Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Viết về trẻ em – cần một chữ tâm

Tạp Chí Giáo Dục

Khi viết về trẻ em cần thận trọng trong cách sử dụng câu từ…
Vì chạy theo thị hiếu mà không ít tờ báo khi đưa tin về trẻ em bị lạm dụng tình dục, nhiễm HIV… đã cố tình bỏ qua quy tắc cũng như công ước quốc tế về quyền trẻ em…
Đó là những ý kiến nổi bật được các nhà báo và lãnh đạo các cơ quan báo chí đưa ra mổ xẻ tại hội thảo “Đưa tin về trẻ em và đạo đức nghề nghiệp của nhà báo” do Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí (Hội Nhà báo Việt Nam) và Hội Nhà báo TP.HCM – Tạp chí Nghề Báo tổ chức vừa qua tại TP.HCM.
Trẻ em trở thành… nạn nhân của nhà báo
Nhà báo Phạm Quốc Toàn, Phó chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, cho biết: “Hiện nay, nhiều tờ báo, đặc biệt là báo mạng còn xem nhẹ việc đưa tin, ảnh về trẻ em. Quy tắc đưa tin về trẻ em lại bị phóng viên cố tình bỏ qua đã ảnh hưởng không nhỏ đến lối sống và nhân cách của trẻ sau này. Trách nhiệm của nhà báo là phải đặt mình vào vị trí của trẻ để có những tin, bài mang tính giáo dục cao và định hướng dư luận”. Trong khi đó, PGS.TS Đinh Thị Thúy Hằng, Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí, nhìn nhận: “Trẻ em là đối tượng dễ tổn thương, cần phải được tôn trọng, đặc biệt là tôn trọng nhân phẩm và quyền trẻ em. Thời gian qua, những tin bài khai thác triệt để về những tai nạn liên quan đến trẻ như bị hiếp dâm, hành hạ… ở một số báo mạng cho thấy đối tượng trẻ em không những không được bảo vệ mà còn bị ngược đãi, xâm phạm”.
Nhiều ý kiến tại hội thảo đều tỏ ra bức xúc trước thực trạng xử lý tin bài, hình ảnh trẻ em trên báo không được coi trọng. TS. Nguyễn Thành Lợi – Phó giám đốc thường trực Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí – cho rằng trẻ em là đối tượng vừa tiếp nhận, vừa là người kiến tạo của truyền thông, đồng thời là chủ thể, khách thể và cũng là nạn nhân của truyền thông. Do đó, trẻ em cần được bảo vệ và giám sát.
Ông Vũ Văn Long, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Kon Tum chia sẻ: Khi thu thập, xử lý thông tin liên quan đến trẻ em (như những vụ cưỡng hiếp, hành hạ thân thể…) phải trung thực, không ghi hình cận cảnh nạn nhân, lời bình nhẹ nhàng (đối với truyền hình). Với báo in thì tuyệt đối không khai thác quá sâu vào đời sống riêng tư của nạn nhân. Sử dụng câu từ, hình ảnh cần kiềm chế để tránh tổn thương đối với gia đình nạn nhân. Đặc biệt, phóng viên phải tôn trọng cái riêng tư, không kỳ thị, định kiến.
Đừng xem trẻ như “mỏ quặng”
“Viết về trẻ em phải viết bằng trái tim người mẹ. Nhiều tờ báo lá cải tập trung khai thác những câu chuyện li kỳ, hấp dẫn từ trẻ em, mổ xẻ, khai thác những chi tiết rùng rợn… vô hình trung đã bỏ qua chức năng giáo dục của báo chí”, nhà báo Đỗ Thị Thanh Nhã, Phó chủ tịch Hội Nhà báo Hà Nội – Tổng biên tập Báo Phụ Nữ Thủ Đô, nói.
Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân, Phó chủ tịch Hội Nhà báo TP.HCM – Tổng biên tập Tạp chí Nghề Báo, thừa nhận: “Báo mạng và báo in có nhiều sai phạm khi đưa tin về trẻ em. Có thể vì chạy theo bạn đọc mà phóng viên cố tình bỏ qua quy tắc đưa tin về trẻ em. Nhiều tờ báo coi trẻ em là một “mỏ quặng” màu mỡ và khai thác triệt để để bán báo. Người cầm bút phải là người đi đầu trong việc tôn trọng và bảo vệ trẻ em. Trẻ em “hít thở” truyền thông như người lớn, vì vậy viết về trẻ em cần thận trọng như viết cho chính con em mình đọc”. Để hạn chế những sai sót khi đưa tin, bài về trẻ em, theo nhà báo Huỳnh Dũng Nhân: Bài học xử lý tin, bài tốt cần được nhân rộng; nhà báo phải có cái tâm của người cầm bút bởi cái tâm của nhà báo có ảnh hưởng rất lớn đến việc giáo dục và cho ra một sản phẩm tốt.
Bàn về cái tâm nghề báo, nhà báo Bích Hạnh, Báo Khăn Quàng Đỏ, chia sẻ: “Nhà báo phải nắm chắc công ước quốc tế về quyền trẻ em. Sự hiểu biết đó của nhà báo là một cẩm nang để viết tin, bài tốt hơn. Ngoài việc thông tin, tin, bài viết còn phải đảm bảo chức năng giáo dục, định hướng. Nhà báo phải vì quyền lợi, vì sự phát triển của trẻ em”.
Bà Nguyễn Hữu Hoàng Khuyên, giảng viên Khoa Báo chí – Truyền thông (Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM) lập luận: “Để có một sản phẩm báo chí viết về trẻ em tốt thì trước hết người viết phải ý thức vai trò, chức năng của báo chí. Người viết phải làm tốt công tác định hướng, giáo dục dư luận, cầu nối xã hội, nhà sư phạm để hướng người đọc đến cái chân, thiện, mỹ. Cơ quan chức năng ít khi nào “tuýt còi” về những sai phạm liên quan với việc đưa tin về trẻ em. Đó cũng là một trong những lý do khiến ít có những bài báo viết về trẻ em chất lượng”.
Bài, ảnh: Trần Tuy An
 
Ông Lê Trí, đại diện Sở Thông tin – Truyền thông TP.HCM: Đưa tin về trẻ em có vấn đề không tốt đẹp sẽ ảnh hưởng đến đời sống tinh thần của trẻ về sau này. Thời gian gần đây, có những tin  bài không được chắt lọc xuất hiện ở một số tờ báo. Lỗi của nhà báo là một, lỗi của ban biên tập là mười.
Em Nguyễn Trần Thái Khanh, HS Trường THCS Nguyễn Du, Q.1 (thành viên CLB Phóng viên nhí Báo Khăn Quàng Đỏ): Khi đưa tin về trẻ em bị lạm dụng tình dục, bị hiếp dâm, đánh đập… phóng viên không nên đặt những câu hỏi nhạy cảm, không đưa tin cụ thể về tên tuổi, địa chỉ, trường lớp nơi bạn đó theo học. Việc đưa thông tin quá cụ thể sẽ khiến nạn nhân bị kỳ thị dẫn đến nghĩ quẩn, rồi làm chuyện không hay.
 
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)