Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

“Đốt” tiền vào những cuộc chơi vô bổ

Tạp Chí Giáo Dục

Có không ít tân sinh viên phải chạy đôn chạy đáo lo tiền đóng học phí thì bên cạnh đó cũng có không ít bạn “đốt mình” trong các cuộc vui như thế này. (Ảnh chỉ mang tính minh họa)

Hiện nay nhiều trường ĐH trên cả nước bắt đầu tiếp nhận tân sinh viên nhập học năm học 2009-2010. Trong khi có không ít thí sinh hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn đang chạy đôn chạy đáo lo tiền đóng học phí và các khoản chi phí khác thì có một bộ phận không nhỏ TS gia đình khá giả tự thưởng cho thành tích… vượt vũ môn của mình bằng cách “đốt tiền” vào những cuộc vui chơi vô bổ.
Những chuyến “du hí” tốn kém
Ngay sau khi biết mình thi được 23 điểm, Minh Quyên (TP.HCM) đã tự tin mình sẽ cầm chắc “tấm vé” vào Trường ĐH Ngoại thương TP.HCM. Vì vậy mà bạn đã lên kế hoạch đi “nghỉ mệt” hoành tráng sau những ngày vật lộn với bài vở ôn thi tốt nghiệp và ĐH. Đó là chuyến du lịch về quê ngoại tít ngoài… Hải Phòng. Ba mẹ Quyên là những người buôn bán, không có thời gian đưa cô con gái “rượu” đi chơi nên đã giao cho con toàn quyền quyết định về chuyến đi của mình. Được tự do thoải mái chọn lựa nên Quyên đã rủ người bạn “ruột” cùng tham gia. Ra Hải Phòng, hôm đầu tiên chỉ mới kịp “điểm mặt” sơ sơ vài người thân bên ngoại thì hôm sau hai cô nàng đã có mặt tại Khu du lịch biển Đồ Sơn. Vùng vẫy chưa được hai ngày, cả hai lại chuyển hướng lên Sapa và kết thúc chuyến đi sau khi “dạo” một vòng khắp các khu vui chơi ở Hà Nội cho thỏa chí. Bị gia đình trách mắng, Quyên ngụy biện rằng chuyến đi đó là xứng đáng cho những gì cô đạt được sau kì thi ĐH. Thương con và sợ con “làm mình làm mẩy” nên bố mẹ Quyên đành cho qua. Trong thời gian chờ đến ngày làm thủ tục nhập học năm học mới, cô nàng “đốt mình” bằng những trò vô bổ cùng bạn bè, hết la cà quán cà phê lại đi ăn uống, đi chơi quán bar… Khi được hỏi sao không tham gia những hoạt động khác có ích hơn thì Quyên trả lời hồn nhiên: “Phải tranh thủ chứ! Bây giờ không tận hưởng mất quyền lợi”. Không riêng gì Quyên, nhiều bạn trẻ khi có kết quả đậu ĐH đã lên kế hoạch đi “du hí” để tận hưởng thành quả mà mình đạt được. Quốc Đạt – có kết quả thi vừa đủ điểm đậu vào Trường ĐH Kinh tế TP.HCM – đã lập tức xin mẹ sang Singapore, nơi bố Đạt đang làm việc để “học hỏi” kinh nghiệm. Không hiểu Đạt học hỏi được điều gì bên đó mà chỉ mới được năm ngày đã thấy chàng ta lóc cóc mò về. Hỏi ra mới biết, chàng ta sang đó chỉ để cho “biết tây, biết ta” nhưng không ngờ gặp phải ông bố khó tính. Những tưởng sẽ tha hồ được vui chơi cho “thỏa chí tang bồng” thì Đạt lại phải suốt ngày cắm đầu ở trong phòng hết chơi game, xem phim rồi chờ đến tối bố đi làm về dẫn đi ăn. Có hôm bố bận họp, Đạt đành “ngậm ngùi” ăn mì gói. Suy đi tính lại, thấy ở nhà vẫn hơn, Đạt xin bố khăn gói về nhà với lý do… nhớ mẹ. Về nhà chưa kịp nghỉ được một ngày, chàng ta đã lên kế hoạch cùng lũ bạn “bù” lại khoảng tự do đã mất bằng những chuyến du lịch dài ngày tại những khu resort có tiếng ngoài miền Trung và tiêu xài không kém phần xa xỉ.
