Hội nhậpGiáo dục phát triển

Tự chủ trước khi áp dụng học chế tín chỉ

Tạp Chí Giáo Dục

Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4

Năm học 2009-2010 là thời hạn được Bộ Giáo dục-đào tạo ấn định để áp dụng đồng loạt học chế tín chỉ. Nhưng tại hội nghị tổng kết năm học được tổ chức qua truyền hình trong hai ngày 26 và 27-8 vừa qua, nhiều trường cao đẳng, đại học lại muốn tiếp tục trì hoãn “cải cách” quan trọng ấy.

Năm 1981, từ một thanh niên phải làm nghề quét dọn để có bằng trung học phổ thông, Nguyễn Tuệ được chọn vào học ở Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) ở Mỹ. Ba năm sau, Tuệ lấy hai bằng cử nhân: toán và vật lý; năm tiếp theo đó Tuệ lấy thêm ba bằng khác: điện, điện toán và nguyên tử. Nguyễn Tuệ không chỉ là người Việt Nam đầu tiên mà còn là sinh viên đầu tiên của học viện lừng danh này lập kỷ lục lấy năm bằng cử nhân chỉ sau bốn năm học tập.

Có lẽ yếu tố chính để Nguyễn Tuệ đạt được thành tích ấy là tư chất cá nhân. Nhưng nếu học ở một trường đại học bắt buộc sinh viên phải học mỗi bằng đại học qua đủ bốn năm, thì cho dù có xuất chúng Nguyễn Tuệ cũng không thành công như thế.

Học chế tín chỉ được khởi xướng ở Harvard từ năm 1872 và được áp dụng rộng rãi ở Mỹ và nhiều nước từ đầu thế kỷ 20. Và hiện nay ngay cả Mozambique, Uganda… cũng đang áp dụng. Học chế tín chỉ cũng đã từng được áp dụng tại Đại học Cần Thơ và Thủ Đức trước năm 1975. Đại học Bách khoa TP.HCM đã khôi phục nó từ năm 1993 và tiếp theo đó lần lượt Đại học Đà Lạt, Cần Thơ, Thủy sản Nha Trang.

Năm 2001, bộ trưởng Bộ Giáo dục-đào tạo Nguyễn Minh Hiển quyết định cho thí điểm rộng rãi học chế này và từ đó có khoảng 10 trường đại học ở Việt Nam áp dụng. Chỉ đạo của Bộ Giáo dục-đào tạo hiện nay thực chất là triển khai nghị quyết về “chuyển sang chế độ đào tạo theo hệ thống tín chỉ” đã được Chính phủ ban hành từ nhiệm kỳ trước (2005).

Không cần phải nhắc lại tính tích cực của học chế tín chỉ, vấn đề là tại sao bộ thúc trong khi một số trường thì lại không mặn mà. Lý do mà các trường đưa ra không phải là tình trạng từ giáo viên đến sinh viên đã quen với lối học: thầy đọc, trò ghi về nhà học thuộc, giờ đôi bên đều phải “động não”.

Các ý kiến băn khoăn chủ yếu về những ràng buộc trong cơ chế hiện nay. Bà Bùi Trân Phượng, hiệu trưởng Đại học Hoa Sen, nói bà không được phép “quốc tế hóa đội ngũ giảng viên”, trong khi tìm “thầy” ở trong nước thì rất hiếm. Chủ tịch HĐQT Cao đẳng Kinh tế kỹ thuật Bình Dương thì “không triển khai được học chế tín chỉ” chỉ vì trường ông không lo đủ diện tích tối thiểu là 5ha như mức đề ra của bộ.

Tại sao phải là 5ha? Có lẽ những người đưa ra những quy định trên đây đã tham quan sự to lớn của các trường đại học người ta nên đòi đại học Việt Nam cũng phải có quy mô hoành tráng vậy. “Diện tích tối thiểu” chỉ là một ví dụ mà chúng tôi trích dẫn. Vấn đề mấu chốt của học chế tín chỉ là sự năng động, tính tự chủ của cả sinh viên và giáo viên cũng như của các trường đại học.

Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright tại TP.HCM, hợp tác giữa Harvard và Đại học Kinh tế TP.HCM, trong nhiều năm áp dụng một mô hình đào tạo cao học hết sức tích cực với đội ngũ giảng viên được Harvard đưa sang. Nhưng từ năm học 2007-2008 trở về trước, chương trình này đã không được cấp bằng cao học cho học viên chỉ vì những quy chế vô cùng máy móc.

Lý do thứ nhất để chương trình Fulbright không được cấp bằng cao học là do bộ quy định thời gian đào tạo cao học phải kéo dài hai năm. Thế là trong khi hàng loạt chương trình tại chức khác có thể cấp bằng “vô tư” vì “kéo” đủ hai năm, cho dù mỗi tuần họ chỉ dạy vài ba buổi tối, thì Fulbright lại không dù dạy ngày hai buổi trong suốt 10 tháng trời với đội ngũ giáo sư vào hàng ưu tú nhất. Lý do thứ hai, Fulbright không dạy các môn chính trị Mác-Lênin. Sẽ không có sự khúc mắc trên đây nếu khi ấy bộ cho phép Fulbright áp dụng theo chế độ tín chỉ.

Các giáo sư Harvard có thể không có khả năng đảm đương việc giảng dạy các môn Mác-Lênin, nhưng Fulbright có thể yêu cầu các học viên lấy các tín chỉ này từ Đại học Kinh tế (như hiện nay họ làm) hoặc từ Học viện Chính trị hành chính quốc gia Hồ Chí Minh. Về thời hạn hai năm, học chế tín chỉ không ràng buộc số năm mà chỉ yêu cầu sinh viên phải tích lũy đủ một lượng tín chỉ cần thiết, ví dụ: khoảng 120-135 tín chỉ cho bằng cử nhân, 30-36 tín chỉ cho bằng cao học.

Muốn áp dụng “đại trà” chương trình tín chỉ, việc đầu tiên mà bộ cần làm là trả quyền tự chủ về cho các trường đại học. Trước hết phải để các trường được quyền tự tổ chức tuyển sinh. Và quyền của sinh viên được thay đổi trường và ngành nghề trong quá trình học tập. Bởi nếu áp dụng học chế này mà học sinh không thể dùng tín chỉ của trường này để “nhảy” sang trường khác thì tính liên thông của hệ thống đại học mà học chế này có tác dụng phát huy sẽ không còn ý nghĩa.

Tất nhiên chính các trường chứ không phải bộ sẽ căn cứ vào chất lượng của các trường bạn để quyết định có công nhận tín chỉ của các trường khác hay không. Các trường vì thế cũng sẽ phải củng cố chất lượng sao cho cung cấp cho sinh viên các tín chỉ được nhiều trường công nhận nhất.

Học chế này cũng sẽ giúp khắc phục tình trạng khan hiếm giáo viên, vì không nhất thiết Kinh tế có Mác-Lênin thì Bách khoa cũng phải có. Các trường sẽ có điều kiện để đầu tư “hàng độc”, các chuyên môn sâu của mình, chấp nhận sinh viên sang trường khác lấy một số tín chỉ mà trường mình không cung cấp được.

Áp dụng học chế tín chỉ cũng đồng nghĩa với việc các trường đại học không thể tiếp tục “nhốt” sinh viên trong trường mình cho đủ bốn năm, đồng nghĩa với việc sinh viên sẽ không còn “gọi dạ bảo vâng”. Một trong những yếu tố quan trọng của học chế tín chỉ là ngay từ đầu đã đặt sinh viên trong tình huống phải động não, tự lựa chọn các môn học cho mình, có những phát hiện khoa học và ý kiến hoàn toàn độc lập.

                                                                                                       HUY ĐỨC (Sài Gòn Tiếp Thị )

 

Bình luận (0)