Con tôi năm nay học lớp lá. Ngay từ lúc bé chập chững biết đi, biết nói, chúng tôi thường răn dạy con không bao giờ được nói dối. Vợ chồng tôi luôn yêu cầu con cái phải tôn trọng sự thật, phản đối một cách gay gắt những hành vi, biểu hiện sự dối trá, nói dối mọi người của chúng, coi đó là điều xấu. Sự dạy dỗ, sự tác động thường xuyên của chúng tôi bước đầu đã phát huy tác dụng. Ở nhà, con tôi không bao giờ nói dối bố mẹ bởi cháu biết rằng che giấu những việc làm sai trái, hành động quậy phá của mình có thể sẽ bị bố mẹ phạt đòn, thậm chí là đòn đau.
Tôi rất mừng là các cô giáo ở trường mầm non cũng đề cao sự thật, gương mẫu trong việc giáo dục các cháu. Song có một điều bất ngờ mà con tôi cũng đã “nói thật”, ở lớp cô giáo dặn rằng về nhà không được nói với bố mẹ là ở lớp cô giáo đánh đòn, phạt đòn. Biết rõ cháu hay nghịch ngợm, quậy phá, tôi hỏi: Thế ở lớp con có bị phạt đòn không? Cháu trả lời: “Con không nói đâu” mà không trả lời là “không”. Tôi hỏi tiếp: Ở lớp, các bạn con có bị phạt đòn không? Không một chút lưỡng lự, cháu trả lời ngay là “có” và kể luôn một loạt những bạn hay quậy bị cô giáo phạt đòn. Tôi chuyển hướng: “Con cứ nói thật đi, bố không nói với cô giáo đâu!”. Cháu tiếp tục trả lời: “Cô dặn là về nhà nói với bố mẹ những gì thì hôm sau lên lớp phải nói thật với cô”. “Lên lớp con đừng nói với cô là về nhà con “méc” với bố con bị cô giáo phạt đòn” – tôi cài cháu vào thế “bí” để cháu nói thật, nhưng “Ở nhà con nói với bố mẹ những gì thì lên lớp con phải nói thật với cô chứ” – cháu dõng dạc trả lời. Mỗi ngày đi học về, cháu kể rất nhiều về những trò chơi, bài hát mới và những bạn được khen, những bạn bị phạt đòn song không bao giờ cháu nói với tôi là cháu cũng bị phạt đòn. Để kiểm định lại điều cháu nói, tôi đã chủ động trò chuyện với những phụ huynh có con học chung với con tôi và họ đều khẳng định con họ cũng nói như vậy. Không dừng lại ở đó, tôi hỏi thêm mấy phụ huynh có con học lớp mầm và những phụ huynh này cũng xác nhận đó là sự thật.
Là người làm công tác giáo dục, thiết nghĩ: trong xã hội ngày nay, xu hướng quốc tế hóa cùng với sự phát triển nhanh chóng của các phương tiện truyền thông đại chúng, đặc biệt là sự phát triển mạnh mẽ của hệ thống mạng internet thì vấn đề nuôi dưỡng, giáo dục một đứa trẻ trở thành người có ích cho xã hội là điều rất khó khăn và phức tạp. Xã hội ngày càng văn minh nhưng cũng nhiều cạm bẫy. Do đó, sự kết hợp giữa gia đình và nhà trường trong giáo dục là điều vô cùng quan trọng. Các cụ có câu “thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”, chính vì vậy mà trong giáo dục trẻ em đôi lúc cũng cần phải có những biện pháp xử phạt, đòn roi để răn đe, uốn nắn song phải thật phù hợp và cũng cần phải công khai. Việc các cô giáo sử dụng biện pháp phạt đòn học sinh, đặc biệt là lứa tuổi còn nhỏ cũng là điều hợp lý, song nó phải ở mức độ chấp nhận được và không nên lạm dụng nhiều. Và điều không bao giờ được phép đối với người làm công tác giáo dục là cố tình che giấu sự thật, khuyến khích sự dối trá. Trẻ em như búp trên cành, như tờ giấy trắng tinh và trách nhiệm của xã hội nói chung, của gia đình và những người làm công tác giáo dục nói riêng là vẽ lên đó những bức tranh tươi sáng, có giá trị xã hội cao, có ý nghĩa nhân văn cao cả. Để có được bức tranh đó, trong giáo dục trẻ em, chúng ta hãy bắt đầu bằng những hành động cụ thể, những việc nhỏ nhất, đơn giản nhất.
Nguyễn Văn Công
(Trường Sĩ quan Lục quân 2)
Bình luận (0)