Thầy giáo là một nghề. Mỗi nghề có đặc trưng, có công cụ riêng của nó. Và công cụ chủ yếu của người thầy chính là nhân cách. Hoạt động giáo dục là quá trình tác động từ thầy đến trò – nhân cách thầy -> nhân cách trò. Cấu trúc nhân cách người thầy bao gồm những phẩm chất và năng lực đặc trưng; trong đó, theo tôi lòng tự trọng là phẩm chất cốt lõi, chủ yếu nhất mà người thầy không thể thiếu được. Nếu đánh mất lòng tự trọng thì không nên làm thầy và không nên để người đó tiếp tục làm thầy vì họ không còn uy tín và tư cách đứng lớp nữa.
Người có lòng tự trọng không cho phép mình làm những điều sai trái dù tránh né được pháp luật. Lòng tự trọng buộc người thầy sống, làm việc vô điều kiện theo những chuẩn mực đạo đức và lương tâm nghề nghiệp; cảm thấy xấu hổ, ray rứt khi lỡ làm điều sai trái dù người khác không biết. Người thầy có lòng tự trọng cao luôn được học trò, đồng nghiệp, phụ huynh học sinh và xã hội tôn trọng và ủng hộ; sẵn sàng nhận lỗi và chịu trách nhiệm về các sai sót của mình.
Hầu hết đội ngũ thầy cô giáo đều có lòng tự trọng cao, luôn ý thức được rằng cần tu dưỡng thường xuyên về mọi mặt, giữ gìn phẩm giá của mình để được mọi người tôn trọng. Sĩ khí của người thầy là không bao giờ chịu nhục – kẻ sĩ ngày xưa thà chịu chết chứ không chịu nhục (ninh thọ tử, bất ninh thọ nhục). Điều quý giá nhất của người thầy là danh dự và được tôn trọng chứ không phải tiền tài, địa vị.
Việc ứng xử cũng như quản lí thầy cô giáo phải xuất phát từ đặc trưng nhân cách này. Luôn khơi dậy, đánh thức và nuôi dưỡng lòng tự trọng của người thầy là việc làm khôn ngoan và có hiệu quả cao, phát huy mạnh mẽ tiềm năng và tính tự giác của người thầy; mọi sự áp đặt thường xuyên, thiếu tôn trọng người thầy sẽ tạo ra sự đối phó và hành động miễn cưỡng ở họ.
Hiện nay một số rất ít thầy cô đã giảm sút lòng tự trọng, có những hành vi trái lương tâm trong việc dạy thêm hay thực hiện chức trách của mình làm ảnh hưởng đến uy tín ngành giáo dục. Đừng để “con sâu làm rầu nồi canh”. Cần giám sát, giáo dục và xử lý nghiêm minh các trường hợp bất chính này.
Nguyễn Văn Tường (nhà giáo hưu trí)
Bình luận (0)