỏ nhất cũng cần phải uốn nắn kịp thời. Nếu hành vi đó lặp đi lặp lại nhiều lần sẽ trở thành thói quen xấu. Thậm chí, nó trở thành tính cách cố hữu của trẻ, khó mà khắc phục được.
Tôi có đứa cháu đang học lớp 1. Bên cạnh nỗi lo học chữ, làm toán của con thì mẹ cháu có thêm nỗi khổ khác: “Từ đầu năm học đến giờ cháu mất bao nhiêu là bút, thước…”. Mẹ cháu nói định báo với giáo viên chủ nhiệm, nhờ cô giúp nhưng cháu phản ứng mạnh mẽ, có vẻ sợ lắm. Gặng hỏi mãi cháu mới nói: “Con không nói với cô giáo đâu. Lúc trước cô có bảo với cả lớp là các con đi học phải tự bảo vệ đồ dùng học tập của mình, nếu để mất đồ mà mách cô là cô mắng. Cô bận rộn với nhiều việc lắm, các con nhớ nhé!”.
Là một người làm trong lĩnh vực giáo dục, tôi cứ băn khoăn về hiện tượng mất cắp đồ dùng học tập ở trường và phương pháp xử lý của giáo viên chủ nhiệm lớp cháu. Có thể lý giải rằng với cách răn đe như thế cô giáo muốn tập cho các cháu tự ý thức việc giữ gìn đồ dùng học tập của mình. Nhưng ở bậc tiểu học, cô giáo cũng cần nắm chắc đặc điểm tâm lý lứa tuổi của trẻ. Bởi các cháu chưa tập trung và suy nghĩ còn rất cảm tính, ngây thơ. Tuy nhiên, cách giải quyết vấn đề như cô giáo, theo cho biết của cháu tôi, thì thực tế có nhiều vấn đề không ổn. Bởi trong tư duy của trẻ nhỏ, cảm giác bị mất đồ khiến các cháu cảm thấy hoang mang, không biết bấu víu vào đâu khi đối mặt với những trục trặc đầu đời. Những khúc mắc, ấm ức cứ dồn nén mà không được quan tâm giải tỏa, để rồi chỉ còn lại ý nghĩ “mất ráng chịu” và lặng thinh về năn nỉ ba mẹ… mua cho cái mới. Sau đó, các cháu không dám cho bạn bè mượn đồ dùng vì sợ bị mất, khiến nảy sinh tâm lý ích kỷ, hẹp hòi, suy nghĩ tiêu cực về mọi người xung quanh. Còn đối với những trẻ nghịch ngợm hay giấu đồ của bạn hoặc nhặt được đồ bạn đánh rơi không muốn trả vì thấy thích quá. Vài lần không thấy có ai phản ứng gì, không được cô giáo can thiệp, uốn nắn kịp thời, trẻ sẽ không nhận ra rằng lấy đồ người khác là hành vi xấu mà ngược lại thấy chuyện lấy đồ người khác là bình thường; từ hành vi vô ý chuyển thành cố ý lấy cắp đồ người khác để thỏa mãn nhu cầu của mình thật nguy hiểm.
Lê Phạm (Đồng Nai)
Bình luận (0)