Lớp 1 là lớp khởi đầu cho giai đoạn chinh phục tri thức dài lâu, do đó GV không nên quan tâm đến điểm số
|
Lo lắng, khóc lóc, đòi ba mẹ phải ngồi học cùng… là hình ảnh thường thấy ở nhiều trẻ khi bắt đầu vào lớp 1…
Tuy nhiên, qua sự động viên, an ủi nhẹ nhàng, thân thiện từ giáo viên (GV), trẻ dễ dàng hòa nhập vào môi trường mới một cách tự tin hơn.
Đến hẹn lại… mè nheo
Vốn có con nhỏ, lại là con một nên mỗi lần đi đâu chị Hoàng Lê Vy (nhà ở Q.4, TP.HCM) đều cho con – cháu Quốc Tuấn – đi theo. Riết rồi thành quen, lúc nào cậu bé cũng cứ bám chị như đuôi sam không xa nửa bước. Ngày đầu tiên dẫn Quốc Tuấn đi học lớp mẫu giáo, chị sinh bực vì con khóc ngất và không chịu vào lớp. Phải mất vài ngày dỗ dành cậu bé mới quen. Năm ngoái, Quốc Tuấn vào lớp 1 (Trường TH Đặng Trần Côn, Q.4), chị lại tiếp tục chứng kiến cảnh khóc lóc của con. “Cứ dẫn vào lớp, cháu lại gào khóc, nước mắt nước mũi lem nhem khắp mặt, tỏ ra thật tội nghiệp để mẹ phải ở lại. Khóc đến độ ói hết thức ăn sáng. Nhìn thấy vừa thương, vừa bực nhưng tôi vẫn phải kiên quyết giao con cho cô giáo. Mãi 3 ngày sau, được cô giáo động viên, an ủi cháu mới ngoan hơn và chịu học”, chị Vy thở dài cho biết.
Chuyện về những học sinh (HS) lớp 1 khóc lóc, không muốn rời ba mẹ khiến GV phải ra sức dỗ dành không có gì là lạ khi năm học mới đến. Một lớp cũng đến vài em, nhiều em quấy khóc 2-3 ngày, thậm chí cả tuần, cả tháng. Cô Nguyễn Thị Thanh Xuân – chủ nhiệm lớp 1A Trường TH Trương Quyền (Q.3) – cho biết: “Lớp 1 năm nào cũng có HS khóc trong những ngày đầu năm. Cứ ba mẹ dẫn đến lớp rồi ra về là các em lại khóc, đòi về theo. Có lẽ vì nghỉ hè quá lâu, HS quên đi những ngày trước đó từng học mẫu giáo nên lạ lẫm, chưa quen với môi trường mới, hay một số em được ba mẹ chiều, hoặc quá nhút nhát… nên khóc. Năm trước có một HS khóc suốt cả tháng trời sau mỗi buổi sáng chia tay mẹ. Vậy là cứ đầu buổi học, chúng tôi phải ra sức dỗ dành”. Cô Thanh Xuân chia sẻ thêm, nhiều em còn mè nheo, đòi ba mẹ phải ngồi sát bên suốt buổi học thì mới không khóc. Trường hợp này các cô giáo thường cố gắng nhẹ nhàng dỗ dành rằng ở nhà có mẹ thì ở lớp các cô sẽ là mẹ của con…
Hè vừa rồi, nhiều phụ huynh Trường TH Trương Quyền đăng ký cho con vào lớp “làm quen với lớp 1” để làm quen với các kỹ năng ổn định nề nếp thì có lớp, số trẻ khóc nhè lên đến cả chục em. Vì nhiều em khóc quá nên cả đội ngũ Ban giám hiệu nhà trường phải chung tay đi “dụ” các em bởi một mình GV chủ nhiệm không kiêm xuể việc dỗ dành. Vậy là người dỗ, người dẫn đi dạo xung quanh sân trường, chơi trò chơi; người dẫn về phòng GV cho các em tô màu theo sở thích…; thậm chí trong phòng GV lúc nào cũng có sẵn hũ kẹo, một số đồ chơi nhỏ để hỗ trợ dỗ dành các em. Cô Phan Thị Yến – Hiệu trưởng nhà trường – cho biết: “Làm như thế giúp các em quên đi việc nhớ cha mẹ, quên đi sự nhút nhát. Sau khi thấy các em vui tươi trở lại thì GV mới dẫn về lớp và tiếp tục khích lệ trẻ làm quen với bạn bè, môi trường học lớp 1”.
