Em Nguyễn Anh Lộc bên bàn học
|
Trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ 2013, Trường ĐH Cần Thơ có 4 thí sinh cùng đạt 26,5 điểm. Hai trong số 4 thủ khoa đều xuất thân từ Trường THPT chuyên Lý Tự Trọng và có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Giáo Dục TP.HCM xin giới thiệu hai gương mặt thủ khoa này.
Không nghĩ sẽ đậu thủ khoa
Đến cơ sở thủ công kết cườm Phước Mai, trên đường Trần Quang Diệu, phường An Thới, quận Bình Thủy (TP.Cần Thơ) tôi như lạc vào khu vườn cổ tích với những chậu hoa, túi, giỏ và nhiều vật dụng sinh hoạt bằng cườm và pha lê lấp lánh muôn màu sắc. Trên nền nhà, tân thủ khoa Trường ĐH Cần Thơ Tô Nguyễn Phước Mai đang cùng mẹ – chị Nguyễn Thị Ngọc Trâm – tỉ mỉ kết những viên cườm và pha lê, tạo ra những chậu hoa xinh đẹp. Thấy khách vào, Mai khoanh tay chào thật lễ phép. Chị Ngọc Trâm chia sẻ: “Khi Mai thi ĐH, tôi chỉ động viên con ráng thi đậu để sau này dễ xin việc làm. Tôi cũng chuẩn bị sẵn phương án cho cháu học CĐ nếu thi rớt. Không ngờ cháu đạt thủ khoa, tôi mừng đến nỗi mấy đêm liền không ngủ được”. Cũng như mẹ, Mai bộc bạch: “Khi dò theo đáp án của Bộ GD-ĐT, con đánh giá mình trên 25 điểm vì nghĩ sức học của mình bình thường thôi. Nhưng thật bất ngờ khi con nằm trong top cao điểm nhất”.
Kỳ thi tuyển sinh ĐH vừa qua, Mai thi vào Trường ĐH Cần Thơ, đạt thủ khoa khối A ngành công nghệ thực phẩm và á khoa khối B (26 điểm) ngành công nghệ sinh học. Kết quả trên là tổng hợp nỗ lực của cả hai mẹ con. Trước đây chị Ngọc Trâm là Phó chủ tịch Mặt trận Tổ quốc phường An Thới, phụ trách chương trình xóa đói giảm nghèo. Khi chia tay cha của Mai, chị xin nghỉ để có thể kiếm đủ tiền nuôi hai con ăn học, và chị đã làm nhiều công việc vất vả để hai con được đến trường. Khi học tiểu học, Mai thường theo mẹ đến các chợ để bán sản phẩm do nhà làm ra, trong đó được ưa chuộng nhất là mặt hàng kết cườm. Lên THCS, sau buổi học cậu cùng mẹ làm hàng và phụ trách khâu giao hàng. Là chuyên gia kết cườm của Cần Thơ, chị Trâm còn nổi tiếng về đính hạt áo dài, kết cườm váy dạ hội. Đây là những việc thủ công nên rất tốn thời gian. Nhiều đêm giật mình thức dậy, thấy mẹ cặm cụi làm việc, cậu bé thương mẹ lắm và quyết tâm học thật giỏi để mẹ vui lòng. Với ý nguyện đó, suốt thời gian học phổ thông, em luôn là học sinh giỏi toàn diện và đạt nhiều giải thưởng, trong đó có giải nhì môn hóa cấp thành phố năm lớp 9; học sinh giỏi cấp thành phố môn hóa năm lớp 11 và lớp 12… Kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua, Mai cũng nằm trong số thí sinh đạt điểm cao của Cần Thơ với 54,5 điểm. “Với tất cả môn học, mỗi khi học bài mới, điều quan trọng là phải tìm ra trọng tâm của bài: Xác định chỗ nào cần thuộc, chỗ nào chỉ cần hiểu. Đặc biệt phải tập cách suy luận, tư duy logic. Như vậy không cần phải học thuộc tất cả những ý trong bài học. Ngoài ra cần để não có thời gian tiếp thu, không nên học dồn học ép”, Mai chia sẻ “bí quyết” học tập của mình. Riêng với môn hóa – môn học em yêu thích – thì: “Chúng ta phải học thuộc, nhớ hóa tính của từng chất, rồi viết ra được các phương trình hóa học, từ đó suy ra nó có phản ứng hay không? Nếu phản ứng thì sẽ tạo ra chất gì? Đối với một số dạng phương trình đặc biệt, phức tạp thì phải làm nhiều bài tập, từ đó nhớ các công thức và tích lũy kinh nghiệm. Ngoài ra phải học thuộc và vận dụng 3 nguyên tắc: Bảo toàn khối lượng, bảo toàn số electron; bảo toàn nguyên tố! Đây là chìa khóa để giải hầu hết các bài tập”. Hỏi về ước mơ, tân khủ thoa chân thành nói: “Con cố gắng học thật giỏi để có học bổng, đỡ phần nào khó khăn cho mẹ”.