Đến cách “đốt tiền” theo kiểu… con nhà giàu
 Vốn có ba mẹ làm trong ngành dầu khí nên ngay từ trước khi thi ĐH, Minh Thành (Bà Rịa – Vũng Tàu) đã được hứa hẹn nhiều điều nếu thi đậu vào ĐH Luật TP.HCM. Do đó, ngay khi nhận được kết quả thi đậu, việc đầu tiên là Thành nằng nặc đòi bằng được chiếc xe tay ga P/S mà gia đình đã hứa mua cho. Riêng việc anh chàng “đầu tư” cho ngoại hình cũng tốn kém đáng kể vì những thứ Thành “điểm mặt” đều là hàng hiệu được “săn” ở những trung tâm mua sắm có tiếng tại TP.HCM. Chưa hết, Thành còn nài nỉ anh trai đang làm việc tại Malaysia thưởng cho một máy tính xách tay hiệu Sony Vaio cho “xứng tầm”. Cũng đầu tư vào ngoại hình nhưng Thùy Nguyên (Đà Nẵng) lại có vẻ “công phu” hơn. Số là sắp đến thời gian làm thủ tục nhập học Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, Nguyên muốn mình phải thật “bắt mắt” để cho dân Hà thành phải “lác mắt” khi nhìn cô gái của “khúc ruột miền Trung”. Sẵn bố mẹ là đại gia có tiếng trong giới buôn bán hàng mỹ nghệ, cô tha hồ tung tiền mà không phải suy nghĩ. Thế là ngoài thời gian dành cho việc mua sắm những bộ cánh, giày dép, túi xách cùng những phụ trang đắt tiền, Nguyên dồn hết thời gian còn lại vào thẩm mỹ viện. Vứt bỏ mái tóc thắt bím đáng yêu ngày nào, cô “tân trang” lại mái đầu của mình với những sợi tóc thật “mì tôm”, đôi mắt lúc nào cũng long lanh ướt át, cùng những viên đá xinh xắn chỉ nhỉnh hơn đầu que tăm với giá trị 300 USD đặt tận bên Mỹ. Vì vậy, so với gương mặt non nớt ban đầu, bây giờ bạn bè trông cô khác hẳn. Nguyên cho rằng năm học mới, học trong môi trường mới thì con người cũng phải “mới” để hòa nhập.
Những trường hợp kể trên chỉ là con số ít ỏi trong số rất nhiều thí sinh có “xuất xứ” từ những gia đình có điều kiện kinh tế khá giả hoặc có địa vị trong xã hội. Các bạn không đến nỗi ham chơi bỏ bê việc học hành, bằng chứng là họ đã tự mình vượt qua kì thi ĐH, giành được vị trí ngay từ “vòng 1”. Đành rằng, các bạn xứng đáng được nhận phần thưởng sau những nỗ lực phấn đấu để đạt được kết quả đó. Nhưng liệu đã bao giờ các bạn nghĩ tới những người bạn cùng trang lứa kém may mắn, đang ngày đêm canh cánh nỗi lo các khoản học phí nhập học đầu năm? Và có bao giờ, những bậc làm cha mẹ nghĩ được rằng, chính sự dung túng của họ đã tạo điều kiện cho con mình sa đà, hư hỏng nếu không được chỉnh đốn kịp thời?
Bố mẹ là đại gia có tiếng trong giới buôn bán hàng mỹ nghệ nên Thùy Nguyên tha hồ tung tiền mà không phải suy nghĩ. Ngoài thời gian đi mua sắm những bộ cánh, giày dép, túi xách cùng những phụ trang đắt tiền, Nguyên dồn hết thời gian còn lại vào thẩm mỹ viện. Vứt bỏ mái tóc thắt bím đáng yêu ngày nào, cô “tân trang” lại mái đầu của mình với những sợi tóc thật “mì tôm”, đôi mắt lúc nào cũng long lanh ướt át…
Ngọc Anh

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)