GV cần nhẹ nhàng, thân thiện
“Phụ huynh cần tập cho trẻ thói quen ngủ đủ giấc, thức dậy đúng giờ nhằm giúp trẻ đến trường với tinh thần sảng khoái và không bị trễ học”, ThS. Nguyễn Thị Trang Nhung chia sẻ.
|
Đối với trẻ nhỏ, bước chuyển tiếp từ mẫu giáo sang lớp 1 là một trong những bước ngoặt quan trọng và khá nhiều “thách thức”. ThS. Nguyễn Thị Trang Nhung (Chuyên viên tư vấn Tổng đài 1088 – Trung tâm Đào tạo và Chăm sóc tinh thần Ý tưởng Việt) cho rằng, ở môi trường mẫu giáo, việc học của trẻ được tiến hành qua các hoạt động vui chơi, có cô giáo chăm lo, nhắc nhở từ giờ ăn dặm, uống sữa đến đưa đi vệ sinh; giờ học khá “mềm mại” như đi trễ một chút cũng không sao, trẻ được thoải mái bộc lộ cảm xúc như khóc, ăn vạ khi bị bạn giành đồ chơi, chạy nhảy, hò hét, nói chuyện… Sang lớp 1, mọi thứ đảo ngược hoàn toàn. Trẻ phải làm quen với môi trường học tập nghiêm khắc từ giờ giấc đến nội quy. Như có mặt ở trường đúng giờ, ngồi đúng tư thế trong khoảng thời gian nhất định, chỉ phát biểu chứ không nói chuyện và giờ học là làm quen với những con số, chữ cái. Ngoài ra, phương tiện vui chơi không còn nhiều như trước, buộc trẻ phải giao tiếp nhóm nhiều hơn, bắt đầu thiết lập những quy tắc ứng xử, học cách giải quyết những vấn đề nảy sinh trong quá trình giao tiếp; GV ít có thời gian quan tâm chu đáo như ở mẫu giáo khiến trẻ phải tăng cường hơn nữa sự tự lập, tự chăm sóc cho bản thân mình. Nếu không được chuẩn bị tâm lý, kỹ năng thích ứng thì trẻ dễ rơi vào trạng thái lo âu, hoảng sợ, buồn bã, khóc lóc, kém hoạt bát hơn hẳn so với thời điểm trước khi đi học. Thậm chí một số trẻ tìm các lí do như: Đau bụng, bị ốm để không phải đi học.
Để giúp trẻ dễ dàng hòa nhập vào môi trường mới, ThS. Nguyễn Thị Trang Nhung cho biết: “GV cần hướng dẫn, giải thích chi tiết, cụ thể về những quy định của trường mới, quan tâm, hỏi han lắng nghe những tâm sự của HS để các em không cảm thấy “đơn độc” trong ngôi trường mới. Lớp 1 là lớp khởi đầu cho giai đoạn chinh phục tri thức dài lâu, do đó GV không nên vội vàng quan tâm đến thành tích, điểm số của trẻ. Hãy cùng trẻ giải quyết những khó khăn trong việc hòa nhập cùng bạn bè, trường lớp thông qua việc hướng dẫn trẻ cách ứng xử, chào hỏi, cách giơ tay, cầm bút, cách ngồi đúng tư thế… Như vậy trẻ mới thực sự coi trường lớp là điểm đến đáng mong đợi vào mỗi buổi sáng và về nhà với nụ cười rạng rỡ trên môi”.
Trong khi đó, muốn trẻ hòa nhập nhanh hơn, cô Phan Thị Yến cho biết: “Phụ huynh nên dứt khoát khi giao HS cho nhà trường. Việc xin ngồi lại cả buổi cùng con khiến trẻ càng được đà để khóc, gây khó cho GV trong việc giúp các em làm quen với môi trường mới”.
Bài, ảnh: Ngọc Trinh
Giúp trẻ cảm nhận sự yêu thương
Hàng năm, vào đầu năm học, Trường TH Trương Quyền luôn dành ra một tuần cho GV dẫn HS lớp 1 đi tham quan các phòng, giới thiệu chức năng từng phòng để các em biết mà không lạ lẫm; hướng dẫn các em cách vệ sinh cá nhân, tự chăm sóc bản thân, cách đi đứng, xếp hàng, cách ngồi, giơ tay, chào hỏi. Bên cạnh đó, GV tập trung tạo điều kiện để HS ca hát, xen lẫn những trò chơi, tạo không khí vui tươi giúp trẻ thích thú, yêu thích lớp học. Khi gặp trường hợp HS quấy khóc, GV nhẹ nhàng động viên để trẻ cảm nhận được sự yêu thương, quan tâm thân thiện của cô giáo. Tuyệt đối không yêu cầu HS phải làm ngay theo những quy tắc, nội quy như các HS lớp lớn.
|
Bình luận (0)