Thầy Bùi Phương Dũng Kiệt – giáo viên chủ nhiệm, dạy Mai môn toán – nhận xét: “Em Mai có ý thức tự học và tính cẩn thận, khi làm bài rất ít phạm sai sót trong phần diễn giải, trình bày. Điểm nổi bật khác là em rất trung thực: Trong một lần kiểm tra, bài của em được 8 điểm, tôi ghi nhầm vào sổ thành 9 điểm. Chính em phát hiện và báo cho tôi để sửa lại. Khi tham gia các hoạt động, phong trào của trường, em đều xung phong nhận những phần việc nặng, khó khăn và luôn chia sẻ cách giải đề, phương pháp học tốt với bạn bè”.
Đền đáp công ơn cha mẹ, thầy cô
Em Mai cùng mẹ (chị Ngọc Trâm) đang kết cườm |
Cũng như Mai, Nguyễn Anh Lộc, thủ khoa khối B ngành công nghệ kỹ thuật hóa học (Trường ĐH Cần Thơ) luôn coi trọng phương pháp tự học. Vì vậy mà Lộc liên tục là học sinh xuất sắc suốt thời phổ thông và đạt nhiều danh hiệu học sinh giỏi các cấp, trong đó có giải nhì cấp thành phố môn toán năm lớp 11 và giải khuyến khích cuộc thi máy tính bỏ túi môn sinh lớp 12. Lộc cho biết động cơ khiến em học giỏi: “Con cố gắng học để bù vào những gì cha mẹ chưa đạt được”. (Ba Lộc làm thợ máy, còn mẹ nội trợ – PV). Ở Trường THPT chuyên Lý Tự Trọng, Lộc là học trò cưng của ThS. toán Trần Diệu Minh. Em cho biết: “Phương pháp dạy của thầy Minh khiến con càng yêu thích môn toán. Khi dạy bài mới thầy giảng kiến thức rồi đặt câu hỏi: Tại sao như vậy? Để trả lời được, chúng con phải tìm tài liệu tìm hiểu trước về bài học. Thầy cho nhiều bài tập rồi kêu học sinh lên bảng giải. Bài nào cả lớp không giải được thì về nhà tự tìm hiểu hoặc học nhóm tìm cách giải. Chừng nào “bó tay toàn tập”, chúng con đến thưa để thầy hướng dẫn cách giải. Thầy đặc biệt quan tâm sửa bài tập, hướng dẫn chúng con trình bày lời giải, vì nhiều bạn giải toán khá nhanh nhưng bị vướng ở phần trình bày nên không được điểm cao, thậm chí bị mất điểm… Trước kỳ thi tuyển sinh ĐH, thầy chúc: “Lộc cố gắng đạt thủ khoa nhé”. Lời chúc của thầy góp phần động viên con cố gắng làm bài tốt. Có thể nói, nhờ công ơn và tình thương của thầy cô, con mới có được thành công bước đầu này”.
Theo Lộc, để học tốt môn toán phải đọc nhiều tài liệu, giải nhiều bài tập theo hướng chuyên đề như các dạng bài tích phân, dạng bài khảo sát hàm số, hệ phương trình. Đặc biệt, khi làm bài phải “thủ” cuốn tập để trình bày bài giải. Lộc phân tích: “Cách làm này giúp chúng ta không vướng phần trình bày, đây là hạn chế phổ biến ở học sinh khi giải bài tập toán”.
Cô Vũ Kim Hồng – giáo viên chủ nhiệm lớp của Lộc – nhận xét: “Trong học tập, khi phát hiện vấn đề hay, cách giải một bài tập khó, Lộc đưa lên mạng chia sẻ với các bạn. Để giáo dục các em kỹ năng sống, mỗi tuần tôi đưa ra một đề tài để các tổ thảo luận, chẳng hạn về chủ đề tình thương giữa con người với nhau? tính nhân văn, thái độ vô cảm trong xã hội… tổ của Lộc soạn bài khá sâu, khi thuyết trình thường được cả lớp đồng tình, khen ngợi”.
Hỏi em về ước vọng cho tương lai? Lộc thành thật: “Con cố gắng học thật tốt, sau này ra trường có việc làm và thành công trong công việc để báo hiếu cha mẹ”.
Bài, ảnh: ĐAN PHƯỢNG
Bình luận (0)